Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp

PV.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017 diễn ra ngày 3/6/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo cụ thể về tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Nguồn: chinhphu.vn

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, kể cả các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát và các chỉ tiêu khác mà Trung ương, Quốc hội đã giao.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp hằng tháng.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; Đề xuất, thực hiện các hàng rào kỹ thuật phù hợp để kiểm soát nhập khẩu, góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước...

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả. Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra chặt chẽ tình hình phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công 2017 và giai đoạn 5 năm. Không để tình trạng chậm giao bất cứ khoản nào, kể cả các chương trình mục tiêu có liên quan. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về đầu tư công...
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp cụ thể phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp; đồng thời xem xét, nghiên cứu việc huy động phù hợp nguồn vốn vàng, ngoại tệ trong dân.

Cùng với đó, cần tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...; bảo đảm tăng tín dụng theo kế hoạch (khoảng 18%) để thúc đẩy tăng trưởng.

Chủ động phối hợp chặt chẽ trong điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư... để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; Kiên quyết xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém (nhất là các ngân hàng thương mại đã mua lại 0 đồng hoặc áp dụng kiểm soát đặc biệt) theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi của cá nhân người gửi tiền theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...