Quan hệ nhà đầu tư của Vietcombank: Chặng đường sau cổ phần hóa

Hà Thanh - VCB

(Tài chính) Năm 2014, hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư (Investor Relations - IR) của Vietcombank bước sang năm thứ 7. Nhìn lại chặng đường đã qua, cùng với những bước đi vững chắc kể từ khi chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần, công tác IR của Vietcombank cũng đã có những bước khởi đầu ấn tượng và đang không ngừng lớn mạnh…

IR – Hoạt động mới đối với các doanh nghiệp Việt

Thị trường chứng khoán Việt nam sau hơn 10 năm hoạt động, với số lượng hơn 600 doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên cả hai sàn giao dịch, vẫn còn non trẻ và có quy mô còn khiêm tốn so với các thị trường khác trong khu vực (như Thailand, Indonesia, Malaysia…), tuy nhiên hiện đang được đánh giá là địa chỉ thu hút vốn đầu tư lớn, có mức giá tương đối rẻ và tỷ lệ lợi nhuận khá hấp dẫn. Vấn đề đặt ra làm thế nào để có thể tạo niềm tin nơi các nhà đầu tư? Khi đó, điều mà các doanh nghiệp cần đến là các chuyên gia IR, đội ngũ đảm nhiệm vai trò hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp, cầu nối giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư, đáp ứng nhu cầu về thông tin của nhà đầu tư, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư.

Đối với doanh nghiệp Việt nam, khái niệm IR hiện thời cũng như khái niệm PR mười năm về trước. Khi PR mới xuất hiện, người ta cho đó là một hoạt động tốn kém, thì ngày nay lại đề cao và coi đó là một hoạt động đầu tư chiến lược, lâu dài. Hoạt động IR tuy mới xuất hiện trong những năm gần đây nhưng đã được nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp niêm yết hết sức chú trọng. Hoạt động IR không chỉ giúp doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin, gắn kết quan hệ với nhà đầu tư mà còn trở thành một kênh “đối ngoại” quan trọng của doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của doanh nghiệp trong công chúng đầu tư.

IR của VCB- “trẻ” mà không “non”

Công tác IR của VCB bắt đầu từ năm 2008, khi Ngân hàng chính thức hoạt động với mô hình của một NHTMcổ phần. Với tầm nhìn nhạy bén, Ban lãnh đạo VCB đã xác định phạm vi hoạt động IR của VCB không chỉ bó hẹp ở việc công bố những thông tin mang tính chất bắt buộc theo quy định của pháp luật, của các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, mà còn “gánh vác” trọng trách gây dựng niềm tin của cổ đông và nhà đầu tư, cùng với PR nâng cao giá trị hình ảnh của VCB trên thị trường.

Sứ mệnh quan trọng đó đã được giao phó cho Ủy viên HĐQT Lê Thị Hoa và các cán bộ IR thuộc Phòng Thư ký Hội đồng Quản trị. Thời gian để định hình công việc không có nhiều, ngay từ sau phiên họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất đầy kịch tính vào tháng 4/2008, bộ phận IR đã liên tục “thực tế” công tác với hàng loạt các cuộc gặp theo đề nghị của các nhà đầu tư, nhóm các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với cơ cấu nhân lực tinh gọn, hai cán bộ Phòng Thư ký HĐQT và một lãnh đạo Phòng vừa đảm nhiệm công việc thư ký, quản lý cổ phần, cổ phiếu, vừa kiêm nhiệm công tác IR. Anh Lê Hoàng Tùng, Trưởng Phòng Thư ký HĐQT, khi đó là Phó Phòng, nhớ lại: “Ngày đó, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn biến động mạnh mẽ, phiên nóng, phiên lạnh khó lường. Cổ phiếu VCB mặc dù chưa niêm yết trên sàn, nhưng  là hàng “hot” ở thị trường OTC, do vậy, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư là rất lớn. Tôi cùng với Thu Trang và Thúy Phượngvừa mày mò xây dựng tài liệu thuyết trình đầu tiên, tìm tòi cập nhật thông tin vĩ mô, tình hình hoạt động của ngành và đặc biệt là các thông tin về tình hình hoạt động của VCB để sử dụng cho các cuộc tiếp xúc nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường chứng khoán trong và ngoài nước, hàng tuần tổng hợp báo cáo thông tin cho Ban lãnh đạo... Những buổi làm việc đầu tiên với nhà đầu thực sự là “brainstorming” (‘cân não”) đối với những cán bộ IR, dù có nhiều năm gắn bó với ngân hàng, nhưng với IR vẫn là nghề “mới tinh”. Tuy nhiên, sau nhiều năm tích cực nghiên cứu, tổng hợp, phân tích tài chính, những thông tin mà chúng tôi truyền tải đã thực sự thuyết phục nhà đầu tư. Có nhiều nhà đầu tư đã thực sự trở thành những người bạn thân thiết, gắn bó với VCB IR team trong suối thời gian qua…Đến nay, chúng tôi đã thiết lập được một cơ sở dữ liệu của khoảng 100 nhà đầu tư thường xuyên quan tâm tới tình hình VCB, cùng với một bộ quy trình, tài liệu nội bộ quy chuẩn cho hoạt động IR”.

Từ những ngày đầu tiên ấy, VCB đã trở thành địa chỉ quen thuộc và tin cậy mà các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán lựa chọn để thu xếp các buổi tiếp xúc với các nhà đầu tư, các chuyên gia phân tích trong và ngoài nước. Mỗi năm, đội ngũ IR đảm nhiệm trung bình khoảng 50-60 cuộc tiếp xúc tại trụ sở VCB, với trên dưới 100 nhà đầu tư. Đối với các công ty chứng khoán lớn như Công ty chứng khoán Sài gòn (SSI), Công ty chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC), Công ty Chứng khoán Bản Việt, Công ty chứng khoán Maybank KimEng, … thì VCB là cái tên đầu tiên mà Nhà đầu tư đề nghị họ khi tổ chức các tour thăm và làm việc với các công ty đại chúng Việt nam.

Trong một báo cáo phân tích về ngành ngân hàng Việt nam Jaccar Equity Research - công ty phân tích thị trường, thuộc tập đoàn Jaccar Capital Fund - cổ đông của VCB từ ngày IPO đã gọi VCB là “Ngọn cờ đầu của ngành ngân hàng Việt nam” (“Vietnam’s flagship bank”) và “VCB - sinh ra để dẫn đầu (“VCB, born to be the leader”).

Những tác động tích cực từ hoạt động IR của VCB

Ổn định giá cổ phiếu, duy trì niềm tin của nhà đầu tư

Với cơ chế thông tin kịp thời, chính xác, minh bạch, kể từ khi niêm yết tới nay, mặc dù cùng chung xu hướng giảm giá và biến động mạnh mẽ của thị trường, cổ phiếu VCB vẫn luôn được giao dịch ở mức giá cao nhất so với các cổ phiếu ngân hàng được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, từ khi niêm yết tới nay, cổ phiếu VCB cũng luôn được nhà đầu tư nước ngoài  “săn đón” khi duy trì trạng thái mua ròng (net buying) hàng năm, trong đó có những năm khối lượng mua ròng lên tới gần 27 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VCB đã liên tục tăng từ mức 2,36% năm 2008 lên 4,56% năm 2013 (không kể phần sở hữu của Mizuho).

Gây dựng mối quan hệ hai chiều chặt chẽ, ghi nhận những góp ý hữu ích từ các nhà đầu tư

Thông qua các hoạt động tiếp xúc, trao đổi thường xuyên, VCB đã gây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với một số lượng lớn các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Với quy mô hoạt động và kinh nghiệm sâu rộng của mình, các nhà đầu tư đã có những phản hồi, khuyến nghị và cả đề xuất hữu ích, có giá trị thực tiễn đối với hoạt động của VCB.

