Sở hữu trùng - nỗi lo của ngành ngân hàng


(Tài chính) Nợ xấu mà tự thân ngân hàng (NH) không xử lý được thì NH phải chịu trách nhiệm, thậm chí NH phải phá sản.

Sở hữu trùng - nỗi lo của ngành ngân hàng - Ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Kiên
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Vấn đề về nợ xấu đang được giới kinh doanh quan tâm, nhất là thời gian gần đây các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục than phiền về việc vướng nhiều thủ tục, góp phần nảy sinh thêm nợ xấu. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã có một số chia sẻ về vấn đề này.

Ngân hàng phải tính toán từ ban đầu

Phóng viên: Mới đây nhiều NHTM lên tiếng rằng việc xử lý nợ xấu chậm trễ phần lớn là do vướng các thủ tục trong việc xử lý các tài sản đảm bảo. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Vậy phải hỏi ngược lại NHTM là khoản vay đó họ cho vay trong bao lâu và giờ đòi về là bao lâu. Chẳng hạn, từ quá trình làm thủ tục duyệt món vay ấy đến khi giải ngân mất bao nhiêu thời gian và doanh nghiệp (DN) đó vay bao nhiêu năm… Nói đi phải nói lại, đây là quan hệ dân sự, chúng ta không thể nhờ người này đến đòi tiền của người kia được, sẽ thành chuyện tại sao không đứng về DN mà đứng về NH. Nếu có quy định thì cứ làm theo quy định. Chứ không thể vì các NHTM muốn thu hồi tiền nhanh mà Nhà nước phải cắt bớt quy trình đã được quy định trong luật. Khi anh cho vay, đã có quy trình thẩm định kỹ càng và trong hoạt động sản xuất kinh doanh phải có dự phòng rủi ro. Việc bị nợ, ra tòa… cái đó cũng thuộc rủi ro kinh doanh mà NHTM phải tự xử lý.

Theo quy định, mức lãi suất chậm thi hành án được áp dụng là mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Điều này khiến DN càng kéo dài trả nợ càng có lợi nên nảy sinh việc chây ỳ phát sinh nợ xấu?

Khi ra tòa, nghĩa là DN có nợ xấu không đòi được nên NHTM đưa ra tòa và đó là dân sự chứ không có nghĩa DN đó phá sản. Vậy tại sao NHTM không đáo nợ cho người ta? Nếu đáo nợ lãi suất xuống 6%-8% thì DN có sẵn sàng ký một khế ước mới ngay hay không? Quan điểm riêng tôi đứng về nhà nước pháp quyền, đáng ra phải cho phá sản NH mới phải. Khi thanh tra, kiểm tra, xem việc trích lập dự phòng rủi ro có đúng chuẩn không, không đúng phải giảm lợi nhuận, lấy vốn ra để bù. Sau hai năm nếu không bù được, nếu hết vốn thì phải cho phá sản. Đến lúc này Nhà nước có khi chỉ phải mua NH đó 1.000 đồng. Nhà nước mua NH đó vì muốn giữ cho ổn định hệ thống, để tái cấp vốn, quản trị lại và đảm bảo không đổ vỡ hệ thống tài chính quốc gia. Nhưng chắc chắn rằng các ông chủ NH đó phải về số không. Có những NH ăn mòn vào vốn tự có mà đấy là chỉ nói trên sổ sách. Chứ chưa nói đến các trường hợp động cơ đằng sau là họ rút vốn của họ tại NHTM này ra cơ sở khác rồi. Đây gọi là lũng đoạn tài chính.

Sở hữu trùng mới đáng sợ

Việc tái cơ cấu hệ thống NHTM, sáp nhập NH… theo ông, có xử lý được triệt để sở hữu chéo?

Sở hữu chéo là một tồn tại khách quan trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Bảo là bỏ hết sở chữu chéo thì không bỏ được. Thực tế sở hữu chéo không đáng ngại mà sở hữu trùng mới đáng sợ. Chẳng hạn, có một tài sản mà đem thế chấp nhiều NH mới đáng sợ. Chứ có 10 đồng góp 5 đồng bên này, 5 đồng bên kia thì là tiền tươi thóc thật. Còn sở hữu trùng là vốn ảo, nó có thể tạo ra hình hài một NH to lớn nhưng bên trong không còn tiền để thực hiện các nghiệp vụ cho vay.

Vậy ý kiến của ông thế nào khi có một số quan điểm mới đây cho rằng nên thay đổi điều hành tỉ giá. Và điều này cũng khiến tỉ giá có chút biến động?

Phải khẳng định đấy là một vài ý kiến chứ không phải NHNN nói sẽ thay đổi tỉ giá. Phải xem việc thay đổi tỉ giá giải quyết vấn đề gì trong khi chúng ta đang mong muốn ổn định kinh tế. Tốc độ tăng trưởng hiện đang xuống thấp còn 5,2% GDP, quý I là 4,96%... Chúng ta đang phải giữ ổn định kinh tế để DN phát triển, không được vậy thì xới lên làm gì.

Xin cảm ơn ông.