Phát triển doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Theo Thông tin Tài chính

Doanh nghiệp xã hội (DNXH) đã và đang ngày càng khẳng định những đóng góp thiết thực cho kinh tế, góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ hội phát triển

Tại Việt Nam, mô hình DNXH vẫn còn khá mới, với khoảng 300 doanh nghiệp đang hoạt động và hàng ngàn tổ chức, trung tâm có thể phát triển thành DNXH.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam là quốc gia có những điều kiện để phát triển loại hình doanh nghiệp này.

Khảo sát của CIEM trong những năm gần cho thấy, nhiều thanh niên mới ra trường có khát vọng được góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của xã hội. Có những người đã sẵn sàng từ bỏ công việc với mức lương hàng nghìn USD/tháng khởi nghiệp bằng một DNXH.

Vai trò quan trọng của DNXH đối với kinh tế - xã hội đã được khẳng định với việc luật hóa DNXH trong Luật Doanh nghiệp 2014. Đây là tiền đề quan trọng cho việc hình thành môi trường pháp lý và những chính sách phù hợp khuyến khích cho sự phát triển của DNXH.

DNXH được hiểu một cách chung nhất là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Hiện, có một số DNXH đã tạo dựng được thương hiệu, điển hình như: Trường đào tạo nghề nhân đạo Koto với chuỗi nhà hàng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Trong hơn một thập kỷ phát triển, Koto đã nhận đào tạo nghề nấu ăn, dịch vụ khách sạn, nhà hàng cho rất nhiều trẻ em lang thang, có hoàn cảnh khó khăn. Không ít học viên của Koto sau này đã tự mở được nhà hàng hoặc tìm được việc làm ổn định tại các khách sạn, nhà hàng có tiếng.

Công ty TNHH Thủ công Mai (MVH) là một DNXH đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho những người thợ thủ công, trong đó phần lớn là phụ nữ nghèo tại các vùng quê hẻo lánh. Mục tiêu của MVH là tạo thu nhập và nâng cao khả năng tự lập của người nghèo và chịu thiệt thòi thông qua thương mại công bằng.

Một ví dụ nữa là DNXH Tò he với mục tiêu tạo ra cơ hội cho trẻ em thiệt thòi, khuyết tật cơ hội sáng tạo nghệ thuật độc đáo, từ đó chọn lọc tạo ra các sản phẩm quần áo, phụ kiện, đồ gia dụng, văn phòng phẩm... phân phối tại thị trường Việt Nam và quốc tế.

Một phần lợi nhuận được sử dụng để tiếp tục mở rộng chương trình lớp học sáng tạo và chương trình học bổng cho các em có năng khiếu. Tò he cũng mong muốn gợi ý cho các em nhỏ về một lựa chọn nghề nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nếu các em có khả năng.

Qua 9 năm hoạt động, Tò he đã triển khai hơn 150 sân chơi nghệ thuật miễn phí cho hơn 1.000 trẻ em thiệt thòi tại 11 trung tâm bảo trợ xã hội, 3 trường tiểu học ở vùng sâu, vùng xa và sẽ tiếp tục mở rộng sân chơi tới những nơi xa hơn trên khắp đất nước.

Bên cạnh đó, Zó Project là dự án theo đuổi mục tiêu trở thành một DNXH hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề giấy thủ công truyền thống của Việt Nam.

Zó Project hướng tới gìn giữ và phát huy kỹ thuật làm giấy cổ xưa của dân dộc, song, có cải thiện quy trình làm giấy theo hướng bền vững về môi trường, tạo thêm giá trị cho giấy thủ công của Việt Nam bằng các sản phẩm thủ công có giá trị kinh tế cao.

DNXH ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển sơ khai nhưng tiềm năng phát triển còn rất lớn. DNXH góp phần chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng xã hội với Nhà nước bằng các con đường riêng đầy sáng tạo, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, đồng thời giúp bù đắp được một khiếm khuyết khó khắc phục của cơ chế thị trường là vận hành bởi động cơ lợi nhuận.

