Nghịch lý buồn: "Tôi vẫn sống!"

Theo cafef.vn

(Tài chính) Nhiều doanh nghiệp (DN) lại "khăng khăng" khẳng định: "Tôi vẫn sống và có thể tiếp tục sống!" dù cho kiểm toán có ý nghi ngại khả năng hoạt động liên tục.

Nghịch lý buồn: "Tôi vẫn sống!"
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Mùa báo cáo tài chính bán niên vừa qua, hàng loạt công ty đã từng bị kiểm toán đặt dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục lại tiếp tục bị đặt câu hỏi. Đáng buồn là: những lời giải trình của DN lại không đi sâu vào kế hoạch kinh doanh sắp tới hay những kế sách để tiếp tục hoạt động bình thường mà lại mang màu sắc: "tôi vẫn sống!"

Hàng loạt DN liên tục bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Đành rằng, kiểm toán đưa ra ý kiến là dựa trên đánh giá của họ về DN. Lời cảnh tỉnh, nếu có, là để nhà đầu tư cảnh giác khi lựa chọn đầu tư vào DN nào đó. Phần ý kiến này của kiểm toán luôn nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, cho nhà đầu tư một cái nhìn khách quan hơn những thông báo có phần sơ sài của DN.

Một số DN bị đặt dấu hỏi nghi ngờ hoạt động liên tục mùa Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên năm nay phải kể đến như: VNA, VID, XMC, VCR, BHV, PXM, TNG, VOS, BHC, SHN, GGG, HHL, VNI...

Nghịch lý buồn: "Tôi vẫn sống!"


Trong các kỳ BCTC kiểm toán từ 2009 của  Công ty cổ phần (CTCP) vận tải biển Vinaship (VNA), đơn vị kiểm toán luôn không quên nhắc nhở người đọc phần thuyết minh khả năng hoạt động liên tục. Nợ ngắn hạn của công ty đã bỏ xa tài sản ngắn hạn và khoảng cách này không ngừng tăng qua các năm. Cứ như thế, kiểm toán năm nào cũng câu quen thuộc: Lưu ý thuyết minh về giả thiết hoạt động liên tục trong báo cáo của ban giám đốc. Báo cáo năm nào, ban tổng giám đốc cũng tin tưởng và cho rằng BCTC được lập trên giả định công ty hoạt động liên tục là hợp lý.

Thậm chí, đến tận BCTC soát xét bán niên năm 2013, khi nợ hạn của công ty lớn hơn tài sản ngắn hạn 236 tỷ đồng và tình hình làm ăn khá bết bát với lỗ 68,5 tỷ đồng 6 tháng sau khi đã lỗ 28 tỷ đồng năm 2012 thì ban tổng giám đốc vẫn lên tiếng bảo vệ quan điểm về tính hợp lý trong hoạt động liên tục của công ty. Bản thuyết minh này "bám" trên 2 kế hoạch chính là "đang làm việc với các ngân hàng để điều chỉnh lại kế hoạch trả nợ của các khoản vay dài hạn" và "có kế hoạch bán 1-2 tàu cũ khai thác không hiệu quả là tàu Hà Tiên, Hà Nam để bổ sung vốn lưu động". Chúng tôi cũng xin nói thêm, kế hoạch bán tàu đã được đưa ra từ tháng 6 năm 2012 trong nghị quyết Đại hội cổ đông. Tuy nhiên, đến giờ, kế hoạch này vẫn chưa có kết quả.

Tại báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2013 của CTCP Đầu tư Phát triển Thương mại Viễn Đông (VID), kiểm toán cho biết, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 56 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm tiếp tục thua lỗ hơn 50 tỷ đồng (công ty đã lỗ năm 2011, 2012). Những điểm này có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của công ty. Kiểm toán cho rằng, khả năng hoạt động của công ty phụ thuộc vào việc chuyển nhượng một phần tài sản của công ty tại Chi nhánh Bình Dương và việc xem xét miễn giảm lãi vay của ngân hàng cũng như kết quả kinh doanh của công ty trong thời gian.

