Trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp

Theo Kim Anh/daibieunhandan.vn

Tại Hội nghị phổ biến Nghị định 15/2018/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua, các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến nội dung tự công bố chất lượng sản phẩm; đây được coi là hình thức nhà nước trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tự công bố, tự chịu trách nhiệm 

Theo PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Nghị định 15/2018/NĐ - CP, là văn bản pháp quy quan trọng, thay đổi gần như cơ bản phương thức quản lý thực phẩm. Nghị định 15 trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Nếu như quy định cũ yêu cầu doanh nghiệp phải xin xác nhận từ cơ quan nhà nước thì nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của mình và nộp một bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm rất lớn đối với chất lượng sản phẩm do mình sản xuất và công bố. Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh, đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin đã công bố và mức độ an toàn của sản phẩm đó.

Một trong những điểm mới của Nghị định 15 được các doanh nghiệp quan tâm là hậu kiểm đa số sản phẩm thay cho hình thức tiền kiểm như trước đây. Theo đó, doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung công bố, thay vì phải gửi hồ sơ tới các cơ quan nhà nước để xác nhận như trước đây, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế.

Điểm mới nữa tại Nghị định này được các doanh nghiệp đánh giá cao, là các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm chịu sự quản lý của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn như trước đây thì nay có quyền chỉ chọn 1 cơ quan để đăng ký công bố chất lượng.

Tạo thông thoáng cho doanh nghiệp

Theo Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI TP. Hồ Chí Minh Trần Ngọc Liêm, nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021, lấy kiến tạo, coi hành động, thiết kế thể chế chính sách, tạo thuận lợi thương mại, cải cách hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và coi doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế.

Hàng năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có những hành động rất có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp như năm 2016 Chính phủ có Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Năm 2017, Chính phủ coi là năm giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp; cũng như có chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp không quá 2 lần trong năm. Năm 2018 là một cuộc cách mạng trong quản lý ATTP, đó chính là Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Nghị định 15 đã cởi trói cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm rất lớn; trong đó, thống kê cho thấy, giảm 90% thủ tục hành chính liên quan đến ATTP. Còn theo tính toán của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Nghị định 15 đã tiết giảm hàng triệu ngày công và hàng trăm nghìn tỷ đồng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đại diện Tổng cục Hải quan cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp một số vấn đề về sản phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu… Chẳng hạn, hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm nhập khẩu nhưng không để kinh doanh trực tiếp như để sản xuất, các hàng hóa nguyên liệu đầu vào… thuộc mục A12 thì được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng, thay vào đó, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng.