Thượng đế buồn vẫn phải bay

Việt Nguyễn - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Cầm tấm vé trước giờ bay, có lẽ ít người có thể an tâm hoàn toàn về sự đúng giờ của từng chuyến, ngoại trừ khi máy bay đã cất cánh như dự kiến.

Thượng đế buồn vẫn phải bay
Cần đổi mới quyết liệt, toàn diện ngành hàng không dân dụng. Nguồn: internet

Và chuyện thường ngày vẫn xảy ra, đó là các thông báo chậm chuyến, hủy chuyến mà Thượng đế rất không muốn nghe, vì các lý do khác nhau: máy bay về muộn, sự cố kỹ thuật, thời tiết và thậm chí còn là những lý do thật khó hiểu như thiếu xe nâng, quá tải hoặc thiếu dịch vụ hỗ trợ… chính vì vậy mà các chuyến bay bị delay - bị chậm, đã trở thành cơm bữa và giờ đây không ít người ví các chuyến bay giá rẻ là các chuyến tàu chợ!

Lãnh đạo rất trăn trở

Song thật ngạc nhiên là các hãng - kể cả chuyên nghiệp như Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam lại coi đó là việc hết sức bình thường. Thành ra mới có chuyện là nếu nhớ thì họ cho thông báo kèm theo lời xin lỗi. Bằng không thì khách cứ việc chờ. Có những chuyến chậm trễ mà không được sắp xếp nơi ăn nghỉ, quý khách bị bỏ rơi như nằm ngoài chợ.

Vấn đề ở đây là thời gian, tiền bạc, sức khỏe và biết bao cơ hội làm ăn, công chuyện riêng tư và những điều không thể nói ra của khách hàng bị thiệt hại và mất mát đã không được xin lỗi, nói gì tới chia sẻ và bồi hoàn…

Quá sốt ruột trước những khiếm khuyết và trì trệ của ngành hàng không - nhất là sự chậm trễ gây phiền hà cho khách hàng, mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Đinh La Thăng đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo ngành hàng không và lên tiếng cảnh báo về những tồn tại của ngành, đồng thời nghiêm khắc chỉ ra những yếu kém hay bị né tránh. Đó là trách nhiệm và sự thiếu sâu sát của từng vị trí quan trọng của ngành. Người đứng đầu ngành GT-VT cũng yêu cầu Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cần chấn chỉnh và khắc phục ngay những điểm yếu kể trên, để lấy lại niềm tin nơi Thượng đế.

Bộ trưởng GT-VT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) rà soát, hoàn thiện công tác quản lý phân bổ giờ cất, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay, đảm bảo phù hợp với năng lực hiện có của cơ sở hạ tầng hàng không; chủ trì, điều phối hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không nhằm chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích quốc gia, giữa lợi ích DN và người sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu quyết liệt triển khai thực hiện những đề án nhằm đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hàng không dân dụng; Đề án Tái sắp xếp các cơ sở làm thủ tục bay, kiểm soát máy bay lăn tại cảng hàng không, trình Bộ trưởng phê duyệt trước ngày 30/8/2014…

Cuối cùng, Cục Hàng không đã "ra quân" kiểm soát tình hình. Trong quá trình khảo sát tại 2 sân bay lớn nhất nước, mới đây, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Hàng không và đoàn công tác của Cục Hàng không mới có dịp "soi" từng chi tiết có nguy cơ làm chậm chuyến bay: Sân bay Nội Bài có đến 10 loại xe đẩy hành lý khác nhau (nghe nhân viên ở đây nói, công ty nào muốn quảng cáo cứ cấp xe miễn phí cho cảng, nên xe mới lộ cộ, không lồng được vào nhau). Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có duy nhất một loại xe nên không xảy ra lộn xộn.

"Tới đây phải có giải pháp chấn chỉnh việc này tại sân bay Nội Bài. Đồng thời, cũng yêu cầu các hãng hàng không linh động điều chuyển khách làm thủ tục tại gian hàng phổ thông (thường rất đông) sang khu vực khách thương gia (đang giảm do kinh tế khó khăn)", ông Cường nói.

Qua quá trình giám sát, ông Cường trăn trở làm sao để hành khách thấu hiểu và chia sẻ với hàng không. Ví dụ, nếu khách có hành lý ký gửi đã làm thủ tục bay, nhưng đến giờ (bay) chưa xuất hiện, hãng phải tìm bằng được khách (vì lo ngại hành lý vô chủ có thể chứa bom).
Quy định bắt buộc của hàng không là, nếu không tìm được khách phải lục tung hành lý đã xếp trên máy bay để đưa xuống. Lúc đó, chậm chuyến là đương nhiên. "Không ai như ở ta, có khách đến giờ khởi hành cứ vô tư vào quán ăn uống. Bởi vì họ nghĩ, kiểu gì mình cũng được gọi tên vào giờ chót. Thế là chậm", ông Cường cho biết.

...Nhưng Thượng đế vẫn buồn

Những phiền muộn và chưa hài lòng của Thượng đế còn đến từ thái độ phục vụ của nhân viên hàng không tại nhiều sân bay. Lời ăn tiếng nói chưa thuận tai và nhất là nụ cười cần thiết thật là hiếm hoi nơi nhân viên phục vụ trong ngành. Việc bị chặt chém tại các quầy dịch vụ vẫn đang thấy phổ biến. Tô mì, bát phở, ly cà phê giải khát tại đây được đội giá gấp 3, 4 lần bên ngoài mà chất lượng lại không như ý.

Chỉ đến khi Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng đích thân ra tay, sân bay Nội Bài mới áp giá trần cho một số mặt hàng hóa dịch vụ thông dụng. Đại loại như giá 1 chai nước tinh khiết loại 0,5 lít tại khu công cộng không được quá 15.000 đồng, tại khu cách ly nội địa không được quá 20.000 đồng và khu cách ly quốc tế không quá 2 USD trong nhà hàng và 1 USD tại các khu vực khác…

Gần đây nhất, dư luận thật sự kinh ngạc bởi những sự cố khá hy hữu là lẽ ra bay tuyến này thì có một vài hãng lại nhầm tuyến khác - những nhầm lẫn lẽ ra không thể có ở ngành hàng không bởi những quy định chặt chẽ vốn có. Vậy mà đã có 2 hãng để chuyện này xảy ra và sau đó họ đổ lỗi cho thời tiết.

Chưa hết, các sự cố kỹ thuật quá nguy hiểm đã xảy ra, như nhân viên không lưu tại sân bay Đà Nẵng suýt nữa để máy bay của Jetstar Pacific và Vietnam Airlines đâm vào nhau ngày 27/6 vừa qua, khi cùng lúc lệnh cho 2 chiếc cất và hạ cánh.

Hay như sáng 17/7 tại sân bay Cát Bi, hành khách đi chuyến bay VJ 8851 Hải Phòng - TP. Hồ Chí Minh yên tâm khi thấy máy bay Vietjet Air đáp xuống đúng giờ (9h25). Hai xe thang được đưa ra gắn vào 2 cửa máy bay. Nhưng cũng câu chuyện cũ được lặp lại, máy bay của Vietnam Airlines đáp xuống sau khoảng 5 phút. Thế là phải rút bớt một chiếc xe thang từ cửa sau của Vietjet Air đưa qua cho máy bay Vietnam Airlines. Mỗi chiếc máy bay chỉ có 1 xe thang nên khách lên xuống rất chậm. Cả 2 máy bay quay đầu sẽ chậm hơn ít nhất 10 phút.

Đúng lúc đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng đoàn của Cục Hàng không làm việc và kiểm tra hoạt động tại sân bay Cát Bi. Và tại buổi làm việc ở Thành ủy TP. Hải Phòng ngay sau đó, Bộ trưởng Thăng nói với Cục phó Cục Hàng không Đinh Việt Thắng: "Tuần sau, sân bay Cát Bi không có xe thang thì các ông phải lên máy bay cõng từng hành khách xuống".

"Giá cao thì quản lý nhà nước phải xem lại"
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Một bát mỳ tôm thì chúng ta định giá làm gì? Ly nước chanh đá, tô mỳ, hàng lưu niệm là phi hàng không. Khi giá cao thì quản lý nhà nước phải xem lại, như có phải do phí thuê mặt bằng tại cảng có phù hợp không, hay cao quá khiến DN phải đẩy giá bán mới chịu nổi.

"Nên cạnh tranh hóa bằng đầu vào"
Ts. Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh

Nhiều dịch vụ sân bay biểu hiện có sự lạm dụng độc quyền. Một tô phở có vài miếng bò viên có giá 55.000 đồng thì là lạm dụng độc quyền rồi. Tuy nhiên, vì lý do an ninh của ngành hàng không nên đã làm cho sân bay trở thành một thị trường riêng biệt. Đây cũng chính là lý do cơ quan quản lý nên kiểm soát cơ chế độc quyền bằng Luật Cạnh tranh chứ không phải giải quyết bằng biện pháp hành chính. Ngoài ra, cơ quan quản lý nên cạnh tranh hóa bằng đầu vào. Ví dụ, cho DN bán 1 năm, sau đó hết 1 năm thì đấu thầu, vẫn đảm bảo được tính cạnh tranh.

"Phải giải bài toán chống độc quyền dịch vụ"
Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia về hàng không

Việc giá tô mì ở sân bay đắt hơn 1/2, 2 lần giá ở ngoài là chuyện đương nhiên (vì giá thuê mặt bằng ở sân bay đắt hơn) nhưng đắt hơn bao nhiêu là vừa? Muốn biết giá bao nhiêu là vừa phải giải bài toán chống độc quyền dịch vụ. Khi một dịch vụ đã không còn độc quyền, người ta buộc phải công nhận giá của nó là hợp lý (trừ khi chứng minh được có sự "đi đêm" của các DN để cùng nâng giá). Độc quyền không thể được chống bằng các mệnh lệnh hành chính.