Thị trường bán lẻ: Còn dư địa cho doanh nghiệp nội

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn theo lộ trình. Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Nguyên Năm cho biết tiềm năng thị trường dành cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn rất lớn.

 Thị trường bán lẻ: Còn dư địa cho doanh nghiệp nội
Thị trường bán lẻ vẫn còn nhiều "đất" cho các DN Việt Nam. Nguồn: internet
Tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 700 siêu thị, trong đó các tập đoàn nước ngoài chiếm tới 40%, còn trong số 125 trung tâm thương mại trên cả nước, các tập đoàn nước ngoài chiếm tỷ lệ 25%.

Các con số thống kê nêu trên cũng cho thấy, tiềm năng thị trường của các DN Việt Nam còn rất lớn. Vấn đề là các DN nội địa nắm bắt lợi thế này như thế nào.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, một trong những điểm góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các DN bán lẻ trong nước là phải giải quyết được mặt bằng bán lẻ. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn với DN nội địa nếu không có sự hỗ trợ thích đáng từ Nhà nước.

Bà Loan cho biết, có một thực tế là dù không có chính sách ưu đãi cụ thể cho các DN bán lẻ nước ngoài, nhưng ở một số địa phương, các DN này vẫn được ưu ái. Ví dụ về mặt bằng, tại nhiều địa phương, trong khi các DN trong nước phải chờ đợi để xin mặt bằng hoặc không được giải quyết, thì vị trí đó đã “rơi” vào tay DN ngoại.

Theo ông Trần Nguyên Năm, Việt Nam không phân biệt chính sách ưu đãi đối với DN nước ngoài hay DN trong nước. Từ ngày 1/1/2010, các DN nước ngoài cơ bản được phép phân phối các mặt hàng trên thị trường nước ta.

Thời gian qua, các DN bán lẻ trong nước đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tiêu thụ hàng Việt và đã đạt được những thành công nhất định, điều này thể hiện rõ ở khía cạnh doanh thu cũng như số lượng của DN tham gia chương trình này.

Cũng theo ông Năm, hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại tập trung tại các thị trường lớn, trong khi đó, ở các địa phương, phần lớn hệ thống phân phối còn hạn chế, nhỏ lẻ. Do  vậy, năm 2015, Bộ Công Thương sẽ xây dựng thí điểm 63 điểm bán hàng mang thương hiệu Việt, ưu tiên hàng bán trong chợ truyền thống nhằm nâng cao vai trò hàng Việt trong thời gian tới. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng thí điểm thêm 100 cửa hàng mang thương hiệu hàng Việt như vậy.

Với các lợi thế về về vốn, tài chính, thương hiệu, mạng lưới, kỹ năng, con người, theo các chuyên gia, các DN bán lẻ nước ngoài luôn có thế mạnh nổi trội hơn DN Việt Nam…

Nhiệm vụ của DN nội không còn cách nào khác là phải vươn lên để phục vụ người tiêu dùng.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho biết Hiệp hội Bán lẻ đã thực hiện một nghiên cứu "bỏ túi" với người tiêu dùng. Kết quả cho thấy người tiêu dùng nhận xét "nhà phân phối Lotteria giá rất rẻ; BigC không phải mặt hàng nào cũng rẻ". Tuy nhiên, điều thú vị lại ở chỗ chuyên gia, người nước ngoài đang ở Việt Nam lại yêu thích hệ thống bán lẻ Việt Nam hơn (như Fivimart hay Co-opmart). Điều này cho chúng ta nhiều hy vọng hơn về khả năng cạnh tranh của DN bán lẻ Việt.

Mục tiêu của Việt Nam đưa ngành bán buôn, bán lẻ phát triển, đóng góp từ 18 - 20% GDP (hiện nay là 13 - 14% GDP). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn phát triển hệ thống phân phối, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần có biện pháp hỗ trợ cụ thể. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần có quy hoạch phát triển hệ thống thương mại hiện đại gắn liền với phát triển kinh tế vùng miền. Điều quan trọng các địa phương cần phải dành một quỹ đất công cộng nhất định cho việc xây dựng hệ thống thương mại hiện đại.