Nhiều giải pháp hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2014

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Năm 2014, Chính phủ vẫn tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa(DNNVV), đặc biệt là việc tạo điều kiện cho DN tham gia vào các dự án của Chính phủ.

Nhiều giải pháp hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2014
Năm 2014, Chính phủ vẫn tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cho DNNVV. Nguồn: internet
DN phải biết nắm bắt cơ hội, tự xây dựng kế hoạch kinh doanh và nâng cao năng lực quản trị để có thể tiếp nhận được những điều kiện tốt và phù hợp với mình.

Ông Nguyễn Trọng Hiệu - Phó cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên.

Tạo điều kiện cho DN tham gia vào dự án của Chính phủ

Trong năm 2014, Chính phủ sẽ có những biện pháp cụ thể nào để giúp DN tiếp cận được với nguồn vốn hiệu quả hơn, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Hiệu: Một trong những biện pháp nổi bật giúp DNNVV tiếp cận nguồn vốn trong năm 2014 là việc sẽ đưa Quỹ phát triển DNNVV vào hoạt động một cách mạnh mẽ. Quỹ sẽ tập trung vào các DNNVV có tiềm năng phát triển, có dự án, phương án kinh doanh khả thi và DN nằm trong diện đối tượng ưu tiên, ví dụ như DN phụ trợ, DN chế biến nông sản, DN xuất khẩu...

Quỹ này sẽ cho DN vay vốn với lãi suất có ưu đãi so với thị trường, lãi suất sẽ được tính theo lãi suất trung bình của 5 NHTM lớn nhất.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg thay thế Quyết định 193 trước đây về Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Theo đó, các địa phương sẽ đẩy nhanh thành lập Quỹ tín dụng hỗ trợ DNNVV để có thể đảm bảo nguồn vốn vay để DN sản xuất kinh doanh. Mặt khác, để triển khai thực hiện Quyết định, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng cho Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Đây là những giải pháp thiết thực, tạo điều kiện cho DNNVV phát triển trong năm 2014.

Trong tất cả những chính sách hỗ trợ DNVVV năm 2014, giải pháp nào được ưu tiên và quan tâm hàng đầu, thưa ông?

Chính phủ hiện nay quan tâm nhất đến vấn đề tạo môi trường thuận lợi cho DN tham gia vào các dự án, chương trình.

Vừa qua, Luật Đấu thầu cũng có những ưu đãi cho DNNVV có điều kiện tham gia đấu thầu công khai và sẵn sàng dành phần nhất định cho họ nếu đảm bảo được chất lượng hàng hóa, dịch vụ và tiến độ cung cấp.

Ngược lại, các DN cũng phải tích cực nắm bắt và nâng cao năng lực quản trị của mình thì mới có thể tiếp cận các dự án.

Hiện nay, Bộ KH-ĐT đang chủ trì cùng với các bộ ngành, hiệp hội nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Đặc biệt, với Luật Đầu tư, tinh thần chung được Chính phủ và lãnh đạo Bộ KH-ĐT chỉ đạo là tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nguồn đầu tư của tư nhân, nước ngoài, chú trọng đầu tư nội địa...

Tôi cho rằng, những giải pháp về chính sách, quy định như vậy, DN rất thuận lợi để có kinh phí, nguồn lực đầu tư.

DN chưa "để tâm" đến sự hỗ trợ của Nhà nước

Theo ông, DNNVV cần có những động thái gì để nắm bắt và tận dụng hiệu quả những chính sách và giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ?

Vừa qua, Bộ có đi khảo sát một số DN tại địa bàn Phú Thọ, Thanh Hóa và Hà Nội, thấy rằng, có rất nhiều DN tư nhân, DNNVV có tiềm năng, thực tế không có khó khăn về vốn, có nhiềungân hàngchào vay với lãi suất 8-9% nhưng họ chưa vay.

Tôi cho rằng, các DNNVV chưa thật sự "để tâm", chưa có hiểu biết nhiều về các chính sách hỗ trợ cũng như những nguồn vốn ưu đãi. Theo điều tra, gần 80% DNNVV không biết gì về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Điều đó cũng xuất phát từ yếu kém của cơ quan quản lý, ví dụ như các sở ban ngành, địa phương chưa thực hiện tốt nhiệm vụ giúp DN tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do năng lực quản lý, quản trị của DNNVV yếu kém. Thậm chí, ngay cả với những chương trình về đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ, bản thân DN không chú trọng.

Để nắm bắt thời cơ, DN phải tự xây dựng kế hoạch kinh doanh để có thể tiếp nhận được những điều kiện tốt và phù hợp với mình. Năng lực cạnh tranh của DN năm 2013 đã tăng nhưng tăng chậm và những yếu tố chính để tạo nên năng lực cạnh tranh vẫn còn rất thấp.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, khi Việt Nam chính thức tham gia các Hiệp định thương mại trong thời gian tới thì cơ hội được đón nhận các nguồn vốn đầu tư rất lớn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có giải pháp nào giúp thu hút nguồn vốn đầu tư và phát triển DNNVV để họ hấp thụ tốt hơn nguồn vốn nay?

Sự chuẩn bị của các DN để tiếp cận với không gian kinh tế mở khi các Hiệp định được ký kết như Hiệp định TPP, Cộng đồng kinh tế Asean... đã được khởi động. Khi đó các DN sẽ được tự do di chuyển nguồn vốn, đầu tư, dịch vụ, lao động...Tất nhiên, DN trong nước sẽ phải chịu rất nhiều thách thức, sức ép khi DN ngoại vào.

Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu giới thiệu về cơ chế, thách thức, ưu đãi về đầu tư, về nguồn lực từ bên ngoài để DN có sự chuẩn bị và chủ động tiếp cận.

Hiện nay, Bộ đang nghiên cứu một thông tư mới thay thế Thông tư 05 về hỗ trợ đào tạo nhân lực cho DNNVV sẽ ban hành và triển khai trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!