Sabeco “chê” nhà đầu tư ngoại

Theo Báo Đầu tư

Lên kế hoạch tìm đối tác chiến lược ngay từ khi tiến hành cổ phần hóa, nhưng tới thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài không thể có được “phần bánh” nào từ Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Sabeco “chê” nhà đầu tư ngoại
Sự đồng điệu về sản phẩm và thị trường là rào cản trong hợp tác giữa Sabeco với đối tác nước ngoài
Tháng 4/2008, khi tiến hành đại hội đồng cổ đông để bắt đầu hoạt động theo mô hình cổ phần, lãnh đạo Sabeco đã nhắc ngay tới việc tìm các đối tác chiến lược. Các tên tuổi trong làng bia thế giới, như Heineken, AB InBev, SAB Miller, Asahi… đã được Sabeco nhắc tới. Đây cũng là những đối tác đã tiếp xúc với Sabeco ngay từ khi nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam này chưa cổ phần hóa với kỳ vọng gia tăng thị phần của mình tại thị trường Việt Nam. Khi tiến hành cổ phần hóa, sản lượng bia của Sabeco chiếm khoảng 46% sản lượng bia của cả nước, nhưng tập trung chủ yếu ở phân khúc phổ thông.

Ở thời điểm đầu tháng 11/2012, trong số các doanh nghiệp quan tâm và nộp hồ sơ mong muốn trở thành đối tác chiến lược của Sabeco có 3 đối tác nước ngoài là các hãng bia lớn, gồm Heineken (Hà Lan), Asahi (Nhật Bản) và SAB Miller (Hoa Kỳ).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia am hiểu ngành bia cho hay, do sản lượng bia của Sabeco lớn nhất trên thị trường Việt Nam, nên việc chọn đối tác chiến lược cho Sabeco cũng có những tiêu chí nhất định. Đó là, không tạo ra những xung đột lợi ích giữa Sabeco và nhà đầu tư, có lợi ích chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển của Sabeco, mà cụ thể là không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Sabeco. Nhà đầu tư chiến lược của Sabeco còn phải đáp ứng mục tiêu “nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và nước giải khát” tại Sabeco.

Không chỉ nâng cao công nghệ, tiếp thị bán hàng, mở rộng thị trường, mà với Sabeco, yếu tố quản lý dòng tiền trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hay giải pháp thích hợp cho các bất động sản đang do Sabeco quản lý và sử dụng cũng được chú trọng trong quá trình chọn đối tác chiến lược.

Nếu xét ở khía cạnh nâng cao công nghệ hay gia tăng năng lực tiếp thị bán hàng tại Việt Nam, cả 3 hãng bia nước ngoài đều không đạt điểm cao. Nguyên nhân là do các thương hiệu này đều đang sản xuất, kinh doanh sản phẩm bia cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Sabeco. Chưa kể, sản lượng bia của các thương hiệu này tại thị trường Việt Nam còn kém xa so với Sabeco. “Sự đồng điệu về mục tiêu sản phẩm lẫn thị trường nhắm tới chính là rào cản trong việc hợp tác giữa Sabeco và các thương hiệu nước ngoài trong quá trình chọn cổ đông chiến lược của Sabeco”, chuyên gia nói trên nhận xét.

Đơn cử như Heineken. Hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngành bia Việt Nam khi là cổ đông sáng lập, hoặc đang góp vốn tại Công ty Nhà máy bia Việt Nam, Công ty Bia Sông Hàn, Công ty Bia Dung Quất, Công ty Bia Quảng Nam… và gần như đã sở hữu đầy đủ các thương hiệu từ cao cấp đến bình dân. Nhưng sản lượng bia năm 2012 cũng chỉ bằng nửa so với Sabeco. Bởi thực tế này, nên việc Heineken giúp Sabeco trong phát triển thương hiệu được đánh giá là khó khăn. Thậm chí, Sabeco và Heineken còn đang xung đột lợi ích và cạnh tranh khốc liệt.

Về mặt công nghệ, các nhà máy bia của Sabeco đã được đầu tư thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến và năng lực sản xuất gấp đôi công suất của Heineken tại Việt Nam. Mặt khác, nếu Sabeco muốn phát triển mạnh về nước giải khát và rượu bên cạnh bia để đi được thế kiềng ba chân, thì đó lại không phải là những điểm mạnh của Heineken. Được biết, khi nộp hồ sơ ứng cử làm cổ đông chiến lược của Sabeco, Haineken cũng không đưa ra các lĩnh vực hợp tác nào khác ngoài bia hay những kế hoạch cụ thể.

Đối với Asahi, cơ hội xem chừng còn khó khăn hơn, bởi thương hiệu bia này mới chỉ có ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong khi mạng lưới phân phối của Sabeco đã trải rộng khắp cả nước. Đây cũng là một đối thủ khác của Sabeco trên thị trường bia tại Việt Nam khi cũng giành giật tài trợ độc quyền tại các nhà hàng, quán ăn.

Trường hợp của SAB Miller cũng không khá hơn so với 2 đồng nghiệp trên khi cũng cạnh tranh trực tiếp với Sabeco và sản lượng thua kém Sabeco rất nhiều.

Đặc biệt, cả 3 đối tác trên với kinh nghiệm làm bia thôi, xem ra khó đáp ứng được mối quan tâm của Sabeco về giải pháp để quản lý dòng tiền hay xử lý các bất động sản mà Sabeco đang quản lý tại quận 1 và quận 5 (TP. Hồ Chí Minh).

Nói về cơ hội trở thành đối tác chiến lược của Sabeco, đại diện của một trong 3 thương hiệu bia nói trên tại Việt Nam cũng thừa nhận với phóng viên rằng, cơ hội dành cho họ là khó khăn, dù họ tự tin về công nghệ và thương hiệu bia nổi tiếng của mình.