Mua bán và sáp nhập tại Việt Nam hướng mốc 20 tỷ USD

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp báo trước thềm Diễn đàn mua bán – sáp nhập (M&A) Việt Nam năm 2014 - “Đón trước làn sóng thứ hai” diễn ra vào 7/8 tới.

 Mua bán và sáp nhập tại Việt Nam hướng mốc 20 tỷ USD
Việt Nam đã trải qua làn sóng thứ nhất của các thương vụ M&A với tổng trị giá 15 tỷ USD giai đoạn 2008 - 2013. Nguồn: internet

Theo thống kê và phân tích từ nhóm nghiên cứu của diễn đàn, Việt Nam đã trải qua làn sóng thứ nhất của các thương vụ M&A với tổng trị giá 15 tỷ USD giai đoạn 2008 - 2013, mà đỉnh cao là con số 5 tỷ USD vào năm 2012. Làn sóng thứ nhất diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp, kinh té vĩ mô mất ổn định, thị trường chứng khoán suy giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp tiến hành tái cấu trúc để tồn tại và vượt qua khủng hoảng.

Mặc dù vậy, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong giai đoạn này đã tăng trưởng 5 lần, từ 1 tỷ USD năm 2008 lên 5 tỷ USD năm 2013. Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội, với chiến lược M&A phù hợp, trở thành những tập đoàn mạnh như Masan, Kinh Đô, Vinamilk, Viettel… Trong giai đoạn này, đã xuất hiện những thương vụ lớn như lựa chọn đối tác chiến lược của Vietcombank - Mizuho, Vietinbank - Mitsubishi Bank, các thương vụ mua lại để phát triển thị trường của các đối tác Nhật Bản và ASEAN như Unicharm - Diana 120 triệu USD, SCG mua lại Prime Group 240 triệu USD, Fortis - Hoàn Mỹ 65 triệu USD...

Trải qua giai đoạn thứ nhất, M&A tại Việt Nam bước sang giai đoạn thứ hai 2014 - 2018 được kỳ vọng sẽ sôi động hơn với việc tăng trưởng về giá trị và số lượng thương vụ trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục, tái cơ cấu doanh nghiệp được đẩy mạnh, các văn bản Luật mới được thông qua và dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam giai đoạn 2014 – 2018 ước đạt quy mô giá trị lên tới 20 tỷ USD.

Các ngành dự báo sẽ có những thương vụ M&A lớn sẽ gồm ngành ngân hàng, sản xuất tiêu dùng, công nghệ thông tin, bất động sản, vận tải – logistic.