Thực trạng hoạt động của các nhà xuất bản

Hội nghị tổng kết ngành xuất bản Việt Nam (tháng 1/2014) đã đánh giá đúng thực trạng “sống dở chết dở” của nhiều nhà xuất bản (NXB), kể cả các NXB bên ngoài và các NXB của các trường đại học. Thống kê cho biết, trong số 64 NXB đã được cấp phép hoạt động, số NXB có đủ điều kiện, năng lực và tầm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa đọc, cũng như thị trường xuất bản không vượt quá con số 10. Hơn 50% NXB hiện nay có vốn làm sách dưới 2 tỷ đồng, chỉ có thể đầu tư từ 5-10 đầu sách/năm. Trung bình các NXB thực hiện mỗi năm hơn 22.000 cuốn sách với trên 265 triệu bản in. Trong đó, tính trung bình số sách liên kết xuất bản chiếm khoảng 51%, cá biệt có nhiều NXB số sách liên kết chiếm 90% - 100% số sách xuất bản.

Doanh thu của 64 NXB chỉ đạt hơn 40 tỷ đồng (Bộ thông tin và truyền thông, 2013). Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2013, chỉ có bốn NXB trong tổng số 64 NXB của cả nước kinh doanh có lãi. Rất nhiều NXB kinh doanh thua lỗ, hoạt động cầm chừng, thậm chí có NXB đề nghị trả giấy phép, ngừng hoạt động. Theo ông Nguyễn Kiểm, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam, chuyện các NXB gặp khó khăn về tài chính không mới và cũng không lạ. Rất hiếm NXB có thể làm tròn cả hai vai trò, vừa “phục vụ nhiệm vụ chính trị tư tưởng” vừa “thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh” như yêu cầu của Chỉ thị 42 (Nguyễn Phương Liên, 2013).

Hiện nay cả nước có tới 193 trường đại học, trong đó có 13 trường đại học là có NXB chiếm 7,2% trong tổng số các trường đại học. Điều này cho thấy việc xuất bản các ấn phẩm khoa học của các trường đại học hiện nay chỉ có một số ít là sử dụng thông qua hệ thống NXB của chính nhà trường, phần còn lại các ấn phẩm hoặc sử dụng thông qua các NXB bên ngoài, hoặc thực hiện việc xuất bản giản đơn. Tuy nhiên, trong số này không hẳn tất cả các NXB của các trường đại học đều thực hiện hiệu quả công việc được giao.

Qua số liệu báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (năm 2013) cho thấy, tuy kinh tế đất nước còn khó khăn nhưng các NXB trên cả nước và các NXB trong trường đại học nói riêng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực. Mặc dù tổng doanh thu của hệ thống các NXB giảm hơn so với năm trước nhưng tỷ lệ nộp ngân sách và lợi nhuận sau thuế. Điều này có thể thấy rằng các NXB đã bước đầu có những đổi mới về mặt quản lý nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác xuất bản và phát hành các xuất bản phẩm.

Một số khó khăn về tài chính

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, toàn ngành xuất bản nói chung và các NXB trong trường đại học nói riêng đang gặp phải không ít khó khăn. Nguyên nhân một phần là do sự thiếu thống nhất, không đồng bộ của một số quy định và các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Công chức, Luật Đầu tư, ngân sách nhà nước dẫn đến công tác điều hành, quản lý và thực thi hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm còn khó khăn, vướng mắc…

Ngoài những hạn chế mang tính chủ quan thì những khó khăn đang tồn tại trong các NXB trong trường đại học vẫn còn phổ biến và chưa được cải thiện đáng kể. Trong đó, khó khăn nhất là vấn đề tài chính cho các NXB. Các NXB trong trường đại học là các đơn vị tự chủ một phần có quy mô không lớn, thường xuyên thiếu các nguồn vốn hoạt động, đặc biệt là vốn lưu động. Nguồn vốn lưu động thường phải vay từ nhà trường mà bản thân các nhà trường thì nguồn vốn lưu động cũng không có nhiều. Nếu vay vốn từ ngân hàng thì có nhiều rủi ro do chưa nắm vững các quy định và luật kinh doanh. Điều này gây khó khăn cho hầu hết các NXB trong trường đại học hiện nay.

Theo Cục Xuất bản, hiện nay các nguồn thu của các NXB trong trường đại học chủ yếu đến từ ba nguồn chính:

Một là, nguồn kinh phí từ trường chủ quản: Bao gồm kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất được lãnh đạo nhà trường phê duyệt và kinh phí trả lương cho cán bộ nhân viên ký hợp đồng với trường.

Hai là, nguồn thu thường xuyên: Bao gồm các nguồn thu từ hoạt động xuất bản sách, phát hành sách. Nguồn thu từ hoạt động liên doanh liên kết xuất bản, phát hành sách và nguồn thu từ hoạt động dịch vụ in, phát hành.

Ba là, các khoản thu không thường xuyên khác: hiệu trưởng sẽ quyết định căn cứ vào đề xuất của giám đốc – Tổng biên tập NXB trên nguyên tắc lấy thu bù chi, phát triển NXB và nhà trường.

Trong khi đó, các nội dung chi tiêu của các NXB được Hiệu trưởng phê duyệt khá nhiều. Căn cứ vào dự toán được phê duyệt, các NXB thực hiện các nội dung chi sau:

- Các khoản chi cho cá nhân: Gồm tiền lương, các khoản trích theo lương cho hợp đồng lao động với NXB. Tiền thuê công lao động và làm thêm giờ. Tiền thưởng và tiền phúc lợi các ngày lễ tết. Phụ cấp cho cán bộ kiêm nhiệm;

- Chi đầu tư cơ sở vật chất: Gồm mua sắm tài sản, xây dựng, sửa chữa tài sản;

- Chi cho hoạt động chuyên môn: Gồm hoạt động xuất bản sách, phát hành sách, dịch vụ chuyên môn, tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên môn, tiếp khách, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ viên chức, nghiên cứu khoa học, vật tư văn phòng, bảo hộ lao động, điện nước, điện thoại, internet…;

- Chi cho công tác phí;

- Các khoản chi cho văn phòng;

- Chi thực hiện quảng cáo, giới thiệu sản phẩm;

- Chi cho hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, hoạt động văn nghệ, thể thao…;

- Chi cho các nhiệm vụ đột xuất được cấp thẩm quyền giao:

Hàng năm, sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản phải nộp khác theo quy định, thì phần lợi nhuận sau thuế (nếu có) được giám đốc NXB điều hành phân phối cho các hoạt động gồm: Trích 25% cho quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của NXB, 25% nộp về phòng tài vụ trường chủ quản, 50% cho quỹ khen thưởng, phúc lợi và quỹ dự phòng ổn định thu nhập, quỹ quản lý điều hành NXB.

Có thể thấy, các khoản chênh lệch giữa nguồn thu và chi dẫn đến những khó khăn nhất định cho các NXB trong trường đại học về nhu cầu vốn lưu động phục vụ cho công tác xuất bản và quản lý hoạt động. Hầu như các khoản lợi nhuận không đủ để trang trải cho hoạt động kinh doanh của các NXB. Bên cạnh đó, khả năng vay từ phía nhà trường hay từ các ngân hàng cũng rất hạn chế gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của các NXB.

Định hướng đổi mới cơ chế tài chính cho nhà xuất bản

Hoạt động xuất bản trong các trường đại học hiện nay đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ về cơ chế chính sách. Bên cạnh những chính sách mang tính chất vĩ mô nhằm đạt mục tiêu cung cấp cho người đọc và xã hội những ấn phẩm có giá trị cao về văn hóa, tư tưởng, khoa học, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế thì đổi mới cơ chế quản lý tài chính là nhiệm vụ cốt lõi cần tiến hành khẩn trương và đầy đủ.

Đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính cho các NXB trong trường đại học là điều kiện tiên quyết để thay đổi năng lực và chất lượng xuất bản.

Cần phải xem xét hoạt động xuất bản sách và các ấn phẩm khoa học trong các NXB dưới góc độ kinh tế. Các ấn phẩm được coi như một loại hàng hóa và các NXB trong trường đại học như một đơn vị kinh doanh. Để thực hiện được các chính sách tài chính này, đơn vị chủ quản là các trường đại học rất cần có những cơ chế quản lý nhằm trao quyền tự chủ đồng thời gắn với trách nhiệm khoa học, văn hóa tư tưởng và chính trị thông qua những ấn phẩm mà NXB trong trường cung cấp cho người đọc và xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1. Một số văn bản chỉ đạo và quản lý của Đảng Nhà nước về hoạt động xuất bản, Cục Xuất bản (2008), NXB Bưu Điện, Hà Nội;

2. Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 27/1/2003 của Ban Bí thư (khóa IX) về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị trong tình hình mới;

3. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản;

4. Luật Xuất bản. ban hành ngày 20/11/2012;

5. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ban hành ngày 3/6/2008.

Thách thức trong quản lý tài chính tại các nhà xuất bản

TS. NGUYỄN DANH NGUYÊN, ThS. NGUYỄN ĐẠT MINH - Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội

(Tài chính) Với vai trò quan trọng của mình, các nhà xuất bản trong trường đại học rất cần được quan tâm và quản lý một cách có hệ thống và hiệu quả. Bài viết chỉ ra những khó khăn về nhu cầu vốn của các nhà xuất bản và đề xuất đổi mới cơ chế quản lý tài chính, giúp phát huy tối đa những đóng góp của các nhà xuất bản cho nhà trường và xã hội.

Xem thêm

Video nổi bật