Kết quả khảo sát ý kiến nhà đầu tư do nhóm IR của VCB thực hiện từ tháng 8/2013-12/2013 cho thấy, đại đa số các nhà đầu tư đều đánh giá cao chất lượng thông tin, mức độ minh bạch và chất lượng công tác tổ chức tiếp xúc nhà đầu tư của VCB.

Chính công tác IR của VCB đã góp phần giúp nhà đầu tư có cái nhìn đúng đắn về tình hình vĩ mô và hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam, tin tưởng vào vị thế thị trường, hiệu quả quản trị rủi ro, tiềm lực phát triển bền vững của VCB ngay cả vào những thời điểm khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đầu mối góp phần  “kết nối” các cơ hội hợp tác kinh doanh cho VCB

Với việc xây dựng và quản trị cơ sở dữ liệu các nhà đầu tư, qua những thông tin mà bộ phận IR của VCB cung cấp, nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy những cơ hội hợp tác kinh doanh với VCB và đề nghị nhóm IR làm cầu nối liên lạc với các bộ phận kinh doanh của VCB. Thời gian qua, nhóm IR đã ghi nhận nhiều đề xuất hợp tác kinh doanh với VCB trong một số lĩnh vực tiềm năng như: mua bán nợ, tư vấn mua bán doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng, tư vấn công nghệ ngân hàng, phát hành trái phiếu quốc tế, quản lý tiền mặt, M&A,…

Điều gì làm nên sức mạnh IR của VCB?

Theo kết quả nghiên cứu của Thomson Financial, công ty cung cấp thông tin tài chính có trụ sở tại Mỹ,  khi quyết định rót vốn vào doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức có xu hướng chọn mua cổ phiếu mà họ nắm rõ. Có đến 89% nhà đầu tư coi trọng hoạt động quản trị doanh nghiệp, trong đó quan hệ nhà đầu tư là điều mà họ quan tâm đầu tiên.

Vậy, đâu là những yếu tố tạo nên sự khác biệt về chất lượng công tác IR của VCB so với những công ty/ngân hàng khác? Từ thực tế hoạt động IR năm năm qua, cũng như qua phản hồi từ các nhà đầu tư, các đối tác, có thể xác định những yếu tố then chốt tạo nên thành công của công tác IR tại VCB là:

Một là, VCB đã xây dựng một chiến lược IR thực tế và hợp lý. Đó là việc chủ động cung cấp thông tin và phân tích tài chính, thay vì chỉ dừng ở công tác cung cấp thông tin mang tính chất bắt buộc. Điều này không chỉ giúp nhà đầu tư nhận biết đầy đủ về hoạt động và chiến lược của VCB mà còn tạo cơ sở để họ định giá công ty. Các thông tin mà VCB cung cấp cho nhà đầu tư là những thông tin có hệ thống, thống nhất, chi tiết và toàn diện. Các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu thông tin từ VCB thường là những nhà đầu tư tổ chức hay các quỹ đầu tư lớn, toàn bộ các thông tin mà các công ty đại chúng cung cấp đều được họ lưu trữ, mô hình hóa. Do vậy, bất kỳ một phát ngôn nào của VCB nếu không đảm bảo sự nhất quán, hợp lý theo từng mốc thời gian ngay lập tức sẽ không còn giá trị. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tính minh bạch của các thông tin vĩ mô cũng như thông tin của các doanh nghiệp Việt nam còn chưa caothì những thông tin mà VCB cũng cấp cũng đã phần nào “thỏa mãn” nhu cầu của các nhà đầu tư khó tính nhất.

