Thương mại điện tử: Áp lực bám đuổi

Theo Huy Vũ/nhipcaudautu.vn

Tiki công bố đầu tư, Shopee Việt Nam thừa thắng xông lên, Lazada Việt Nam có thêm tiềm lực từ Alibaba, Chợ Tốt có thêm tham vọng mới... là những nhân tố khiến thị trường thương mại điện tử Việt Nam đầy yếu tố bất ngờ trong năm nay.

Với thị trường cạnh tranh như hiện nay, những làn sóng hợp nhất có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong các năm tới. Nguồn: Internet
Với thị trường cạnh tranh như hiện nay, những làn sóng hợp nhất có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong các năm tới. Nguồn: Internet

Tăng sức ép

Sau thời gian đàm phán, JD.com, nhà bán lẻ lớn của Trung Quốc, công bố đã hoàn tất đầu tư vào Công ty Cổ phần Tiki, đơn vị sở hữu website Tiki.vn. Không những thế, JD.com còn là cổ đông lớn nhất của Tiki.vn tính đến thời điểm hiện tại. 

Dù cả hai không chia sẻ thông tin về số tiền đầu tư nhưng dòng vốn từ JD.com chắc chắn sẽ đưa Tiki.vn trở lại cuộc đua thương mại điện tử ở Việt Nam. Trước khi được JD.com đầu tư, Tiki.vn đã mở thêm mảng marketplace, nghĩa là Tiki vừa nhập hàng kinh doanh, vừa cho phép các cửa hàng nhỏ, lẻ kinh doanh trên đây, nhưng với điều kiện là hàng hóa phải được Tiki.vn nhập và kiểm tra.

Chính vì thế, dù đại diện của Tiki.vn và JD.com chưa công bố các chiến lược sắp tới nhưng giới quan sát cho rằng nhiều khả năng Tiki.vn sẽ đẩy mạnh các chính sách để thu hút người bán hàng trên nền tảng của họ, đồng thời đẩy mạnh dịch vụ giao hàng trong 2 tiếng.

Trong khi đó, đại diện đến từ Singapore là Shopee đang có bước phát triển rất nhanh ở Việt Nam sau một năm chính thức hoạt động. Một báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường iPrice Group gần đây công bố ứng dụng mua sắm Shopee Việt Nam đã vượt mặt Lazada Việt Nam hồi quý III và quý IV/2017.

Đại diện Shopee Việt Nam từ chối  bình luận về vấn đề này, nhưng theo một cuộc phỏng vấn trước đó với NCĐT, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, cho biết Công ty sẽ tiếp tục chính sách hỗ trợ giao hàng, phí thu tiền hộ cho khách hàng và không thu phí hoa hồng trên mỗi đơn hàng thành công của người bán trong thời gian tới. “Chúng tôi cũng chưa có lộ trình cụ thể về việc dừng các chương trình hỗ trợ”, ông Tuấn Anh nói.

Về phần mình, Lazada Việt Nam đang có những điều chỉnh nhân sự để tiếp tục giữ vững vị trí trong bối cảnh đang bị đeo bám bởi Shopee Việt Nam. Động thái gần đây nhất của Lazada Việt Nam là giảm 50% phí hoa hồng trên mỗi đơn hàng thành công và hỗ trợ giao hàng trong 2 dịp mua sắm lớn cuối năm. Trong khi đó nhóm doanh nghiệp trong nước như Sendo (FPT) hay Zalo (VNG) chưa cho thấy động thái sẽ mở rộng trong năm nay.

Với thị trường cạnh tranh như hiện nay, những làn sóng hợp nhất có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong các năm tới. Có nghĩa là, các đối thủ lớn sẽ cạnh tranh bằng cách gia tăng sức ép cho đến khi các đối thủ nhỏ hơn bật khỏi thị trường.

Thương mại điện tử: Áp lực bám đuổi  - Ảnh 1

Rào cản mới

Theo báo cáo mới nhất của Google và Temasek, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á đạt đến con số 11 tỉ USD vào năm 2017, tăng 41% so với năm 2015. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất Đông Nam Á, đạt 33%.

Vì vậy, dù ở nhiều ngả khác nhau nhưng cuộc đua trong thị trường thương mại điện tử rất gay cấn. Một nhân tố mới đây cũng cho thấy tham vọng đẩy nhanh tốc độ trong cuộc đua này là Chợ Tốt. Ông Johan Rostoft, Giám đốc Điều hành 701 Search, Phó Chủ tịch mảng mua bán trực tuyến của Telenor (đơn vị chủ quản Công ty Chợ Tốt Việt Nam), cho biết, Công ty đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ các lĩnh vực mới và rao vặt trực tuyến là một trong những cơ hội đó.

Năm 2016, Telenor đã mua lại Tapad, môt doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Thông qua Tapad, Telenor đặt mục tiêu đưa việc quảng cáo chính xác đến người mua trong lĩnh vực rao vặt. Điều này cũng giải thích vì sao Telenor đã mua lại các nền tảng rao vặt lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Mô hình này không mới ở Việt Nam và thế giới có thể kể đến như Sendo (FPT), Zalo (VNG) hay Shopee (Singapore). Lợi thế của các công ty nền tảng là không phải đầu tư kho vận chuyển, đội ngũ giao nhận nên đi nhanh hơn nhóm truyền thống như Lazada Group (Alibaba) hay Tiki.vn.Ông Johan cho biết, ở một số quốc gia đạt được lượng truy cập nhất định, Telenor đã thử nghiệm mô hình cho các chủ shop lên kinh doanh, kết nối với các công ty giao nhận để cung cấp dịch vụ giao hàng.
Song song đó, Công ty cũng mua một ngân hàng ở Pakistan để triển khai dịch vụ tài chính di động. Theo đó, Telenor định nghĩa các trang rao vặt trực tuyến thành một nền tảng kết nối với các dịch vụ thuộc hệ sinh thái thương mại điện tử, cụ thể hơn trong tương lai Chợ Tốt không đơn thuần chỉ còn là trang rao vặt mà là nơi có các cửa hàng, có dịch vụ giao nhận, thanh toán trực tuyến...
Tuy nhiên, ở Việt Nam, Chợ Tốt vẫn sẽ tập trung vào mô hình rao vặt trực tuyến. Theo công bố mới nhất của Chợ Tốt, Công ty sẽ đẩy mạnh mảng xe, bất động sản và điện tử trong năm 2018. Các mảng này đang chiếm hơn 50% tổng lượt truy cập vào Chợ Tốt hằng ngày.
Ở Việt Nam, ông Johan cho rằng Chợ Tốt vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của mô hình này. Như ở các nước phát triển, mỗi tháng mô hình rao vặt trực tuyến đón nhận đến một nửa số người sử dụng internet.

“Chúng tôi vẫn tập trung vào mô hình rao vặt trực tuyến ở Việt Nam trong thời gian tới”, ông Johan cho biết.

Thật ra lý do cụ thể nhất của Telenor khi vẫn giữ mô hình rao vặt là để thu hút lượng truy cập lớn vì nhu cầu tự mua bán của các cá nhân còn rất lớn ở Việt Nam.

Theo iPrice Group, không như Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam vẫn chưa định hình rõ mô hình kinh doanh B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) và các trang rao vặt, các doanh nghiệp như Lazada, Tiki hay Shopee vẫn đang kết hợp cả hai mô hình để phục vụ khách hàng.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp như Lazada Việt Nam và Tiki.vn đang tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp mới tham gia. Đồng thời, gây áp lực cho cả nhóm C2C như Chợ Tốt, Sendo, Zalo hay Shopee... phải thay đổi, chuyển dịch về cơ cấu hàng hóa, dịch vụ cũng như cách tiếp cận khách hàng.