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh kéo dài, thường xuyên phải đối mặt thiên tai... nhưng nguồn lực lại có hạn, thì các hoạt động chung tay vì cộng đồng, vì những người khuyết tật, những người có hoàn cảnh éo le... của DNXH là hành động thiết thực. Hiện đang có hàng ngàn tổ chức cộng đồng, tổ chức thiện nguyện, tổ chức phi lợi nhuận dưới nhiều hình thức khác nhau đã được thành lập và có khả năng chuyển đổi sang mô hình DNXH.

Khó khăn lớn nhất là vốn

Do phần lớn DNXH hoạt động ở quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính chưa mạnh, không có tài sản, nhà xưởng thế chấp nên khó tiếp cận vốn tín dụng, nếu có vay được thì lãi suất vay thường cao hơn khả năng sinh lời của DNXH.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các DNXH ở Việt Nam còn khá non trẻ, vốn đầu tư nhỏ. Hơn nữa, DNXH lại kinh doanh trên các thị trường có rủi ro cao, lợi suất tài chính thấp nên không hấp dẫn các nhà đầu tư thương mại. Do đó, khả năng tiếp cận, huy động các nguồn vốn đầu tư thương mại rất hạn chế.

Kết quả điều tra cấu trúc tài sản của DNXH cho thấy, phần lớn nguồn vốn của DNXH là vốn tự có (20,3%) và vốn tích lũy từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh (45,4%), một phần nhỏ từ tài trợ (5,3%), vốn vay khác như ngân hàng, gia đình, bạn bè chỉ chiếm 28,8%, trong khi đây là nguồn vốn lưu động quan trọng cho phát triển sản xuất - kinh doanh.

Kym Viet, một trong những DNXH dành cho người khiếm thính gặp khó khăn trong việc kêu gọi vốn đầu tư. Vốn của Kym Viet rất nhỏ, nên không sản xuất được nhiều sản phẩm, hơn nữa thời gian quay vòng vốn rất lâu, doanh thu thường không đủ bù vốn.

Bên cạnh những khó khăn về vốn và tiếp cận nguồn vốn, DNXH hiện nay cũng phải đối mặt với vấn đề về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực của DNXH chủ yếu là nhóm những người thiệt thòi, kém may mắn như người khuyết tật… là nguồn lao động có chất lượng thấp, tính ổn định kém nên năng suất lao động không cao. Cùng với đó là chi phí đào tạo nguồn nhân lực này cũng cao hơn so với bình thường.

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Một số ý kiến DNXH cho rằng, ngoài sự nỗ lực của chính bản thân các DNXH, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách khởi nghiệp cho DNXH.

Đối với những DNXH đang hoạt động cần phải có những ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích về đầu tư, thuế, quỹ đất; hỗ trợ về tài chính, nhân lực; phát triển quỹ tài chính hoặc nguồn tài chính để giúp cho DNXH phát triển.

Về vấn đề nguồn vốn, DNXH có thể tìm cách kêu gọi, thu hút vốn vay và có bảo lãnh của các tổ chức từ thiện hoặc Chính phủ; phát hành nợ có đặc trưng của vốn chủ sở hữu với việc phát hành nợ cho các nhà đầu tư và nhà đầu tư được nhận lãi dựa vào hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DNXH.

Mới đây, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất bổ sung quy định miễn thuế đối với phần thu nhập không chia của DNXH, đồng thời bổ sung quy định hướng dẫn việc xác định thu nhập không chia của các cơ sở xã hội hóa hiện hành và DNXH như sau: Phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, lĩnh vực xã hội hóa khác và của DNXH để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành về giáo dục - đào tạo, y tế, xã hội hóa khác và DNXH; phần thu nhập hình thành tài sản không chia của hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.

Cơ sở thực hiện xã hội hóa, DNXH phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện: (i) Phần thu nhập không chia là lợi tức từ kinh doanh không chia theo quy định của luật chuyên ngành; (ii) Phần lợi tức từ kinh doanh khi chia không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ. Đề xuất này nếu được chấp thuận, sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho DNXH phát triển.