Sau biến cố, sản xuất đã trở lại bình thường

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Đó là những thông tin được các địa phương, các bộ ngành đưa ra Hội nghị Giao ban sản xuất - kinh doanh tháng 5 với các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế nhà nước hôm 27/5/2014.

Sau biến cố, sản xuất đã trở lại bình thường
Các doanh nghiệp đã quay lại hoạt động bình thường. Nguồn: internet

Kinh tế vẫn ổn định

Các chỉ số kinh tế vĩ mô vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) thống kê cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định.

Theo đánh giá sơ bộ, sản lượng lúa đông xuân của các địa phương phía Bắc ước tính đạt 7,2 triệu tấn, tăng 83 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2013. Tính đến trung tuần tháng 5, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1933,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,1% cùng kỳ năm trước. Sản lượng lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt khá với 11,2 triệu tấn, tăng 546 nghìn tấn so với năm trước, chủ yếu do lúa phát triển trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, sâu bệnh ít và không bị xâm nhập mặn nhiều nên năng suất đạt mức cao với 71,6 tạ/ha, tăng 3,6 tạ/ha.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2013 (cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm trước) xu hướng phục hồi vẫn được duy trì.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 240,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2013. Trong tháng có một số ngày nghỉ lễ nên thị trường tiêu thụ của khách du lịch tăng, bên cạnh đó một số nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất cũng có xu hướng tăng lên.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 4/2014 đạt 13,1 tỷ USD, cao hơn 871 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại các loại và linh kiện cao hơn 410 triệu USD. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5 ước tính đạt 12 tỷ USD, giảm 8,2% so với tháng trước, tăng 3,5% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2014 tăng 0,2% so với tháng trước. CPI tháng 5/2014 tăng 1,08% so với tháng 12/2013 và tăng 4,72% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân năm tháng đầu năm tăng 4,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2013.

Các doanh nghiệp đã quay lại hoạt động bình thường

Những ngày qua, tuy đã có những biến cố ảnh hưởng lớn đến hàng nghìn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, nhưng với chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, những doanh nghiệp này đã quay lại tiếp tục hoạt động.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phú Hữu Minh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng và các bộ, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả, các nhà máy đã sản xuất trở lại.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, trong các ngày 13-16/5, do biến cố ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh… hoạt động xuất - nhập khẩu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngay sau đó các hoạt động xuất - nhập khẩu đã trở lại nhịp độ. 

Ông Hoàng Thịnh Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tổng hợp Bộ Công Thương cho biết theo khảo sát của Bộ, hoạt động của các doanh nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh đã trở lại bình thường.

Các doanh nghiệp vừa tiếp tục sản xuất, xuất khẩu đơn hàng theo đúng tiến độ vừa khắc phục hậu quả dưới sự hỗ trợ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, các địa phương đã khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều cơ quan làm việc liên tục cả ngày nghỉ. Nhiều doanh nghiệp bị tổn hại trong biến cố vừa qua đã lấy lại nhịp độ và những đơn hàng vẫn được xuất đi theo đúng tiến độ. 

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

Dưới góc độ tiếp cận vốn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Huyền Dịu (Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, theo khảo sát từ địa phương, với doanh nghiệp khó khăn lớn là đầu ra cho sản phẩm. Khó khăn này chính là nút thắt khiến doanh nghiệp không hấp thụ được vốn cho dù lãi suất cho vay đã giảm về mức 9%-12%/năm – ngang bằng mức lãi suất ở các năm 2005-2006. Có những dự án tốt vay lãi suất chỉ 7%/năm. Điều này cũng cho thấy, tổng cầu nền kinh tế rất yếu.

Bà Huyền cho hay: “Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực, năng động và tích cực thực hiện các giải pháp giảm lãi suất, tăng tín dụng đễ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng vốn không ra được. Thời gian qua các ngân hàng thương mại mua khá nhiều trái phiếu chính phủ, và đây cũng là một đường đưa vốn ngân hàng ra nền kinh tế. Nhưng, nhìn lại số tiền gửi của Chính phủ tại ngân hàng vẫn nhiều cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu”.

Trên cơ sở đó, bà Huyền kiến nghị, cần phải đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng – đây sẽ là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn, mà ngân hàng không phải hạ chuẩn cho vay.

Bà cũng cho biết, mô hình liên kết ngân hàng - doanh nghiệp đã khá thành công ở TP. Hồ Chí Minh và hiện đang được mở rộng ở một số tỉnh khác, bà mong các địa phương nỗ lực phát triển sự liên kết này.