Phát triển thương mại điện tử: Tìm lối đi riêng

Theo baocongthuong.com.vn

Sự sụp đổ của “ông lớn” Lingo vào đầu tháng 8/2016 gây chấn động ngành Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam. Trước đó, hàng loạt công ty như Deca, Cucre, 123mua.vn… cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự cho thấy sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong kinh doanh TMĐT.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cạnh tranh gay gắt

Công ty cổ phần TMĐT Lingo ra mắt từ tháng 8/2011, thuộc sở hữu của tập đoàn VMG (chuyên về công nghệ thông tin) với mục tiêu trở thành website TMĐT số 1 Việt Nam khi có sự đầu tư của tập đoàn quốc tế Yellow Star Investment.

Trong năm đầu tiên hoạt động, Lingo đặt mục tiêu đạt 6 tỷ đồng doanh thu và lỗ 30,35 tỷ đồng. Thực tế công ty đã đạt được 8,2 tỷ đồng doanh thu và lỗ 31,4 tỷ đồng. Bước sang năm 2015, Lingo tiếp tục vượt kế hoạch doanh thu, đạt 56,5 tỷ đồng so với kế hoạch 48,5 tỷ đồng nhưng mức lỗ cũng cao hơn là 73,3 tỷ đồng so với kế hoạch 69,5 tỷ đồng.

Như vậy chỉ sau 2 năm, Lingo đã lỗ tổng cộng gần 105 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/6/2016, Lingo đã lỗ tối thiểu bằng vốn góp (150 tỷ đồng) và lâm vào cảnh âm vốn, dẫn tới phải đóng cửa.

Ông Trần Trọng Tuyến - CEO Công ty cổ phần công nghệ DKT - cho hay, thiếu vốn là nguyên nhân lớn nhưng không phải nguyên nhân duy nhất cho việc dừng hoạt động của các doanh nghiệp (DN) TMĐT. “Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc dừng hoạt động của nhiều DN TMĐT khởi nghiệp là do người lãnh đạo chưa đánh giá chính xác số vốn cần bỏ ra để duy trì DN cho đến lúc có lãi, dẫn đến bắt đầu khởi nghiệp quá gấp rút khi chưa có đủ lượng vốn cần thiết” - ông Tuyến nói.

Một yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều trang TMĐT hoạt động ngày càng khó khăn là sự gia nhập thị trường của các “đại gia” như Vingroup (Adayroi.com), FPT (Sendo.vn), GFG (Lazada, Zalora), tiki.vn… Điều này khiến các trang TMĐT khác khó còn cơ hội phát triển, nếu không có một chiến lược dài hạn.

Vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các Start up

Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), năm 2015, TMĐT Việt Nam đã đạt 4,08 tỷ USD, dự báo doanh thu năm 2016 của ngành sẽ còn tăng trưởng mạnh.

Khẳng định về tiềm năng TMĐT, ông Trần Văn Trọng - Chánh văn phòng Hiệp hội TMĐT Việt Nam - đánh giá, TMĐT vẫn là “đại dương xanh” cho những người khởi nghiệp. Theo ông Trọng, từ năm 2016-2020, thậm chí đến năm 2025 sẽ là giai đoạn bùng nổ của TMĐT Việt Nam.

Trước những lo ngại về kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh, ông Trần Trọng Tuyến cho hay: “Không phải cứ rót tiền tạo ra mạng xã hội hay sàn giao dịch mới là khởi nghiệp trong TMĐT, có thể chỉ cần bỏ 10 triệu đồng, thậm chí nhỏ hơn để kinh doanh dựa trên những công nghệ TMĐT có sẵn. Khởi nghiệp là một quá trình lâu dài, quan trọng là chọn đúng mục tiêu”.

Để tập trung phát triển kinh doanh TMĐT, PGS-TS. Nguyễn Văn Thoan - Trưởng bộ môn TMĐT - Trường Đại học Ngoại Thương - đưa ra giải pháp: Vốn đầu tư là rất quan trọng, nhưng ý tưởng sáng tạo còn quan trọng hơn. Nếu chỉ cần vốn thì nhiều DN hùng mạnh đã đầu tư và thành công trong TMĐT ngay từ những ngày đầu tiên. “Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người theo kịp sự phát triển của công nghệ mới và ứng dụng được trong TMĐT”- ông Thoan chia sẻ.

Hiệp hội TMĐT Việt Nam cũng khẳng định, giai đoạn 2016 – 2020, hiệp hội sẽ có những định hướng cụ thể cho DN hoạt động trong lĩnh vực này cũng như giúp các cơ quan, tổ chức có một cơ sở nền tảng triển khai thúc đẩy phát triển TMĐT.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đến năm 2020, sẽ có khoảng 30% dân số Việt Nam tham gia hoạt động mua sắm online, đạt 350 USD/người và đạt 10 tỷ USD/năm, chiếm 5% tổng mức bán lẻ nói chung của cả nền kinh tế.