Ra tết, doanh nghiệp không lo thiếu nhân công

Theo Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh

Mọi năm sau tết âm lịch, các ngành nông sản, dệt may... lại phải đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động nhưng năm nay tình hình đã xoay chuyển.

Ra tết, doanh nghiệp không lo thiếu nhân công

Cứ sau mỗi đợt nghỉ tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) sản xuất lại lo lắng về vấn đề thiếu công nhân, có năm phải ngồi chờ đợi dài cổ mà vẫn thiếu. Tuy nhiên, khác với các năm trước, năm nay sau tết âm lịch, các DN đều cho biết lượng công nhân đến làm việc sắp đủ, thậm chí còn đi làm từ rất sớm.

Mùng 6 tết đã đủ lao động

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Gò Đàng (Tiền Giang), cho biết hồi năm ngoái, cứ sau tết là thiếu lao động vì công nhân nhảy việc, thậm chí nghỉ hẳn ở quê nên thiếu 10%-15% lượng công nhân là bình thường. Năm nay thì khác. Mặc dù công ty ông đi vào sản xuất chế biến từ mùng 6 tết nhưng công nhân đã đến đủ 100%.

Trong khi đó, đa số DN khác đều chọn mùng 9 tết để khai trương hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Thái Học, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm Đồng Nai (Donafoods), nói: “Mùng 9 tết các đơn vị sản xuất chế biến hạt điều của công ty đã hoạt động trở lại. Mọi năm thiếu đến 20%-30% công nhân nhưng năm nay thì hầu hết các đơn vị sản xuất đã đủ 90% công nhân, chỉ có một số đơn vị đạt 80% vì công nhân ở các tỉnh ngoài Bắc vào muộn. Năm ngoái DN phải chờ xong rằm tháng Giêng may ra công nhân mới vào, thậm chí là thiếu nhiều nên đầu năm đã phải tuyển”.

Ở ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty May Sài Gòn 3, thông tin hầu hết các DN dệt may đều trở lại làm việc vào mùng 9, số công nhân ăn tết xong quay lại đầy đủ. Riêng May Sài Gòn 3 có khoảng 2% lao động nghỉ luôn sau tết vì lý do gia đình nhưng họ đã thông báo trước tết và công ty đã tìm được lao động khác bù vào.

Những năm trước, theo ông Hồng, lao động dệt may thường biến động, thiếu hụt sau kỳ nghỉ tết vì nhiều nguyên nhân, ví dụ như năm ngoái là do đơn hàng “chập chờn” nên công nhân không yên tâm quay lại làm việc và nghỉ nhiều. Năm 2013 tình hình thị trường có khả quan hơn, đơn hàng đã có đủ đến tháng 6, công việc ổn định và hứa hẹn hơn nên công nhân yên tâm quay lại làm việc sau tết.

Còn ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Agrex Saigon, chia sẻ Agrex Saigon có tiền lệ lì xì đầu năm cho công nhân với mức cao để khích lệ tinh thần làm việc nên sau tết vẫn đầy đủ lao động. Tuy nhiên, khác với năm ngoái, nhiều công nhân có thể đến làm việc đúng ngày để nhận lì xì xong là hôm sau nghỉ đi tìm việc khác, năm nay lao động có mặt đầy đủ, đặc biệt là lao động các tỉnh miền Tây, chỉ còn thiếu khoảng 5% lao động ở các tỉnh ngoài Bắc đang vào. “Năm nay việc ít, DN nào cũng khó khăn nên công nhân không dám nhảy việc” - ông Long nhận xét.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạo (Công ty Gò Đàng) cho rằng do DN thực hiện tốt chế độ tiền lương, thưởng tết, thưởng thâm niên lao động nên đã giữ chân được công nhân. Ngoài ra, năm 2012 vừa qua kinh tế rất khó khăn, DN “chết” và cầm cự thì nhiều, còn DN “sống” tốt, kinh doanh thu lợi lại rất ít dẫn đến tình trạng nợ lương, công nhân mất việc càng nhiều. Vì vậy, năm 2013 này công nhân lo giữ việc chứ không dám nhảy việc lung tung như trước vì sợ khó kiếm được công việc tốt hơn, nếu về quê cũng khó làm ăn.

Nông sản âu lo, dệt may mở rộng

Không chỉ đảm bảo được lực lượng lao động ổn định sau tết nhờ kinh doanh thành công, làm tốt chế độ lương thưởng trong năm 2013, Công ty May Sài Gòn còn dự định tăng chuyền và tuyển dụng thêm. Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc May Sài Gòn, cho biết đơn hàng từ thị trường Nhật và Mỹ tăng nên công ty sẽ tăng quy mô thêm gần 10 chuyền tại một xưởng ở Bà Rịa-Vũng Tàu và một xưởng ở Quảng Nam, tuyển thêm khoảng 800 công nhân. Tuy đơn hàng cho tháng 3 này không nhiều nhưng đơn hàng làm tháng 4 đến tháng 7 đã đầy. DN có kinh doanh ổn định thì người lao động mới yên tâm sản xuất được”.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Liên Phát (Lefaso, Bình Dương), dự đoán tình hình lao động năm nay sẽ ổn định nhờ đơn hàng giày khả quan hơn so với năm ngoái.Cũng trong sáng qua (18-2), công nhân của Lefaso đã bắt đầu đi làm lại nhưng chưa đủ 100% “quân”, theo bà Liên, có lẽ phải một, hai ngày nữa mới biết được chính xác số lượng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Học (Donafoods) cho hay thời điểm này hợp đồng xuất khẩu rất ít, số lượng giảm so với cùng kỳ năm 2012. Những hợp đồng lớn giao theo kỳ hạn rất ít, chỉ có những hợp đồng số lượng nhỏ giao ngay. Có thể nói thị trường đầu năm rất yên ắng, dự báo một năm 2013 tiếp tục khó khăn. Lúc này DN chỉ lo giữ được mức sản xuất xuất khẩu như năm 2012, giữ chân nguồn lao động chứ không thể “bung sức” mở rộng phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Đạo (Công ty Gò Đàng) cũng cho biết đơn hàng quý I-2013 có tăng 10% về sản lượng nhưng giá trị lại thấp, giá thủy sản xuất khẩu vẫn chưa cao. Hy vọng vào đầu quý II tình hình sẽ khả quan hơn khi sức tiêu thụ của thị trường châu Âu, Mỹ tăng trở lại. Mục tiêu năm 2013 của Gò Đàng là duy trì sản xuất ổn định, xây nhà ở miễn phí cho công nhân để giữ lao động, đảm bảo sản xuất.