Phát triển hệ thống bán lẻ: Cơ hội lớn cho hàng Việt

Theo Kinh tế Đô thị

Mặc dù không còn lọt vào danh sách những thị trường bán lẻ hấp dẫn trên thế giới, nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong và ngoài nước tăng cường mở rộng mạng lưới phân phối tại Việt Nam. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, đây là cơ hội để quảng bá tiêu thụ hàng Việt.

 Phát triển hệ thống bán lẻ: Cơ hội lớn cho hàng Việt
Ngươi tiêu dùng mua hàng Việt tại siêu thị Hapro Đông Anh. Nguồn: Ktdt.com.vn
Mở rộng hệ thống bán lẻ

Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã xây dựng kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam như Tesco (Anh), Wall-Mart (Mỹ), Carrfour (Pháp)… Vừa qua E-Mart, tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc đã ký kết với tập đoàn U&I Bình Dương thành lập liên doanh bán lẻ với vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Trong tháng 5/2013 Saigon Co.op và Liên đoàn HTX tiêu dùng Singapore (NTUC FairPrice) cũng đã hợp tác đầu tư 2 chuỗi đại siêu thị với thương hiệu Co.opXtra và Co.opXtraplus.
 
Trong tháng 5 vừa qua, hệ thống siêu thị Big C đã khai trương liên tiếp hai siêu thị tại Ninh Bình và Việt Trì (Phú Thọ), nâng tổng số siêu thị trong hệ thống Big C lên con số 24 trên toàn quốc. Theo dự kiến, trong năm 2013, Big C sẽ tiếp tục mở thêm 5 siêu thị nữa tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ phía các DN bán lẻ 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, các DN trong nước cũng đã đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối của mình. Trong thời gian gần đây, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng đã đẩy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ, trong đó tập trung vào khu vực ngoại thành Hà Nội. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hapro cho biết: Trong thời gian qua, Hapro đã đẩy mạnh việc xây dựng, mở rộng hệ thống phân phối, cửa hàng tiện ích, siêu thị mang thương hiệu "Hapromart"; Ngoài ra, Hapro còn phát triển hệ thống trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tổng hợp, chuyên doanh rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước. 

Trong khi đó, các DN khác như Fivimart, Intimex… cũng đẩy mạnh xây dựng hệ thống phân phối tại Hà Nội và các tỉnh. Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết: Trong tháng 5 vừa qua, đơn vị đã đưa vào sử dụng Fivimart Vũ Trọng Phụng, đây là siêu thị thứ 15 của hệ thống Fivimart. Thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống siêu thị ở Hà Nội và các địa phương lân cận.

Từ nay đến cuối năm 2013, các nhà bán lẻ trong nước dự kiến tiếp tục đầu tư thêm nhiều siêu thị, cửa hàng mới. Trong đó, Saigon Co.op đặt mục tiêu có thêm 9 siêu thị Co.op và 24 cửa hàng thực phẩm Co.op Food; Hệ thống siêu thị Vinatexmart hiện đã có 82 siêu thị tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước và sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới bán hàng.

Sản xuất và phân phối đẩy mạnh hợp tác

Việc các DN mở rộng hệ thống phân phối đã tạo cơ hội cho việc tiêu thụ hàng Việt. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy: Năm 2006, tỷ trọng hàng Việt trong siêu thị chỉ chiếm khoảng 50% số lượng hàng hóa bày bán, đến nay đã tăng lên 80 - 90%.

Tại một số siêu thị như Vinatexmart, Intimex, Hapro… lượng hàng Việt bày bán lên đến 92 - 95%. Hàng Việt chiếm lĩnh hệ thống bán lẻ đã phần nào thay đổi thói quen người tiêu dùng. Trước đây, 77% người tiêu dùng ưa thích dùng hàng nước ngoài, thì hiện đã có 71% người tiêu dùng ưa chuộng, sử dụng hàng Việt. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả chiếm trên 58%...

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế, hiện hàng Việt chỉ chiếm lĩnh hệ thống bán lẻ do DN trong nước xây dựng và hầu như vắng bóng trong các siêu thị có 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh. Tại siêu thị Parkson hay Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza… chủ yếu kinh doanh những thương hiệu nước ngoài như: Luis Vuin, Rolex, Chanel... còn những thương hiệu Việt gần như vắng bóng.

Tại buổi tổng kết 3 năm triển khai Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: Muốn người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, các DN sản xuất cần nâng cao chất lượng hàng hóa và giá thành sản phẩm hợp lý, cập nhật và đầu tư công nghệ mới để có những sản phẩm có tính năng vượt trội, đón đầu xu thế tiêu dùng…

Nhưng điều quan trọng hơn cả là DN sản xuất và phân phối cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Trong đó, DN bán lẻ đẩy mạnh việc cung cấp thông tin cho DN sản xuất về xu hướng sử dụng của người tiêu dùng.

Ngược lại, DN sản xuất phối hợp với nhà phân phối để điều chỉnh, cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Hiệu quả của sự phối hợp này đã được chứng minh khi thời gian qua, nhiều DN bán lẻ như Hapro, Saigon Co.op… đã liên kết trực tiếp với các nhà sản xuất, nông dân để thu mua hàng, từ đó tiết kiệm chi phí, góp phần đẩy mạnh việc đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng.