Sống không nổi thì phải phá sản

Theo phapluattp.vn

(Tài chính) Việc chuyển giao theo mệnh lệnh hành chính những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thua lỗ này sang DNNN khác sẽ không giải quyết được tận gốc khó khăn.

Sống không nổi thì phải phá sản
Những DN không có khả năng phục hồi thì nên thực hiện giải thể hoặc phá sản. Nguồn: internet
“Đối với những DN thực sự không có khả năng phục hồi hoặc lâm vào tình trạng phá sản thì nên kiên quyết thực hiện giải thể hoặc phá sản chứ không nên chuyển giao cho DN khác”. Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng ban Cải cách và phát triển DN của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tại hội thảo Đổi mới vai trò Nhà nước trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, cơ sở quan trọng cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chiều 16/10.

Chuyển giao bằng mệnh lệnh hành chính

Đại diện nhóm nghiên cứu về cơ chế bán, chuyển giao DNNN, bà Luyến cho biết hiện nay chưa có khung pháp luật điều chỉnh hoạt động chuyển giao DN, dự án giữa các DNNN, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhưng thực tế hoạt động này đang diễn ra.

“Việc chuyển giao chủ yếu dựa theo các quyết định hành chính, chưa thực sự xem xét đến nhu cầu của đơn vị tiếp nhận, gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận. Điển hình nhất là hai trường hợp: Chuyển giao EVN Telecom thuộc EVN sang Viettel và chuyển giao một số DN, dự án của Vinashin sang Vinalines và PVN (tập đoàn dầu khí)” - bà Luyến dẫn chứng.

Theo bà Luyến, đối với trường hợp của Viettel, sau khi tiếp nhận chuyển giao, Viettel đã phải xử lý rất nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là vấn đề nợ và nhân sự; giải quyết các hợp đồng cũ với các đối tác; xử lý khối tài sản EVN Telecom đã đầu tư nhưng Viettel không có nhu cầu sử dụng…

Còn đối với Vinalines và PVN đã tiếp nhận 7 công ty con, 23 công ty cháu và 5 dự án của Vinashin. Sau khi nhận chuyển giao, Vinalines và PVN đã gặp khá nhiều vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc. Bởi lẽ việc chuyển giao được thực hiện nguyên trạng, trong đó hầu hết DN được chuyển giao có tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng nên DN tiếp nhận gặp khó khăn trong thực hiện các khoản phải thu, phải trả…

Đại diện Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam cũng nhận xét: “Việc chuyển giao DNNN này sang DNNN kia như hiện nay giống như để giải quyết cho xong phần lỗ (nợ) của DN được chuyển giao chứ chưa thấy đường hướng, chiến lược phát triển DN sau khi chuyển giao như thế nào”.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo TS. Trần Tiến Cường, chuyên gia tư vấn độc lập của CIEM, chuyển giao nguyên trạng các vấn đề tồn tại của DN thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước này sang tập đoàn, tổng công ty nhà nước kia là một hình thức đẩy cái khó của DN này cho DN khác, thậm chí có thể gọi đây là một hình thức chủ động làm lây lan bệnh trong khu vực DNNN.

“So với việc bán DN, bán dự án thì việc chuyển giao DN, dự án chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Bởi lẽ việc chuyển giao này không phải chuyển giao quyền sở hữu nên không tạo ra động lực cần thiết để đổi mới DN. Hơn nữa, việc chuyển giao thường thực hiện nguyên trạng các vấn đề tồn tại của DN nên bên tiếp nhận hoàn toàn bị động và buộc phải tiếp nhận hầu như toàn bộ các vấn đề tồn tại, khó khăn của bên được chuyển giao. Giải pháp chuyển giao là một cách thức quay lại cơ chế hành chính, phi thị trường để tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước” - ông Cường nhấn mạnh.

“Trong trường hợp phải dùng biện pháp chuyển giao DN, chuyển giao dự án thì phải đi kèm với một số điều kiện. Đó là chuyển giao dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên hoặc ít nhất là được sự đồng thuận của bên nhận mà không có sự áp đặt từ cơ quan nhà nước. Đồng thời việc chuyển giao đó không làm tổn hại đến lợi ích của bên tiếp nhận” - ông Cường kiến nghị.