Lực đẩy nào cho xử lý nợ và tài sản tồn đọng?

Ngọc Thanh

Việc thực hiện nhiệm vụ xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp cần hỗ trợ xử lý nợ nhiều, trong khi Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) lại bị hạn chế về quyền hạn, nên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một trong những giải pháp thúc đẩy hoạt động mua bán, xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập đến là nên mở rộng quyền cho DATC trong xử lý nợ. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn đối mặt và tiềm ẩn nhiều rủi ro xấu tác động lớn đến sự ổn định của hệ thống tài chính cần tăng cường tính bền vững của nợ, tập trung vào xử lý nợ xấu.

Theo đó, các tổ chức tín dụng, tổ chức xử lý nợ được thực hiện cấp tín dụng, bảo lãnh để doanh nghiệp tái cơ cấu có nguồn vốn phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; sử dụng chính sách miễn thuế, giảm thuế… đối với tổ chức xử lý nợ; các doanh nghiệp được tái cơ cấu thông qua xử lý nợ.

Ngoài ra, để xử lý nhanh các khoản nợ xấu cần ưu tiên cải thiện chất lượng của hệ thống tòa án. Bởi khi tiến hành các thủ tục khởi kiện đòi nợ, điểm kém cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia trên thế giới là thời gian giải quyết tranh chấp bị kéo dài và chậm trễ.

Thực tế, phần lớn nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý qua dự phòng rủi ro, thu nợ từ khách hàng. Các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản bảo đảm… chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn.Do đó, bên cạnh các phương pháp đã được sử dụng hiệu quả thời gian qua, để đẩy nhanh hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu, cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường mua bán nợ với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Bên cạnh đó cần đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ; phát triển hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm; tăng cường năng lực của các đơn vị tham gia thị trường như DATC.

Cụ thể là sớm có quy định bổ sung quyền hạn cho DATC trong thực hiện xử lý nợ. Bên cạnh việc bổ sung quyền hạn trong hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cơ bản phù hợp với quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, DATC cũng được thực hiện các biện pháp phục hồi doanh nghiệp cơ cấu lại dưới hình thức cung cấp tài chính, được bảo lãnh vay vốn tín dụng.

Đây là các quyền liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán, bán, xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm khoản nợ nhằm tạo điều kiện cho DATC thúc đẩy nhanh việc mua nợ và tài sản; xử lý thu hồi tài sản bảo đảm khoản nợ, bao gồm cả việc hoàn tất các hồ sơ pháp lý liên quan tài sản bảo đảm trước khi xử lý theo các hình thức quy định.

Theo các chuyên gia, việc bổ sung quyền này là hết sức cần thiết vì đối tượng DATC hỗ trợ là các doanh nghiệp khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh và xác định đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ cơ cấu lại, xử lý tài chính cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Việc thực hiện các nghiệp vụ nêu trên phải gắn với phương án tái cơ cấu được phê duyệt trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn và phải hỗ trợ cho việc thu hồi nợ và vốn của DATC khi chuyển nhượng, đồng thời phù hợp các quy định hiện hành của pháp luật.

Những thay đổi theo hướng nâng cao năng lực pháp lý để DATC có thể hoạt động một cách có hiệu quả và tránh rủi ro về mặt pháp lý trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, điều này giúp DATC thực hiện tốt vai trò là công cụ hữu hiệu của Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty đánh giá nợ, đàm phán, giải quyết công nợ tồn đọng, đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp…