Tham vọng M&A của các đại gia

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Sau câu chuyện Phương Nam Bank có thể sáp nhập Sacombank đang được bình luận sôi nổi trên thị trường, người ta đặt ra câu hỏi: Sẽ còn bao nhiêu thương vụ, vấn đề gây bất ngờ mà giới đầu tư không đoán được trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (NH) tới đây?

Tham vọng M&A của các đại gia
Sẽ còn bao nhiêu thương vụ, vấn đề gây bất ngờ mà giới đầu tư không đoán được trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống NH. Nguồn: internet

Tái cấu trúc hệ thống NH là một nhu cầu tự thân, bức thiết của ngành, mà M&A được cho là một giải pháp, gọn, đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích, chủ trương. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng M&A ngoài việc được NHNN khuyến khích, chủ trương, nó còn là công cụ mà các đại gia NH ưa thích để thi triển chóng vánh các tham vọng lớn mạnh của mình.

Tham vọng và kinh nghiệm của các đại gia

Chẳng hạn lại nói về nhóm cổ đông của đại gia Trầm Bê mà ông chủ đại diện vốn, vốn rất kín tiếng này là một ví dụ. Trong quá khứ, không phải chờ đến thương vụ Sacombank, ông Trầm Bê mới có kinh nghiệm thâu tóm NH. Để có một Phương Nam với hơn 75.000 tỉ đồng tổng tài sản và vốn điều lệ hơn 4.000 tỉ đồng như hiện tại từ một nhà băng nhỏ khởi điểm có 10 tỉ đồng, trong một giai đoạn ngắn từ 1997-2003, Phương Nam đã triển khai thành công 5 thương vụ M&A, sáp nhập các NH và các tổ chức tín dụng, bao gồm sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Đồng Tháp năm 1997; sáp nhập NHTMCP Đại Nam năm 1999; mua Qũy Tín Dụng Nhân Dân Định Công Thanh Trì Hà Nội năm 2000; sáp nhập NHTMCP Nông Thôn Châu Phú năm 2001 và sáp nhập NHTMCP Nông Thôn Cái Sắn (Cần Thơ) năm 2003.

Dĩ nhiên các thương vụ này nếu nằm trong tầm kiểm soát và theo chủ trương của NHNN, nhưng vấn đề là trên thị trường, còn bao nhiêu nhân vật có kinh nghiệm M&A và tiềm lực tài chính đến vậy mà chưa xuất đầu lộ diện, để có thể tiếp tục các thương vụ đầu tư, thâu tóm ngoạn mục gây bất ngờ? Và liệu cơ quan quản lí - NHNN có thực sự “kiểm soát” được các tham vọng, các thương vụ M&A phát sinh từ cả, hoặc một trong hai nguyên cớ đã nêu, hay có lúc chính cơ quan quản lí cũng phải…“chạy theo” xử lí những khủng hoảng phát sinh từ hệ lụy sở hữu chéo mà thực tế hiện nay, vốn vẫn còn đang rối.

Một thông tin ít được chú ý trong báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank về tình hình hình hệ thống cho biết NHNN đã phát hiện thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém trong đó có 2 NHTMCP. Thông tin đã phần nào cho thấy sự hân hoan của kết quả tái cấu trúc bắt buộc 9 NH yếu kém đầu tiên “đâu vào đấy” dường như là hơi sớm, và sức khỏe thực sự của các NH trong hệ thống trên thực tế chưa có sự ổn định bền vững. Ngay cả khi cơ quan quản lí đã nỗ lực hết mình bằng định hướng và các chính sách đồng bộ hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống, mọi chuyện không phải lúc nào cũng có thể nằm gọn trong tầm kiểm soát của một bàn tay.

Vừa chạy vừa xếp hàng

Với những diễn biến và nhiều phát sinh như vậy, rõ ràng vai trò của cơ quan quản lí trong tái cấu trúc hệ thống NH ngày càng quan trọng.

Nếu Phương Nam và Sacombank sáp nhập, lợi ích của Eximbank chắc chắn không thể không có. Nếu xét lợi ích cơ bản thì khi xử lí sở hữu chéo, tăng minh bạch NH, cũng đã là tăng giá trị khoản đầu tư của Eximbank.

Nhưng trong tương lai, Eximbank có phải chỉ vì lợi nhuận của một khoản đầu tư tài chính mà nhọc công bày binh bố trận, bỏ vốn để phụ trợ cho sự xuất hiện của một đối thủ cạnh tranh tương lai sẽ lớn mạnh hơn mình toàn phần về tài sản, hệ thống mạng lưới chi nhánh, thị phần lẫn con người? Rất khó đoán các nhà quản trị Eximbank sẽ tính toán như thế nào trong chiến lược cạnh tranh tới đây, nếu thực sự xuất hiện Sacombank lớn thứ 5 trên toàn hệ thống và giữa Eximbank và Sacombank chẳng có mối lương duyên ngoài hợp tác đầu tư, và cơ quan quản lí không có một vai trò tác động.

Trong tất cả các kịch bản M&A liên quan đến thị trường tài chính, đôi khi vấn đề không chỉ phụ thuộc tính toán của các nhà đầu tư, các chủ sở hữu mà còn phụ thuộc vào những thỏa thuận và những tính toán đa tầm cấp. Một chuyên gia nói rằng “các chủ sở hữu có thể sẽ hy sinh một vài lợi ích được hưởng lại những lợi ích khác người ngoài cuộc khó lập tức nhìn thấy được. Lợi ích đó cũng có thể được chia sẻ bởi quyền lực của tổ chức đứng đầu các nhà băng”.

Ở một thương vụ tái cấu trúc NH khác cũng đang liên quan đến vụ sáp nhập Phương Nam và Sacombank. Phương Nam hiện còn vướng cổ đông đến từ Singapore - NH United Overseas Bank Limited (UOB). Trên thực tế, tuy mối tình tay ba giữa Phương Nam – UOB và GPBank – NH UOB đang tính đường mua lại khó giải, nhưng trong những tình huống đặc biệt, cơ quan quản lí hoàn toàn có thể cho phép UOB “quá độ giai đoạn mua lại một NH, đồng thời vẫn là đối tác chiến lược của một nhà băng. Hoặc có thể định hướng xử lí vị thế đối tác chiến lược của UOB với tổ chức tín dụng thông qua công cụ hoán đổi cổ phần và pha loãng tỷ lệ sở hữu. Bởi chỉ cần sở hữu dưới 10%, UOB sẽ không vi phạm 1 trong 7 điều kiện theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP - thoải mái vẫn là cổ đông lớn của Sacombank và đồng thời là đối tác chiến lược của GPBank…

Cho dù các phương trình xử lý nợ xấu, dọn dẹp sở hữu chéo, thu hẹp số lượng NH để ổn định sức khỏe lâu dài và hướng tới nâng sức cạnh tranh của hệ thống vẫn còn rất ngổn ngang, cho dù vẫn phải “vừa chạy vừa xếp hàng” và không loại trừ sẽ có một vài NH khó tránh nguy cơ đột quỵ, các NH Việt vẫn đang phải tăng tốc tái cấu trúc bằng mọi thể thức có thể của mình.

Sở hữu chéo - Thách thức nan giải

Nhìn lại trong quá khứ, hai năm về trước, ông Trầm Bê và cả nhóm cổ đông Eximbank dưới danh nghĩa đầu tư đã thực hiện rất chuyên nghiệp việc liên minh các lá phiếu ủy quyền để hoàn tất thương vụ soán ngôi ông Đặng Văn Thành, thâu tóm Sacombank ngoạn mục. Hai năm về sau, diễn biến thế nào qua một số các động thái luân chuyển quyền sở hữu cổ phần STB thời gian gần đây?

Tại Sacombank, nhóm cổ đông lớn hiện tại lớn nhất phải kể đến Eximbank với tỷ lệ 10,3% cổ phần, cộng thêm 4,73% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn Exim nữa là tròn 15%. Ngoài ra, 2,49% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Sài Gòn – Á Châu, do mối quan hệ của ông Phạm Hữu Phú, người đại diện vốn của Eximbank với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Sài Gòn – Á Châu, nên cũng có thể được tính vào liên quan của nhóm cổ đông Eximbank. Trên bình diện thấy được thì nhóm cổ đông và người có liên quan Eximbank hiện chưa vượt mức sở hữu 20% theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng).

Trong khi đó cũng tại Sacombank, nhóm cổ đông, cá nhân liên quan đến ông Trầm Bê hiện đang nắm sở hữu khoảng 6,7%, bao gồm cổ phần của ông Trần Trọng Ngân con trai ông Trầm Bê (4,79%) và ông Trần Khải Hòa em ông Trần Trọng Ngân (2,08%). Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị NH Kiên Long ông Trần Phát Minh hiện đang nắm 4,8%, là cổ đông lớn thứ hai nếu xét ở vị trí độc lập của NH nhưng do là người đã từng có 16 năm gắn bó với PhươngNamBank – NH do gia đình ông Trầm Bê sáng lập - nên cổ phần của ông Trần Phát Minh cũng khó loại trừ liên quan đến nhóm cổ đông của ông Trầm Bê. Cùng với đó, nhóm cổ đông gia đình ông Trầm Bê hiện cũng đang sở hữu hơn 20% cổ phần tại NH Phương Nam, vượt “trần” quy định của Luật các tổ chức tín dụng. 

Trước đó năm 2013, một số các hoạt động giao dịch xoay quanh cổ phiếu STB cũng khá nóng, tiêu biểu là đợt chính Sacombank bán 47,8 triệu cổ phần STB của cha con ông Đặng Văn Thành - cựu sáng lập -  tương đương 4,912% sở hữu. Kết quả giao dịch này không công bố bên mua và câu hỏi ai đứng tên mua cổ phần STB với số lượng xấp xỉ một cổ đông lớn vẫn là ẩn số! Đây đều là những động thái rất đáng chú ý cho thấy phần nào vòng quay vệ tinh quanh cổ phần của các chủ sở hữu lớn, thuộc hai trong số các NHTMCP tốp đầu Việt Nam, chưa dừng lại. 

Vấn đề sở hữu chéo của các cổ đông lớn, của các Công ty tài chính, Công ty đầu tư, doanh nghiệp và qua hoạt động ủy thác đứng tên cá nhân, doanh nghiệp…, dường như vẫn là chuyện mà cơ quan quản lí vẫn chưa thể “sờ tận gốc”. Và một khi chưa sờ được căn cốt thì việc xử lí vấn đề sở hữu chéo ra sao vẫn còn rất nguyên khai. Dọn dẹp sở hữu chéo trong vòng hai năm từ đây đến hết 2015, song song với tiến trình hoàn tất tái cấu trúc hệ thống NH, thực sự là thách thức nan giải.