Nhân viên ngân hàng "kêu oan" về mức lương cao

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Nhân viên ngân hàng than lương thực tế chỉ vài triệu đồng một tháng, nhưng phải chịu tiếng oan vì gánh thêm thu nhập của lãnh đạo.

Nhân viên ngân hàng "kêu oan" về mức lương cao
Nhân viên ngân hàng cho rằng lương thưởng thực tế không cao như thống kê. Nguồn: internet
Báo cáo tài chính của hầu hết các ngân hàng vừa công bố đã cho thấy những mức lương, thu nhập bình quân phổ biến trên 10 triệu đồng một tháng, nhiều nơi lên tới 16-17 triệu đồng, mức đáng mơ ước của nhiều ngành nghề khác. Nhân viên nhiều nhà băng cho rằng đằng sau những con số trên các báo cáo ấy, thu nhập thực tế của họ thấp hơn nhiều.

Vinh - công tác tại Ngân hàng Quân đội (MB), nơi có thu nhập bình quân 17,4 triệu đồng và tạm dẫn đầu ngành - cho biết ở một số chi nhánh, nhiều giao dịch viên chỉ nhận lương 3-4 triệu một tháng. Nhân viên quan hệ khách hàng tại đây cũng chỉ nhận 8-10 triệu đồng (gồm cả thưởng đạt doanh số).

Ngay cả các sếp ở chi nhánh lương cùng lắm chỉ gấp lương anh ba lần. Ngoài giao dịch viên, mức lương vài ba triệu đồng mỗi tháng cũng không khó tìm trong bộ phận bán hàng, quan hệ khách hàng... ở một số nhà băng.

Nhiều nhân viên của Vietinbank - nhà băng có lương bình quân hơn 17 triệu - cũng than thở, phía sau những báo cáo tài chính ấy là mức thu nhập thấp hơn rất nhiều. Hằng là cựu giao dịch viên ở Vietinbank Bắc Ninh từ những năm 2010 - thời điểm cực thịnh của ngân hàng. Cô cho biết mức lương nhận thời đó chỉ 5 triệu đồng, trong khi ngày làm việc luôn kéo dài 12 tiếng, từ 7 giờ sáng.

"Lúc khá nhất cũng có khi được 6,5 triệu nhưng áp lực và họp hành liên miên. Ngân hàng còn áp hết chỉ tiêu này đến chỉ tiêu khác, huy động tiền gửi, thẻ ATM... vô cùng mệt mỏi", Hằng kể.

Tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương được 2 năm, Hoàng Anh - một nhân viên ở Vietcombank cho hay lương khoảng 8,5 triệu và đây cũng là mức lương khá phổ biến của các nhân viên. Một số cán bộ khác của Techcombank, VPBank, Sacombank, ACB... cũng lần lượt "lên tiếng" rằng, lương của họ phần lớn đều dưới 10 triệu đồng và việc thu nhập bình quân cao do phải tính cùng khoản lương khủng vài chục, vài trăm triệu của các lãnh đạo.

Thu nhập bình quân thực chất là chỉ tiêu được tính toán dựa trên các khoản chi cho lương, phụ cấp trên tổng số nhân sự của cả ngân hàng (gồm nhân viên, lãnh đạo cấp trung, cấp cao của hội sở, các chi nhánh, phòng giao dịch... trên cả nước). Do đó, theo lập luận của các nhân viên, sở dĩ mức thu nhập bình quân này trên chục triệu là do những khoản lương "khủng" từ các cấp lãnh đạo.

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của một ngân hàng cổ phần quy mô lớn thừa nhận, thu nhập trong ngành có sự phân hóa khá lớn giữa nhân viên và lãnh đạo cấp trung, cấp cao.

Tuy nhiên, vị này chia sẻ, dân ngân hàng không hề sung sướng bởi áp lực về giờ giấc, về doanh số cũng như những rủi ro rất lớn. "Nên đánh giá lương trên giờ làm việc thực tế của họ thay vì chỉ 8 tiếng như các ngành khác. Ngoài ra, nhân viên kinh doanh chịu áp lực rất lớn về doanh số, giao dịch viên thì làm việc rất căng thẳng chứ không an nhàn, nhân viên tín dụng thì đang khốn khổ đi đòi nợ...", ông nói.

Trên thực tế, chỉ vài ngân hàng công bố cụ thể thu nhập của Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc điều hành nhưng tính ra, chi phí trả cho các lãnh đạo cấp cao này chỉ chiếm khoảng 1% tổng quỹ lương. Theo đại diện của một công ty tuyển dụng nhân sự, quỹ lương dành cho các nhân sự cấp cao, thậm chí cấp trung trong ngành ngân hàng cũng khá lớn. Trong đó, các vị trí giám đốc khối, giám đốc chi nhánh lương có thể vài nghìn đôla (tùy từng cấp và quy mô của các ngân hàng).

"Ngay cả ở nhóm nhân sự cấp cao, các vị trí cũng có mức phân hóa về lương khá lớn. Có thể người này chỉ hơn người kia một, hai bậc nhưng lương có thể cách vài nghìn đôla", một cán bộ làm việc trong lĩnh vực "săn đầu người" tiết lộ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự cấp cao thì nhìn nhận những con số lương vài chục, vài trăm triệu của những vị trí quan trọng ở ngân hàng là hợp lý và không nên đánh giá phiến diện rằng họ nhận lương cao, an nhàn.

Theo ông, đây là những nhân sự chủ chốt, ở vị trí khó tìm và có tầm ảnh hưởng lớn. "Việc trả lương quá cao so với công sức thực tế chỉ xảy ra ở doanh nghiệp Nhà nước chứ chủ các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là ngân hàng, những đồng lương họ trả cho nhân viên đều phải xứng đáng với lợi nhuận tạo ra", vị chuyên gia này nói.

Đến nay tại Việt Nam chưa có tổ chức nào thống kê cụ thể, chi tiết về lương lãnh đạo, nhân viên của ngành và đây đều là những con số "khó tiết lộ". Tuy nhiên, theo một công bố mới đây của Towers Watson, tốc độ tăng lương của ngành dịch vụ tài chính thấp nhất trong các ngành được khảo sát.

Cụ thể, ngành này chỉ tăng lương khoảng 10% trong khi năm ngoái tăng 12,2%. Riêng ngành ngân hàng, lương tăng chưa đến 9% so với năm trước đó. Khảo sát này được Towers Watson thực hiện thống kê từ 22 ngân hàng trong và ngoài nước, 15 doanh nghiệp bảo hiểm và 13 quỹ đầu tư, công ty tài chính.