Về phía VID, trong công văn giải trình kết quả kinh doanh đã cho biết tiến trình những hạng mục có thể "cứu" công ty. Tuy nhiên, bản giải trình này chứa đựng khá nhiều ngôn từ nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty như: "dự kiến quý 4 năm 2013 tới đây, công ty sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc liên doanh liên kết theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đại hội cổ đông" hay "trình ngân hàng xem xét miễn lãi vay năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013". Công ty dự kiến trong quý 4 tình hình sẽ khả quan hơn cùng chia sẻ giảm lãi suất của ngân hàng.

Hay như tại Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (XMC), kiểm toán cho biết BCTC HN được lập trên giả định công ty tiếp tục hoạt động trong vòng 12 tháng kể từ 30/6/2013. Tuy nhiên, kiểm toán lưu ý trong kỳ 6 tháng công ty lỗ hơn 22 tỷ đồng và lỗ luỹ kế hơn 17 tỷ đồng. Ngoài ra, tại ngày 30/6/2013, công nợ ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 142 tỷ đồng.

Khả năng thanh toán của XMC phụ thuộc vào lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh có thể thu được trong tương lai, khả năng huy động vốn từ khách hàng mua bất động sản, khả năng vay vốn từ các tổ chức kinh tế cũng như khả năng huy động vốn từ các nhà đầu tư.

Ban giám đốc cho biết công ty đã có các khoản cam kết tín dụng của một số ngân hàng thương mại theo các hợp đồng hạn mức tín dụng. Tại ngày 30/6/2013, tổng số hạn mức tín dụng còn lại tại công ty mẹ của công ty là 54 tỷ đồng. Công ty cũng đang tìm các nguồn tài chính khác có thể tự trang trải các khoản nợ khi đến hạn.

Báo cáo của XMC cũng cho biết, tổng số nhân viên của công ty và công ty con tại 30/6/2013 là 2.761 người, giảm mạnh so với con số 3.600 người đầu năm.

Còn tại VCR-Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex, kiểm toán đưa ra ý kiến cho rằng kinh doanh bất động sản là hoạt động chính với tỷ trọng tài sản và nợ phải trả lần lượt 94% và 99% trên tổng tài sản và nợ phải trả của công ty trong các năm qua. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh BĐS trong nước 6 tháng đầu năm 2013 gặp nhiều khó khăn, dự án Khu Đô thị - Du lịch Cái Giá – Cát Bà là dự án bất động sản tạo doanh thu chính của công ty đang được triển khai chậm lại. Công ty hiện đang trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động để có thể thanh toán các công nợ đến hạn trả. Những yếu tố đó gây nên sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Tuy nhiên, Ban giám đốc cho biết công ty đã có khoản cam kết tín dụng của Ngân hàng Agribank với hạn mức 400 tỷ đồng có thời hạn 5 năm kể từ lần giải ngân đầu tiên vào 19/05/2011. Đến 30/06/2013, công ty đã rút 166,6 tỷ đồng và hạn mức tín dụng còn lại 233,4 tỷ đồng. Công ty có thể vay với các điều khoản phù hợp để thanh toán cho các nhà thầu xây dựng dự án Khu Đô thị - Du lịch Cái Giá – Cát Bà.

Kiểm toán thường làm việc trên nguyên tắc thận trọng và mọi ý kiến của kiểm toán là để tránh rủi ro có thể gây ra cho người đọc BCTC. Vì vậy, ý kiến kiểm toán vẫn là một phần đáng được quan tâm. Tuy nhiên, lãnh đạo DN lại là những người nắm bắt hoạt động kinh doanh của mình sát sao nhất.  Ban giám đốc có cơ sở của họ để tin rằng công ty vượt qua khó khăn và đây cũng là điểm tốt cho cổ đông nhưng cũng đã không ít lãnh đạo công ty chỉ có kế hoạch trên giấy hoặc những kế sách giúp công ty thoát hiểm lại mong manh phụ thuộc vào những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của công ty. Điều quan trọng với nhà đầu tư là khi lãnh đạo nói "tôi chưa chết" thì cũng cần có kế sách rõ ràng với thời gian cụ thể cũng như cập nhật thường xuyên để nhà đầu tư an lòng.