Hai là, VCB đã duy trì  một cơ chế đối thoại thẳng thắn, cởi mở với nhà đầu tư. Ngân hàng luôn được coi là thước đo sức mạnh của nền kinh tế. Vì vậy, làm việc với VCB, nhà đầu tư không chỉ tìm hiểu về hoạt động của VCB, mà còn đặc biệt quan tâm tới quan điểm của ngân hàng về tình hình kinh tế vĩ mô và hàng loạt các ngành kinh tế mũi nhọn khác (bất động sản, dịch vụ, sản xuất, xuất khẩu…).

Với phạm vi và chiều sâu của nhiều vấn đề như vậy, quan điểm và thông điệp chủ đạo của VCB luôn là sự thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thử thách trong ngắn hạn của nền kinh tế; nhấn mạnh những điểm sáng, dấu hiệu khởi sắc từ nỗ lực của Chính phủ & cộng đồng doanh nghiệp, nhằm cung cấp cho nhà đầu tư một cái nhìn trung thực, đa chiều và lạc quan về môi trường đầu tư tại Việt nam.

Về ngành ngân hàng, VCB có những phân tích xác đáng về những tồn tại, bất cập về quản trị rủi ro, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn chuyển đổi, tái cơ cấu, đồng thời khẳng định tiềm năng phát triển của hệ thống ngân hàng và cam kết của NHNN, qua đó giúp nhà đầu tư có những đánh giá đúng đắn và tin tưởng vào triển vọng đầu tư lâu dài vào thị trường ngân hàng Việt nam.

Về hoạt động kinh doanh của VCB, bên cạnh việc cung cấp thông tin cụ thể, chính xác, có hệ thống về các mặt hoạt động của VCB, còn nhấn mạnh vị thế chủ đạo của VCB trên thị trường, tính chuẩn mực, minh bạch và tiên phong trong việc cải tiến, hoàn thiện công nghệ, quản trị rủi ro trong các mặt hoạt động của VCB, qua đó giúp nhà đầu tư thấy được cơ hội đầu tư hấp dẫn tại VCB.

Như vậy, có thể thấy IR hoàn toàn không phải là hoạt động quảng bá thuần túy, mà là giá trị của những thông tin, nhận định thẳng thắn, nhất quán, trung thực và cởi mở.

Với một chiến lược hợp lý và cách thức triển khai hiệu quả, thành quả rõ rệt nhất mà hoạt động IR mang lại là một lượng cổ đông trung thành, giá cổ phiếu luôn được giữ ổn định và ở mức giá cao nhất trong số các cổ phiếu ngân hàng hiện có trên thị trường. Khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu VCB luôn ở trạng thái mua ròng liên tục từ năm 2009 (từ khi VCB niêm yết cổ phiếu) cho tới nay.

Một giá trị vô hình nữa được ghi nhận thông qua sự hài lòng của nhà đầu tư và uy tín của đội ngũ IR trong những năm qua. Báo cáo thường niên của VCB hai lần lọt vào top 20, top 10 Báo cáo thường niên xuất sắc nhất của HOSE, Giải thưởng Công ty có công tác IR tổ chức tốt nhất và gắn kết nhất với Quản trị Công ty (Most Organised Investor Relations and Strongest Adherence to Corporate Governance) trong khuôn khổ các công ty đại chúng Đông Nam Á do tổ chức Alpha (Singapore) trao tặng năm 2011 là những ghi nhận đối với những nỗ lực trong hoạt động IR của VCB.

Định hướng cho chặng đường tiếp theo

Một chiến lược IR hiệu quả không những thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp mà còn gián tiếp nâng cao giá trị cho công ty. Thực tế là nhà đầu tư thường trả giá cao hơn cho những giá trị vô hình như sự hài lòng, uy tín của doanh nghiệp. Nghiên cứu năm 2009 của Hiệp hội quan hệ nhà đầu tư Singapore chỉ ra rằng, 89% nhà đầu tư chấp nhận trả thêm 10-15% cho cổ phiếu của những công ty có hoạt động IR tốt. Mặc dù hoạt động IR không đảm bảo cổ phiếu sẽ tăng hay đạt mức cao, nhưng việc duy trì đối thoại cởi mở, thẳng thắn với nhà đầu tư qua các kênh truyền thông có thể giúp giá cổ phiếu ổn định.

