Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Giai đoạn nước rút

Theo Thông tin Tài chính

Thời điểm kết thúc năm 2015 sắp đến gần, song kết quả thực hiện thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mới đi được một phần ba chặng đường. Mục tiêu đặt ra cho năm 2015 chưa có lời giải.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khung pháp lý đã kiện toàn

Đến nay, về cơ bản các cơ chế, chính sách về tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) DNNN đã được ban hành đồng bộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, CPH phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất - kinh doanh và điều kiện thị trường. Cụ thể như Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP; Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN; Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ quy định về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả các công ty nông, lâm nghiệp; cùng các thông tư hướng dẫn do Bộ Tài chính ban hành.

Ngày 01/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP với 9 nhóm nội dung để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN. Theo đó, Bộ Tài chính đã có dự thảo trình Chính phủ và ngày 15/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg về việc bán cổ phần theo lô.Như vậy, khung pháp lý về thoái vốn, CPH DNNN về cơ bản đã đầy đủ. Tuy nhiên, kết quả thoái vốn ngoài ngành của các DNNN vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

“Ì ạch” thoái vốn

Theo BộTài chính,trong hai năm 2014 - 2015, các tập đoàn, tổng công ty trên phạm vi cảnước phải thực hiện thoái vốn hơn 25 nghìn tỷđồng đã đầu tưvào 5 lĩnh vực nhạy cảm. Tổng kết năm 2014, tổng sốcác khoản đầu tưvào 5 lĩnh vực đã giảm 4.258 tỷ đồng, đầu tưthêm trên 1.401 tỷ đồng. Khoản đầu tưthêm là do các đơn vịghi nhận cổ tức được chia bằng cổphiếu, doanh nghiệp hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trịkhoản đầu tưra ngoài doanh nghiệp tươngứng với sốtiền cổtức được chia.

Bên cạnh đó, theo báo cáo trước Quốc hội về tình hình cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty giai đoạn 2014 - 2015, Thủ tướngChính phủNguyễn Tấn Dũng cho biết: Chính phủ đã tập trung vào CPH,thoái vốnđầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. DNNN tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu được tăng cường. Thời gian qua, đã thực hiện sắp xếp lại 465 DNNN, trong đó CPH được 353 doanh nghiệp. Dự kiến trong năm 2015, CPH được 200 doanh nghiệp so với mục tiêu đặt ra là 289 doanh nghiệp.

Như vậy, kế hoạch về CPH 289 doanh nghiệp trong năm 2015 chưa thực hiện được. Tính đến hết tháng 8/2015, cả nước mới CPH được 95/289 DNNN, đạt 32,87% kế hoạch. Trong đó, đã có 70 doanh nghiệp CPH thực hiện bán cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng với tổng số lượng cổ phần chào bán trên 734 triệu cổ phiếu (trị giá trên 7.340 tỷ đồng). Số cổ phiếu bán được trên 232 triệu cổ phiếu, đạt 31,6% tổng số lượng cổ phần chào bán.

Kết quả thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp CPH trong 8 tháng đầu năm 2015 đạt khoảng 8,39 nghìn tỷ đồng, thu về khoảng 12,39 nghìn tỷ đồng, gấp 1,48 lần giá trị sổ sách. Trong đó, lĩnh vực bất động sản đã thoái vốn được 2,69 nghìn tỷ đồng, thu về 3,18 nghìn tỷ đồng; lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, tài chính thoái vốn gần 1,3 nghìn tỷ đồng, thu về 1,35 nghìn tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 4,4 nghìn tỷ đồng, thu về 7,86 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của Chính phủ, việc các DNNN CPH bắt buộc phải niêm yết trên thị trường đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm thực hiện được giao dịch mua bán cổ phiếu sau CPH, qua đó, cũng góp phần tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu của doanh nghiệp và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp làm quen với các chế độ như công bố thông tin, công khai, minh bạch báo cáo tài chính... trước khi lên sàn niêm yết. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DNNN được nâng lên; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển. Theo báo cáo hợp nhất năm 2015, tổng tài sản của DNNN tăng 26%, vốn chủ sở hữu tăng 57%, doanh thu tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 16% so với năm 2010.

Mặc dù đã thu được những kết quả nhất định, nhưng kế hoạch thoái vốn ngoài ngành của các DNNN vẫn không đạt được mục tiêu đề ra. Hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho thoái vốn ngoài ngành đã đầy đủ, tuy nhiên kết quả thực hiện vẫn “ì ạch”, số vốn đầu tư ngoài ngành còn tồn động quá lớn, chậm so với kếhoạch đặt ra do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán trong nước, làm nhu cầu sụt giảm, sức mua thấp trong khi số lượng cổ phần của các DNNN phải CPH và thoái vốn nhiều dẫn đến cung vượt cầu.

Thứ hai, từ năm 2011 - 2013, khi bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu thì còn một số bộ, ngành, địa phương, DNNN chưa chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai sắp xếp, CPH và thoái vốn. Thứ ba, nhận thức sai lệch của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp, còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau CPH, thoái vốn.

Thực tế hoạt động thoái vốn thời gian qua cho thấy, chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại là những đơn vịthoái vốn nhanh nhất, hiệu quảnhất. Điển hình như Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã rất tích cực tuân thủ lộ trình thoái vốn đầu tư. DATC đã tập trung rà soát các khoản vốn góp để thoái vốn theo quy định (kể cả các doanh nghiệp mới góp vốn từ các năm 2013, 2014). Trong 6 tháng đầu năm 2015, DATC đã hoàn thành thoái vốn tại 9 doanh nghiệp. Trong khi đó, số vốn tồn đọng tại khối ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp bất động sản còn rất lớn.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp cần thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, phức tạp, có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị... nhưng sức ỳ từ cấp có thẩm quyền chỉ đạo vẫn là “nút thắt” làm giảm tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Con số gần 17 nghìn tỷ đồng cần phải thoái vốn đến cuối năm 2015 là một thách thức rất lớn, chưa có lời giải.

Tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, để tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch thoái vốn cụ thể cho từng tháng, từng khoản đầu tư ngoài ngành. Tại DATC, xác định công tác thoái vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, DATC đã duy trì thường xuyên mối quan hệ với các cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại, sở giao dịch chứng khoán… để mở rộng phạm vi thỏa thuận hợp tác dài hạn nhằm hỗ trợ công tác mua bán, xử lý nợ, đầu tư, thoái vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, để tiến trình CPH và thoái vốn ngoài ngành đạt mục tiêu đề ra, phải kiên quyết siết chặt kỷ luật theo hướng đơn vị nào không thực hiện được phải kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm người đứng đầu theo quy định.

Định hướng thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ tập trung vào các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bao gồm: (i)Tiếp tục tái cơ cấu DNNN, tập trung CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; (ii) Bán hết phần vốn trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; (iii) Sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển; (iv) Tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; (v) Bố trí đúng cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của DNNN sau CPH.

Hy vọng với nỗ lực, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, sự đồng lòng đẩy mạnh thoái vốn, CPH DNNN của các bộ, ngành liên quan cũng như sự chấp hành nghiêm túc chủ trương của Chính phủ từ phía các doanh nghiệp, tiến trình thoái vốn, CPH DNNN sẽ đáp ứng được cả về chất và lượng.