Ngành ngân hàng Việt Nam sớm đón sóng vốn ngoại lần thứ 3?

Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn

Nếu như đầu năm nay đã xảy ra hàng loạt thương vụ thoái vốn của cổ đông nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam, thì gần đây lại có dấu hiệu cho thấy ngành ngân hàng sắp đón đợt góp vốn lần thứ 3 của các nhà đầu tư nước ngoài.

Nngành ngân hàng sắp đón đợt góp vốn lần thứ 3 của các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: internet
Nngành ngân hàng sắp đón đợt góp vốn lần thứ 3 của các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: internet

Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào các ngân hàng Việt Nam diễn ra lần đầu vào giai đoạn 2005 - 2008, thời điểm mà thị trường chứng khoán và bất động sản đang "sốt cao", trong đó nhiều cổ phiếu ngân hàng được rao bán với giá hàng trăm nghìn đồng/cổ phiếu.

Nhiều thương vụ lớn đã diễn ra trong thời gian này và đây cũng là lớp cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của các ngân hàng Việt Nam, như ANZ mua 10% cổ phần Sacombank (2005), Standard Chartered mua 9% cổ phần ACB (2005), HSBC mua 10% cổ phần Techcombank (2005) và sau đó tăng lên 20%, OCBC mua 10% cổ phần VP (2006) và sau đó tăng lên 15%, Societe General mua 20% của Seabank (2008), BNP Paribas đầu tư vào OCB (2009).

Giai đoạn 2011 - 2014 với những thương vụ nổi bật như Ngân hàng Commonweath của Úc đầu tư 60 triệu USD vào VIB (2011), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đầu tư hơn 40 triệu USD vào Ngân hàng An Bình (2011), Mizuho Corperate Bank đầu tư vào Vietcombank hơn 576 triệu USD (2012), Bank of Tokyo - Mitsubishi mua 20% cổ phần của Vietinbank với giá 743 triệu USD (2013).

Tuy nhiên, ngành ngân hàng sau đó đã trải qua thời kỳ khó khăn khi thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng mạnh, lợi nhuận sụt giảm và giá cổ phiếu rớt chóng mặt, buộc phải cơ cấu lại hoạt động. Nhờ đó, dần dần việc kinh doanh của các ngân hàng dần hồi phục dù chưa thật sự vững chắc.

Thị trường chứng khoán tạo đáy vào năm 2012 và duy trì đà đi lên kể từ đó đến nay, đặc biệt tăng mạnh trong thời gian gần đây khiến nhiều cổ đông nước ngoài lợi dụng thời cơ để thoái vốn các khoản đầu tư trước đây vào ngân hàng Việt Nam. ANZ đã sớm rời Sacombank sau gần 7 năm gắn bó, OCBC thoái vốn khỏi VPBank vào 2013. Từ  đầu năm 2017 đến nay, thị trường tiếp tục chứng kiến HSBC chia tay Techcombank sau 12 năm chung vốn, Standard Chartered Bank tỏ dấu hiệu rút khỏi ACB.

Ngành ngân hàng đang dần hấp dẫn trở lại là điều có thể thấy rõ và do đó có thể  thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thời gian qua vào Việt Nam liên tiếp tăng mạnh, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và duy trì tăng trưởng tích cực.

Ngày 7/12, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Quỹ Đầu tư PYN Fund Management đã ký hợp đồng mua bán cổ phần. Theo đó, PYN Elite Fund sở hữu 4,99% vốn sau phát hành của TPBank với giá trị gần 40 triệu USD. Được biết, TPBank gần đây đã khóa room dành cho khối ngoại và dự kiến sẽ lên sàn trong thời gian tới.

Tiếp đến, ngày 8/12, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) công bố HĐQT đã thông qua tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 23,66% vốn điều lệ. Trước đó Techcombank sau khi mua lại cổ phần của HSBC đã tạm thời khóa tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại ở mức 0% nhằm chủ động lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. LienVietPostBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại mức 5% vốn.

Có thể thấy, nhiều ngân hàng đang ráo riết lên kế hoạch tìm kiếm các cổ đông chiến lược nước ngoài cho giai đoạn tới. Nhóm ngân hàng Vietcombank, Vietinbank vẫn để ngỏ thương vụ bắt tay với cổ đông nước ngoài, trong khi BIDV được cho là có kế hoạch phát hành riêng lẻ 10% vốn cấp 1 cho nhà đầu tư chiến lược là một ngân hàng Hàn Quốc. Thậm chí nhóm ngân hàng yếu kém đã bị mua 0 đồng cũng có thể sẽ bán cho các nhà đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Trong khi đó, các ngân hàng như VPBank, VIB hay An Bình gần đây cũng nhận được các khoản tài trợ thương mại từ các định chế tài chính nước ngoài như IFC, Credit Suisse hay Deutsche Bank. Và cũng không loại trừ những khoản tài trợ hay đầu tư vào trái phiếu, giấy tờ có giá của các nhà đầu tư này sẽ được chuyển đổi thành vốn góp trong tương lai.

Được biết vào năm 2011, IFC đã cung cấp khoản vay chuyển đổi 40,5 triệu USD cho Ngân hàng An Bình và chuyển đổi thành 10% cổ phần sau đó. Và mới đây, VPBank thông báo sẽ chuyển đổi khoản vay 57 triệu USD của IFC thành cổ phần, tương ứng khoảng 5%. IFC hiện nắm giữ 5% cổ phần của TPBank và 8% cổ phần tại Vietinbank.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được ban hành trong năm qua, tạo cơ sở pháp lý để giúp các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hoạt động. Những quy định về cho vay ngoại tệ, tỷ lệ an toàn được gia hạn hoặc giãn lộ trình cũng giúp các ngân hàng giảm áp lực và có cơ hội tiếp tục cải thiện kết quả kinh doanh trong thời gian tới.

Với việc thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng, nhiều ngân hàng đã đẩy nhanh tiến độ niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán, đồng thời tái cấu trúc danh mục đầu tư. Ngành ngân hàng đang dần hấp dẫn trở lại là điều có thể thấy rõ và do đó có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thời gian qua vào Việt Nam liên tiếp tăng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tích cực.

Đơn cử như cuối tháng 7 vừa qua, khi lên sàn, VPBank đã tạo sự kiện nổi bật với một loạt nhà đầu tư nước ngoài đặt mua cổ phiếu khoảng 1,2 tỷ USD, room sở hữu nước ngoài cũng gần được lấp đầy.

Với những triển vọng như trên, lần thứ 3 cổ đông nước ngoài đầu tư mạnh vào ngành ngân hàng Việt Nam có thể sớm xảy ra.