Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự ưu đãi

Các chính sách ưu đãi về thuế dành cho doanh nhiệp đã và đang phát huy tác dụng nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã lợi dụng sự ưu đãi để trốn thuế…

Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự ưu đãi
Chính sách ưu đãi về thuế cần chặt chẽ hơn nữa (ảnh minh họa)
“Kỹ năng” trốn thuế

 Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, dự kiến số nợ thuế, phí tính đến thời điểm  31-12-2011 là 3.682 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4% tổng số thu ngân sách năm 2011. Trong đó, nợ không có khả năng thu hồi lên tới 430 tỷ đồng, còn nợ chờ xử lý là 369 tỷ đồng. Số nợ khó đòi đều do các doanh nghiệp bị khởi tố, hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể, không có khả năng thanh toán.

Còn theo số liệu thống kê của Cục Hải quan thành phố Hà Nội, tính đến tháng 6, cơ quan này đang phải quản lý số nợ lên tới hơn 2.391 tỷ đồng. Việc lợi dụng chính sách ân hạn thuế để trốn thuế, chiếm đoạt vốn của nhà nước không ngừng gia tăng. Một số doanh nghiệp đã có hẳn “quy trình”, thủ đoạn để qua mặt cơ quan quản lý. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nội Bài - Đào Văn Liên cho biết: “Nhiều doanh nghiệp “ma” được thành lập để nhập khẩu hàng hóa, đến hạn nộp thuế doanh nghiệp cố tình không thanh toán, thậm chí bỏ trốn khỏi địa bàn kinh doanh để né khoản thuế lẽ ra phải nộp vào ngân sách. Một trong những “chiêu” mà các doanh nghiệp hay áp dụng là thường xuyên thay đổi địa chỉ kinh doanh nhưng không báo cho cơ quan quản lý”.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn dùng thủ thuật chuyển giá (chủ yếu là các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài - có vốn FDI) nhằm nâng khống chi phí đầu vào, giảm thiểu doanh thu thực tế để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ít đi, gây ra tình trạng thua lỗ ảo kéo dài làm thất thu ngân sách Nhà nước…

Gian nan truy thu

“Chính sách ân hạn thuế đang bị nhiều đối tượng doanh nghiệp lợi dụng. Một khi họ đã cố tình trốn thuế thì việc thu đòi nợ thuế là hết sức khó khăn. Vì sau khi nhập khẩu một vài lô hàng và được nợ thuế theo quy định, họ sẽ tìm mọi cách nhằm trốn thuế như thay đổi địa chỉ hay tự động giải thể...”, bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Đội trưởng Đội Quản lý thuế, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội phân tích. Việc thu hồi nợ thuế gặp rất nhiều khó khăn, bởi đa số các khoản nợ thuế còn tồn đọng phát sinh đã lâu, nhiều khoản rất khó thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, tự ngừng hoạt động…

Ông Phạm Trần Thành - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội cho biết: “Có trường hợp người đứng tên giám đốc lại không phải là chủ doanh nghiệp mà chỉ là giám đốc thuê, một số chủ doanh nghiệp lĩnh án tù nên cũng không có khả năng nộp thuế. Ngoài ra, cán bộ được giao nhiệm vụ thu thuế phải đi truy tìm, xác minh, điều tra đối tượng nợ thuế trong hoàn cảnh rất vất vả, có khi còn nguy hiểm vì không có phương tiện, người nợ thuế trây ì, gây gổ, hành hung…”.

Nhận định về tình trạng nợ đọng thuế xuất nhập khẩu, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Nguyễn Văn Phụng cho rằng, điều lo ngại nhất chính là ý thức chấp hành pháp luật thuế của doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp đã cố tình trốn thuế, việc thu đòi nợ thuế sẽ gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng doanh nghiệp trây ì, trốn thuế thì bên cạnh nỗ lực của các cơ quan thuế, hải quan cần có sự thay đổi từ chính sách. Những điều khoản không còn phù hợp với thực tiễn trong các chính sách thuế cần phải có sự thay đổi.

Ông Đào Văn Liên chỉ rõ: “Trên thực tế, sự ưu ái của chính sách ân hạn thuế hầu như rơi vào các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh xuất nhập khẩu. Do đó, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu và loại bỏ chính sách ân hạn”.

Theo An Ninh Thủ đô (Đăng ngày 17/07/2011)