Với những thành công đã đạt được, chặng đường tiếp theo đối với công tác IR tại VCB được xác định với những giá trị mới, những nấc thang mới, hướng tới hiệu quả, niềm tin và bền vững.

Thứ nhất, hướng tới việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của IR và sử dụng hiệu quả công cụ IR. Đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc nhà đầu tư, bao gồm giao lưu trực tuyến, hội thảo, hội nghị, gặp gỡ nhà đầu tư, tham quan ngân hàng giúp nhà đầu tư có cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động và triển vọng của cổ phiếu VCB.

Thứ hai, tăng cường sức mạnh của công tác IR với sự tiếp nhận thông tin, phản hổi từ nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ từ nhà đầu tư, chuyên gia phân tích, mà còn các đơn vị kinh doanh, chi nhánh, cán bộ nhân viên. Đặc biệt chú trọng sự ủng hộ của cán bộ công nhân viên, vì ngoài việc là người tham gia xây dựng và phát triển doanh nghiệp, họ còn là những cổ đông đồng hành và gắn kết lâu dài với ngân hàng. Vai trò và sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của VCB trong các hoạt động IR cũng rất quan trọng vì phát ngôn của những người đứng đầu doanh nghiệp luôn có giá trị cam kết và có sức mạnh cải thiện tình hình.

Thứ ba, khai thác công cụ truyền thông hỗn hợp. Nghiên cứu của August Consulting (Singapore) chỉ ra rằng để nhà đầu tư tin tưởng vào một thông tin nào đó, doanh nghiệp cần phải lặp lại thông tin đó từ 3-5 lần. Điều này cho thấy mức độ cần thiết phải sử dụng nhiều kênh thông tin. Và không chỉ duy trì quan hệ với nhà đầu tư hay báo chí, hoạt động IR sẽ chú trọng và mở rộng việc chia sẻ thông tin với giới chuyên gia phân tích, những người am hiểu và thường có những báo cáo phân tích rộng rãi với những thông tin có sức tham chiếu và ảnh hưởng lớn tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công ty chứng khoán cũng là một kênh hiệu quả trong việc để chuẩn hóa thông tin công bố. Thông qua việc cập nhật thông tin từ VCB, các công ty chứng khoán có các công cụ để đưa ra các bản phân tích về thị trường cũng như về doanh nghiệp để cung cấp cho nhà đầu tư.

Cuối cùng, một yếu tố không kém phần quan trọng là ngoài các thông tin tài chính, VCB sẽ là một trong số ít các công ty niêm yết đi tiên phong trong việc cung cấp những thông tin “phi tài chính”, hướng tới những giá trị bền vững trong các lĩnh vực nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng và trách nhiệm với môi trường. Qua những thông tin liên quan tới việc ngân hàng đã quan tâm đến đời sống nhân viên ra sao, dự án an sinh xã hội thế nào, giá trị cổ phiếu VCB sẽ gần hơn với chuẩn quốc tế, là tiền đề để VCB có “xuất khẩu” cổ phiếu tới các thị trường chứng khoán quốc tế như Singapore, Hongkong…

Vietcombank đang bước vào một giai đoạn phát triển mới trên con đường hướng tới mục tiêu trở thành một ngân hàng có tầm cỡ khu vực không chỉ về quy mô và hiệu quả hoạt động mà còn về chuẩn mực quản trị. Sự nhìn nhận, đánh giá tích cực và niềm tin từ công chúng đầu tư trong và ngoài nước về hoạt động IR của VCB trong những năm qua là tiền đề để đội ngũ IR VCB tiếp tục nỗ lực, góp phần nhỏ bé hiện thực hóa mục tiêu phát triển của VCB trong những năm tới.