SCIC chọn "gà đẻ trứng vàng"

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Đại hội cổ đông thường niên 2014 của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) đã thông qua Quyết định bà Phạm Thị Việt Nga thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị và ngồi lại ghế Tổng Giám đốc. Vị trí bà Nga để lại được thay thế bởi ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

 SCIC chọn "gà đẻ trứng vàng"
SCIC tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành có lợi nhuận cao. Ảnh: Trường Nikon SCIC tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành có lợi nhuận cao. Nguồn: internet

Việc bà Nga rời ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị làm dấy lên nhiều lời đồn đoán về vai trò và chiến lược mới của SCIC. Bởi lẽ, Dược Hậu Giang là 1 trong 4 doanh nghiệp lớn mà tổng công ty này xác định sẽ nắm giữ và đầu tư dài hạn (tỉ lệ trên 40%), theo đề án tái cơ cấu SCIC đến năm 2015. Ba doanh nghiệp còn lại là Vinamilk, Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam và Công ty Viễn thông FPT.

Không chỉ vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tập trung vào những lĩnh vực then chốt cần sự có mặt của Nhà nước, SCIC dự kiến sẽ thoái vốn khỏi 376 doanh nghiệp trong khi chỉ giữ lại 3 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và có cổ phần chi phối tại 24 doanh nghiệp chuyên về quản lý và xây dựng đường bộ, công trình giao thông và cảng…

SCIC cho biết trong năm nay sẽ bán vốn tại 298 trong số 376 doanh nghiệp nói trên. Tổng vốn điều lệ của các công ty trong danh sách này là 36.632,9 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước gần 5.490 tỉ đồng; đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngoại trừ một số tên tuổi đáng chú ý nhưng SCIC lại có tỉ lệ nắm giữ không quá cao như Nhiệt điện Phả Lại (chiếm 0,02% vốn điều lệ), Gemadept (8,8%), hay Ngân hàng Hàng Hải (0,3%). Việc thoái vốn diễn ra tại hầu hết các lĩnh vực như ngân hàng, nhiệt điện, du lịch, nước, vận tải, dược phẩm, thủy sản, xây dựng, xuất nhập khẩu...

Như vậy, SCIC thay đổi chiến lược theo hướng tập trung vào những doanh nghiệp đầu ngành, có lợi nhuận cao và kỳ vọng sẽ thu được lượng tiền lớn về cho Nhà nước. Chẳng hạn, với Vinamilk, SCIC sở hữu 45% (hơn 375 triệu cổ phiếu) và 9 tháng đầu năm 2013, Tổng Công ty đã thu được hơn 1.400 tỉ đồng cổ tức. Dược Hậu Giang cũng mang lại gần 100 tỉ đồng cho SCIC (sở hữu 43,31%). Với lợi ích quá lớn, không lý gì SCIC lại từ bỏ những doanh nghiệp tốt như vậy.

Trước đây, khi sở hữu cổ phần tại một lượng lớn doanh nghiệp, SCIC không tham gia quản lý trực tiếp mà hầu như chỉ đóng góp ý kiến khi cần. Gần đây, khi đặt mục tiêu tập trung vào một số ít doanh nghiệp, để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước một cách tối ưu, có vẻ như SCIC muốn gia tăng kiểm soát và định hướng chiến lược tại các doanh nghiệp này.

Điều này có thể thấy được qua việc thay đổi lãnh đạo chủ chốt tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua của Dược Hậu Giang. Theo đại diện Dược Hậu Giang, mục đích là để có một Hội đồng Quản trị “mở”, cùng chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, giúp Công ty vững vàng trước các cơn sóng lớn. Do đó, ngoài cổ đông lớn SCIC, Hội đồng Quản trị còn có sự góp mặt của VinaCapital Investment Management Ltd và một số thành viên khác.

Trao đổi với phóng viên, bà Nga cho biết thời gian qua, SCIC cũng như các cổ đông tổ chức lớn khác đã có nhiều đóng góp khi chia sẻ thông tin, gợi ý chiến lược và giới thiệu đối tác cho Dược Hậu Giang. Điều này giúp Hội đồng Quản trị và Ban điều hành đề ra chiến lược cũng như quản trị việc thực hiện chiến lược sao cho thành công.

Một chuyên gia chứng khoán (không muốn nêu tên) cho rằng Dược Hậu Giang sẽ có những bước chuyển mình khi bà Nga quay về làm Tổng Giám đốc vì bà đã có uy tín từ lâu trên thị trường dược phẩm, cùng với những định hướng chiến lược mới và mối quan hệ rộng từ Hội đồng Quản trị “mở”.

Nhận định này càng có cơ sở khi bên cạnh việc đưa nhà máy mới hoạt động kể từ ngày 20.4, Dược Hậu Giang còn thay đổi chiến lược bán hàng hiện đại hơn, mở rộng thị trường nước ngoài thông qua ký hợp đồng xuất khẩu với các tập đoàn lớn trên thế giới, trong khi trước đây chỉ tập trung vào các khách hàng nhỏ lẻ là hệ thống nhà thuốc.

Đối với Dược Hậu Giang, việc SCIC tham gia trực tiếp vào Hội đồng Quản trị cũng có điểm lợi vì công ty này có nhiều mối quan hệ trên thị trường, đặc biệt là với Nhà nước. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư quan ngại về một số đề xuất cũng như quyết định của SCIC tại các doanh nghiệp lớn mà tổng công ty này nắm cổ phần.

Chẳng hạn, tại Đại hội cổ đông 2014 của Dược Hậu Giang, cổ đông ngoại đã phủ quyết đề xuất của SCIC về việc lựa chọn Công ty Kiểm toán và Tư vấn UHY. Họ có lý do để nghi ngờ về tính minh bạch khi SCIC không lựa chọn các hãng kiểm toán lớn như các công ty trong nhóm Big Four chẳng hạn.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông 2013 của Vinamilk, SCIC đã phủ quyết đề xuất phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên năm thứ hai liên tiếp trong khi nhiều công ty lớn như FPT, Masan, Sacombank đều chọn phương án phát hành này. Lý do SCIC đưa ra là sợ sẽ làm pha loãng cổ phiếu. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng mức độ pha loãng là không đáng kể. Hơn nữa, tác động của việc pha loãng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng cũng như những giá trị mà tập thể Vinamilk mang lại cho Công ty và cổ đông.