Sẽ có thêm cơ chế hoạt động mới cho DATC

PV.

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Trong đó, có nhiều quy định mới về cơ chế hoạt động của DATC so với quy định hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, về chức năng nhiệm vụ, Dự thảo bổ sung chức năng là công cụ của Chính phủ tham gia “xử lý nợ xấu của các tổ chức kinh tế, tham gia hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức và có sự quản lý của Nhà nước” để phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về các hoạt động của DATC, hiện nay, các hoạt động chính của DATC gồm: (1) Tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản; (2) Mua, bán, xử lý nợ và tài sản; (3) Tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua hoạt động mua, bán, xử lý nợ; (4) Quản lý, khai thác, xử lý tài sản đã mua và tiếp nhận; (5) Thực hiện các hoạt động đầu tư theo quy định đối với doanh nghiệp nhà nước;

Cùng với đó là DATC được thực hiện các hoạt động khác như: tư vấn xử lý nợ, tài sản, mua, bán, sáp nhập, tái cơ cấu doanh nghiệp; quản lý, xử lý khai thác tài sản đảm bảo khoản nợ, tài sản nhận gán nợ và tài sản đã mua; thẩm định giá, đấu giá; dịch vụ quản lý nợ và thu nợ trên cơ sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

Đối với hoạt động tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản, Dư thảo đã bổ sung quy định cho phép DATC tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ.

Quy định trên hoàn toàn phù hợp với quy định hiện nay về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập (Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và định hướng sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng bổ sung quy định cho phép DATC tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý thu hồi cho Nhà nước.

Trong hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Nghị định bổ sung nội dung đối tượng mua theo chỉ định là các dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để tiếp tục đầu tư, khai thác theo chỉ định (tương tự như điểm a nêu trên). 

Theo Bộ Tài chính cần thiết ban hành Nghị định cho DATC do thời gian vừa qua hoạt động của DATC đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc về cơ chế hoạt động.

Cùng với đó, trong thực tiễn hoạt động đã có những thay đổi mới về tình hình thị trường mua, bán nợ cũng như các cơ chế chính sách so với tổ chức tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của DATC như Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đặc biệt là Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Do vậy, việc ban hành Nghị định cho DATC là cần thiết để đảm bảo đúng mục tiêu khi thành lập là công cụ xử lý nợ để hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN.