Triển vọng kinh doanh của hệ thống ngân hàng: Tỏa dần tông màu sáng

Theo thoibaonganhang.vn

Sau nhiều biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như các giải pháp xử lý nợ xấu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có cái nhìn lạc quan hơn đối với môi trường kinh doanh.

Môi trường bên trong của các TCTD diễn biến thuận lợi

Theo đánh giá của các TCTD tại cuộc điều tra Xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo Thống kê tiền tệ (NHNN Việt Nam) tiến hành mới đây, môi trường kinh doanh bên trong của các TCTD đang diễn biến thuận lợi, trong khi môi trường kinh doanh bên ngoài còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; mức độ rủi ro của khách hàng cũng chưa được cải thiện, do đó nợ xấu vẫn là thách thức lớn, kết quả kinh doanh và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng. “Cầu tín dụng” được cho là nguyên nhân chính cản trở tăng trưởng tín dụng trong năm 2013.

Tuy nhiên, hầu hết các TCTD đều có chung nhận định: môi trường kinh doanh bên ngoài sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm, kinh tế phục hồi kéo theo huy động vốn và tăng trưởng tín dụng sẽ tăng nhanh hơn, lợi nhuận sẽ dần được cải thiện.

THỰC TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG KINH DOANH CỦA TCTD (Đơn vị tính: %)

Triển vọng kinh doanh của hệ thống ngân hàng: Tỏa dần tông màu sáng - Ảnh 1

Hoạt động của một TCTD bị tác động chủ yếu bởi hai yếu tố cơ bản là: môi trường bên trong và môi trường bên ngoài. Theo kết quả cuộc điều tra, hơn 1/3 số TCTD được hỏi cho rằng, môi trường bên trong (bao gồm các yếu tố thuộc về nội tại của doanh nghiệp như: năng lực tài chính, nguồn nhân lực, trang thiết bị, công nghệ, năng lực quản trị rủi ro, chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá, phí giao dịch, chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng, khả năng sáng tạo, cải tiến sản phẩm…) của họ trong 6 tháng đầu năm 2013 thuận lợi hơn so với nửa cuối năm 2012; 57,7% TCTD đánh giá không thay đổi và chỉ có 3,9% TCTD nhận định tiêu cực.

Tuy nhiên, nhận định về môi trường kinh doanh bên trong 6 tháng tới, có tới 2/3 số TCTD được hỏi cho rằng, sẽ thuận lợi hơn 6 tháng đầu năm 2013 trong khi tỷ lệ TCTD đánh giá tiêu cực là không đáng kể (2,5%). Với kỳ vọng này, các TCTD cũng cho rằng, so với năm 2012, môi trường kinh doanh nội bộ năm 2013 sẽ tác động thuận lợi hơn tới hoạt động kinh doanh của họ.

Điều đáng chú ý là, trong số các nhân tố thuộc môi trường bên trong, đa số các TCTD cho rằng “chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá, phí giao dịch và năng lực tài chính của TCTD” là 2 nhân tố nội bộ quan trọng nhất tác động đến hoạt động kinh doanh của họ. Sau đó mới đến các nhân tố “nguồn nhân lực”, “chính sách và năng lực quản trị rủi ro”… Các yếu tố như “trang thiết bị, công nghệ”; “chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng”; “khả năng sáng tạo, cải tiến sản phẩm” không được các TCTD đánh giá là những nhân tố tác động lớn tới hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2013.

Đối với môi trường kinh doanh bên ngoài (điều kiện phát triển kinh tế, xã hội phản ánh qua điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng, sự cạnh tranh từ các TCTD khác, cơ chế quản lý và quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của NHNN, chính sách tín dụng, lãi suất, tỷ giá của NHNN và các quy định khác của nhà nước và pháp luật), theo các TCTD, còn tiềm ẩn rủi ro, nhưng đang được cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Có đến 32,9% TCTD đánh giá môi trường kinh doanh bên ngoài đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ; 50,6% cho là không thay đổi so với nửa cuối năm 2012; và chỉ có 16,5% TCTD đánh giá là thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhận định về môi trường kinh doanh 6 tháng tới, cũng như so sánh cả năm 2013 với năm 2012, có trên 50% TCTD cho rằng, môi trường kinh doanh bên ngoài sẽ thuận lợi hơn.

Và trong số các nhân tố thuộc môi trường bên ngoài, các TCTD nhận định “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” là nhân tố quan trọng nhất tác động đến hoạt động kinh doanh của họ, sau đó mới đến chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá, cơ chế quản lý và quy định an toàn hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN.

Cũng theo đánh giá nói trên, do nền kinh tế đầu năm 2013 vẫn đang ở giai đoạn dò đáy và ngổn ngang nhiều khó khăn, hầu hết các TCTD nhận định, mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng tăng trong 6 tháng đầu năm 2013. Do đó, trên 50% TCTD dự kiến tỷ lệ nợ xấu của họ tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012. Đối phó với nợ xấu tiếp tục là thách thức lớn đối với nhiều TCTD trong năm 2013.

“Cầu tín dụng giảm” được hầu hết các TCTD nhận định là nguyên nhân hàng đầu cản trở tăng trưởng tín dụng trong năm 2013. Mà cầu này có tăng được hay không lại phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng kinh tế, phục hồi các ngành sản xuất, dịch vụ trong thời gian tới. Điều này cho thấy vì sao các nhân tố như “lãi suất cho vay cao”, “nguồn cung tín dụng hạn chế” được xếp ở mức độ thấp nhất trong số các nguyên nhân có thể tác động xấu tới tăng trưởng tín dụng trong năm 2013.

Nếu như tại cuộc điều tra tháng 12/2012, có 40,2% TCTD kỳ vọng triển vọng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2013 sẽ được cải thiện hơn so với 6 tháng cuối năm 2012 thì tại cuộc điều tra lần này, chỉ có 30,4% TCTD đánh giá thực trạng kinh doanh của 6 tháng đầu năm 2013 đã được cải thiện hơn trong khi có 21,5% TCTD cho rằng thực trạng kinh doanh kém hơn (tại cuộc điều tra tháng 12/2012 chỉ có gần 10% TCTD có cùng kỳ vọng này). Gần 50% TCTD cũng cho biết lợi nhuận trước thuế của họ giảm trong 6 tháng đầu năm 2013 so với 6 tháng cuối năm 2012, trong đó mức giảm tập trung nhiều nhất từ 20% đến dưới 30%.

Triển vọng kinh doanh sẽ sáng sủa hơn trong 6 tháng cuối năm

Tuy nhiên, các TCTD vẫn khá lạc quan khi nhìn về tương lai: môi trường kinh doanh bên ngoài diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn, lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm trong 3 và 6 tháng tới, đặc biệt là lãi suất cho vay. Hầu hết các TCTD cho rằng, lãi suất huy động vốn và cho vay bình quân sẽ giảm trong vòng 3-6 tháng; đồng thời, xu hướng giảm lãi suất cho vay sẽ diễn ra mạnh hơn giảm lãi suất huy động.

Về huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đến cuối năm 2013, có 87% các TCTD được hỏi kỳ vọng tăng so với cuối năm 2012, trong đó 55,1% TCTD kỳ vọng mức tăng trên 10%.

Về tổng dư nợ tín dụng, 89,8% các TCTD được hỏi, kỳ vọng tổng dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ tăng so với cuối năm 2012, trong đó dư nợ tín dụng bằng VND được kỳ vọng tăng chủ yếu từ 10% đến 20%; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ được kỳ vọng tăng dưới 10% cho cả năm 2013. Bên cạnh đó, cũng có 35,4% TCTD dự báo dư nợ tín dụng chung (tổng cộng cả VND và ngoại tệ) chỉ tăng từ 5% đến dưới 10% trong năm 2013.

Lợi nhuận cũng là một trong những vấn đề được các TCTD quan tâm. Căn cứ vào kết quả kinh doanh đạt được trong 6 tháng đầu năm 2013, các TCTD đã thận trọng hơn trong việc đưa ra kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cho cả năm 2013. Theo cuộc điều tra, có đến 71,4% TCTD kỳ vọng lợi nhuận của họ sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2013 so với 6 tháng đầu năm, mặc dù mức tăng khiêm tốn, vẫn chỉ dưới 10%. Tính chung cả năm 2013, 65% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng so với năm 2012, tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ 78,4% của cuộc điều tra 6 tháng đầu năm 2013.

Đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh, có tới 63,3% TCTD cho rằng, 6 tháng cuối năm 2013 sẽ diễn biến thuận lợi hơn 6 tháng đầu năm 2013 và chỉ có 3,8% TCTD lo ngại tình hình kém hơn. Nhìn nhận cho cả năm 2013, do ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến của những tháng đầu năm, vẫn còn 14,1% TCTD đánh giá triển vọng kinh doanh năm 2013 sẽ kém hơn năm 2012.

Tuy nhiên, hơn một nửa số TCTD được hỏi (55,1%) kỳ vọng triển vọng kinh doanh của cả năm 2013 sẽ cải thiện hơn so với năm 2012. Kết quả này khá nhất quán với kỳ vọng được xác lập tại cuộc điều tra vào thời điểm cuối năm 2012.

Như vậy, sau nhiều biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như các giải pháp xử lý nợ xấu của Chính phủ và NHNN, các TCTD đã có cái nhìn lạc quan hơn đối với môi trường kinh doanh. Theo đó, các TCTD hy vọng trong những tháng cuối năm 2013, nền kinh tế sẽ thoát đáy và có sự phục hồi nhất định. Các kỳ vọng đưa ra ngày càng có xu hướng thận trọng và sát với thực tế hơn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa thực tế và kỳ vọng, nâng cao chất lượng của các cuộc điều tra.