Lực đẩy mới cho tiến trình cổ phần hóa?

PV.

Bộ Tài chính đang xây dựng, trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Kỳ vọng Nghị định này được ban hành sẽ đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, giải quyết tồn tại về đấu giá, bán cổ phần…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xử lý nghiêm đơn vị cố tình trì hoãn

Thời gian qua, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước luôn diễn ra chậm so với các kế hoạch đặt ra. Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, chính sách phát sinh trong quá trình thực hiện thì không thể không nhắc đến tình trạng cố tình kéo dài thời gian của các doanh nghiệp.

Khẳng định vấn đề trên, ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Có tình trạng doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian chưa muốn cổ phần hóa, nhất là trong giai đoạn sửa đổi nghị định, chờ nghị định mới ban hành.

Thực tế, không cần phải có nghị định mới việc tiến hành cổ phần hóa vẫn có thể thực hiện bình thường. Tuy nhiên, tâm lý nhiều doanh nghiệp muốn chờ đợi chính sách mới và muốn kéo dài thời gian nên ỷ lại. Lường trước thực tế này, song song với tiến trình xây dựng nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ xử lý đối với những đơn vị cố tình trì hoãn CPH.

“Không có bất cứ lý do gì để “câu giờ” vì hầu hết các quy định về CPH hiện hành vẫn còn phù hợp, vẫn tiếp tục được quy định trong nghị định thay thế” – Ông Tiến nhấn mạnh.

Dự thảo nghị định Bộ Tài chính trình Chính phủ được nhiều chuyên gia đánh giá đã có nhiều điểm đổi mới mang tính đột phá. Dự thảo nghị định đã thống nhất 3 nghị định hiện hành vào một văn bản, điều này giúp các doanh nghiệp thuận tiện trong tra cứu, thực hiện.

Mặt khác, dự thảo cũng đã bổ sung một số nội dung như quy định đối với tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến cổ phần hóa. Đặc biệt, đã bỏ quy định trình tự, thủ tục công bố danh sách tổ chức tư vấn định giá của Bộ Tài chính mà giao cơ quan đại diện chủ sở hữu… Điều này giúp giảm thiểu thủ tục hành chính.

Thuận tiện hơn cho bán cổ phần

Thực tiễn, thời gian qua, nhiều đợt bán đấu giá cổ phần ra công chúng (IPO) không thành công, một trong những nguyên nhân là công tác thông tin, giới thiệu đến nhà đầu tư còn chưa tốt.

Khắc phục tình trạng này, dự thảo nghị định đã bổ sung thêm phương thức bán cổ phần lần đầu. Hiện tại, bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo 3 phương thức là đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp, song theo nghị định mới sẽ có thêm phương pháp dựng sổ.

Phương thức dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại nhu cầu mua cổ phiếu của nhà đầu tư, trên cơ sở đó tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành. Khi đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu của nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.

Nếu áp dụng phương thức mới này mà vẫn không bán hết cổ phần thì áp dụng các hướng xử lý như sau:

Một là, nếu không có nhà đầu tư nào đăng ký mua cổ phần thì thực hiện bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt, đồng thời thực hiện các thủ tục để chuyển doanh nghiệp sang công ty cổ phần. Số lượng cổ phần chưa bán được sẽ được điều chỉnh lại vốn điều lệ và thực hiện thoái vốn sau khi doanh nghiệp đã hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.

Hai là, trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần thì thực hiện bán thỏa thuận cổ phần cho nhà đầu tư này, với giá bán không thấp hơn giá khởi điểm. Nếu nhà đầu tư không mua thì thực hiện theo giải pháp thứ nhất.

Ba là, sau khi bán đấu giá công khai, tất cả các nhà đầu tư trúng đấu giá trong cuộc đấu giá công khai đều từ chối mua thì thực hiện theo giải pháp thứ nhất.

Bốn là, đã bán được một phần số cổ phần chào bán trong cuộc đấu giá công khai, số lượng cổ phần còn lại, bao gồm cả số lượng cổ phần các nhà đầu tư đã trúng giá nhưng từ chối mua, sẽ được tiếp tục thông báo đến các nhà đầu tư đã tham gia đấu giá hợp lệ để bán thỏa thuận.

Bán cho các nhà đầu tư theo khối lượng đăng ký và mức giá đặt mua tại phiên đấu giá, theo nguyên tắc lựa chọn giá thỏa thuận từ mức giá đã trả cao nhất xuống mức thấp của cuộc đấu giá trở xuống cho đủ số lượng cổ phần còn phải bán.

Song song với việc trình Chính phủ dự thảo nghị định, Bộ Tài chình cũng đang triển khai xây dựng thông tư và các văn bản hướng dẫn để ban hành ngay khi Nghị định ban hành để tạo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện.