Sáng tạo để phát triển

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế của khu vực và trên thế giới. Đứng trước đại dương xanh rộng lớn, sức ép cạnh tranh quốc tế trở nên cực kỳ khốc liệt. Chính vì thế, việc tăng cường năng lực cạnh tranh bằng nỗ lực đổi mới sáng tạo, với tinh thần khởi nghiệp kiên định, là tiên quyết để tiến về phía trước.

Sáng tạo để phát triển
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bắt đầu từ bước đi nhỏ

TS. Giáp Văn Dương, người sáng lập Giapschool, đã mở đầu phần chia sẻ của mình tại diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo lần thứ nhất do hội doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức ngày 16/5 vừa qua bằng nhận định: “Nếu cách đây khoảng 5 năm, đổi mới sáng tạo vẫn là một chuyện xa lạ với cộng đồng DN, thì thời gian gần đây, thuật ngữ “Đổi mới - Sáng tạo” đã gần như là câu cửa miệng của nhiều doanh nhân và nhà làm chính sách.

Thay vì đầu cơ hoặc nhắm đến những mục tiêu ngắn hạn, DN đã thấy nhu cầu cấp bách phải xây dựng chiến lược phát triển bền vững dựa trên sự đổi mới công nghệ và quản trị. Còn với nhà quản lý, sự khó khăn kéo dài của nền kinh tế đã dẫn đến một nhiệm vụ mới: Phải tập trung cho đổi mới sáng tạo mới mong có được một cộng đồng DN vững mạnh, hầu có thể trụ qua khủng hoảng và tạo đà cho sự phát triển của giai đoạn tiếp theo”.

Thực ra, thuật ngữ có thể mới nhưng sự chuẩn bị, tích lũy cho đổi mới khoa học công nghệ, con người, cho nghiên cứu và phát triển của không ít DN đã được bắt đầu từ khá lâu. Ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thiên Long, tự hào chia sẻ phòng R&D (nghiên cứu và phát triển) của tập đoàn hiện khá hùng mạnh. Trong đó không chỉ nguồn nhân lực được tích lũy và đào tạo khá bài bản thông qua việc đào tạo ở trong và ngoài nước mà thiết bị dành cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới cũng được đầu tư mạnh mẽ. “Mỗi năm chúng tôi đầu tư khoảng 3-5%/tổng doanh thu đầu tư cho nhân sự và thiết bị” - ông Thọ cho hay.

Cũng nói về công tác đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, cho biết ngay từ năm 2004 khi chuyển thành CTCP, Rạng Đông đã có những bước tái cấu trúc toàn diện, trong đó có việc đầu tư phát triển khoa học-công nghệ. Hiện mỗi năm Rạng Đông dành khoảng 2% doanh thu để đầu tư cho dây chuyền công nghệ và 20% lợi nhuận sau thuế cho phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ, công tác R&D trong công ty. Trong năm 2014-2015, công ty dành 190 tỷ đồng thay đổi cơ sở vật chất.

Những DN có tiềm lực như Thiên Long, Rạng Đông dành nhiều tỷ đồng cho công tác R&D, vậy còn những DN nhỏ và siêu nhỏ chưa mạnh về tiềm lực kinh tế thì sao? Nói về điều này, ông Thọ khẳng định, nói R&D nghe có vẻ lớn lao, nhưng trong thực tế sản xuất, các DN có thể cải tiến từng công đoạn cũng đem lại giá trị lớn cho công việc đổi mới sáng tạo.

“Chúng tôi cũng phải bắt đầu từ những cái nho nhỏ mới có được như ngày hôm nay. Cái quan trọng chính là ở người lãnh đạo công ty có quyết tâm cho sự đổi mới hay không, vì nó là con đường dài” - ông Thọ nhấn mạnh.

Liên kết DN - viện/trường

Trở lại câu chuyện của Rạng Đông, hiện công ty đã phát triển một trung tâm R&D, xây dựng một tòa nhà riêng, trong đó có 50 cán bộ nghiên cứu và đặc biệt có 8 phó giáo sư, 10 tiến sĩ đã từng công tác hoặc đang công tác tại Viện Hàn Lâm khoa học, Đại học Bách Khoa về làm giám đốc khoa học của trung tâm, điều hành các bộ môn trong trung tâm.

Về đầu tư phát triển và liên hệ với các viện/trường, Rạng Đông có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là mời các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học và Đại học Bách khoa ký hợp đồng giải quyết từng vấn đề riêng lẻ. Trong vài năm qua công ty ký hợp đồng thực hiện 25 đề tài mang lại hiệu quả tốt. Song đến giai đoạn này công ty không thể ký từng hợp đồng riêng lẻ mà muốn phát triển phải có trung tâm R&D.

“Chúng tôi đang ấp ủ mô hình không chỉ có trung tâm R&D tập hợp các nhà khoa học của riêng mình mà phải thực hiện liên minh khoa học giữa trung tâm của mình với các viện/trường và trong sản xuất lập chuỗi liên kết với các công ty vệ tinh” - ông Thăng bày tỏ.

Câu chuyện liên kết trong đổi mới sáng tạo giữa DN-viện/trường cũng được nhiều chuyên gia quốc tế chia sẻ và bày tỏ sự quan tâm. Không chỉ các nhà nghiên cứu mà các sinh viên cũng cần có sự liên kết với DN, TS. Dolly Samson, chuyên gia đến từ Đại học Stamford International, Bangkok, lý giải việc cộng tác sẽ giúp sinh viên học được từ DN và DN cũng học được từ sinh viên vì nhiều bạn trẻ có những ý tưởng rất hay.

“Còn nhớ khi mới đến Đại học Quốc gia Singapore (NUS), khẩu hiệu làm tôi giật mình là: NUS - DN tri thức, tức trường đại học đã tự xem mình như một DN với mặt hàng chủ đạo là tri thức để bán cho cộng đồng” - ông Giáp Văn Dương chia sẻ câu chuyện tại Singapore.

Câu chuyện đổi mới sáng tạo của DN Việt Nam đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Có lẽ cũng vì vậy mà từ năm 2014 này, ngày 18/5 hàng năm sẽ được lấy là Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam.