Mùa đại hội cổ đông 2017: Tăng vốn sẽ là vấn đề “nóng”

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng nhiều phương thức. Trong đó, tăng vốn dự kiến sẽ diễn ra phổ biến ở nhóm ngân hàng lớn có quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng nhiều phương thức. Nguồn: internet
Nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng nhiều phương thức. Nguồn: internet

Trong rất nhiều vấn đề “nóng” như kế hoạch kinh doanh, phương án lợi nhuận và trích lập các quỹ, miễn nhiệm và bầu bổ sung các thành viên HĐQT, nội dung tăng vốn được rất nhiều ngân hàng đưa vào tờ trình cổ đông.

Đồng loạt tăng vốn

Năm nay, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) có kế hoạch tăng vốn điều lệ. “Được sự hậu thuẫn và ủng hộ tối đa từ HĐQT, việc tăng vốn của ngân hàng trong năm 2017 rất khả thi”, bà Đào Minh Anh, Phó tổng Giám đốc phụ trách Khối Quản trị rủi ro của OCB cho biết.

Đại diện OCB chia sẻ rằng OCB dự kiến sẽ nâng vốn lên mức 5.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn lên đến mức nào, thời điểm, phương thức huy động vốn ra sao đều đã được OCB cân nhắc để phù hợp với điều kiện hiện tại.

Để chuẩn bị cho cuộc họp Đại hội cổ đông sắp tới, Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng Vietcombank sẽ thông qua nội dung tăng vốn điều lệ. Tại thời điểm 31/12/2016, vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng 35%, lên 35,9 nghìn tỷ đồng.

Một ngân hàng khác là MB Bank cũng sẽ bàn chi tiết về kế hoạch sử dụng vốn chủ sở hữu và lộ trình tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Ngân hàng LienVietPostBank vừa tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017. Đại hội đã thống nhất thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 1.040 tỷ đồng, lên 7.500 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu trong năm 2015 và lợi nhuận sau thuế của năm 2016.

Trước đó, HĐQT công bố mức tăng vốn điều lệ dự kiến là 6.460 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng thông qua phát hành 54 triệu cổ phiếu trong năm 2015 và nguồn lợi nhuận sau thuế năm 2016 cùng với việc chào bán ra công chúng, cán bộ nhân viên hoặc nhà đầu tư, đối tượng khác 15,24 triệu cổ phiếu.

Năm 2016, một số ngân hàng có kế hoạch tăng vốn, dù đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nhưng chưa thể thực hiện được. Chẳng hạn, Saigonbank có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, một số ngân hàng khác như Viet Capital, Kienlongbank, VietBank hay VietA Bank cũng có kế hoạch tăng vốn nhưng chưa thể thực hiện được.

Chạy… CAR

Ngoài mục tiêu mở rộng kế hoạch kinh doanh như đầu tư nâng cấp thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới, mục đích nâng vốn điều lệ của các ngân hàng hiện nay là do phải “chạy” CAR (bảo đảm tỷ lệ vốn an toàn) theo quy định của NHNN.

Năm 2017, LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 11% so với con số thực hiện năm 2016. Tính đến 31/12/2016 vốn điều lệ của nhà băng này là 6.460 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 142.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng hơn 83.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt hơn 116.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.348 tỷ đồng. Các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng vượt trên 30% so với năm 2015.

Dù năm 2016, một số ngân hàng đã tăng vốn thành công nhưng trước thềm ĐHCĐ vẫn trình kế hoạch tăng vốn như ngân hàng VPBank vừa được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ từ 9.181 tỷ đồng lên 10.756,5 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua.

Đại diện VPBank cho hay số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định theo quy định của pháp luật.

Tính đến ngày 31/12/2016, tổng tài sản của VPBank đạt gần 226 ngàn tỷ đồng, tăng 16,5% từ mức 194 ngàn tỷ đồng năm 2015. Tổng huy động vốn trong năm đạt 172 ngàn tỷ đồng, tăng 13,15% so với năm 2015, trong đó tỷ trọng cơ cấu huy động dài hạn tăng từ 40% thời điểm cuối năm trước lên 50,4% tại ngày 31/12/2016. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận của riêng Ngân hàng hơn 3.400 tỷ đồng.

Năm 2016, MBBank đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn lên 17,127 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm cuối năm nhưng năm 2017 vẫn có kế hoạch tăng vốn.

Giới chuyên gia cho rằng tăng vốn không chỉ giúp các ngân hàng đảm bảo được chỉ số CAR theo quy định của NHNN, đối với các ngân hàng lớn, tăng vốn còn giúp họ mở rộng hạn mức tín dụng, bổ sung vốn vay trung và dài hạn, quản trị rủi ro.

Tính đến hết năm 2016, nếu áp chuẩn BASEL, Eximbank có CAR đạt 17%, VIB đạt 13%... Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại nhà nước có chỉ số CAR thấp hơn các ngân hàng TMCP như Viecombank CAR ở mức 10,29%; VietinBank 11%; BIDV xấp xỉ 10%.