Từng bước lấy lại đà tăng trưởng

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp năm 2013 có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,9%, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2012.

Từng bước lấy lại đà tăng trưởng
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2013 tăng khoảng 5,9%, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2012. Nguồn: internet
Phục hồi khá nhanh

Về tăng trưởng của nhóm ngành, ngành có mức tăng trưởng cao nhất là ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải, tăng 9,1%, tiếp đó là ngành sản xuất và phân phối điện, tăng 8,5%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ ba, tăng 7,4%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo xét về mức tăng trưởng đứng thứ ba nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 5,5% của năm 2012 và chiếm khoảng 71% giá trị tăng thêm của toàn ngành.

Một số ngành công nghiệp sản xuất năm 2013 tăng cao so với năm 2012 gồm: ngành dệt (sợi, hàng may mặc trừ trang phục), sản xuất thiết bị điện và xe có động cơ, tăng trên 20%; sản xuất da và sản phẩm liên quan, giày dép, cấu kiện kim loại tăng trên 15%...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm trước tăng 9,2%, cao hơn so với mức tăng của những năm trước (cùng kỳ năm 2012 tăng 3,6% và năm 2011 tăng 1,5%). Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao gồm: Sản xuất xe có động cơ tăng 35,2%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 29,5%,  sản xuất thiết bị điện tăng 19,4%, sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 16,6%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 13,9%; sản xuất đồ uống tăng 13,7%, dệt tăng 12,8%... Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm gồm: sản xuất giấy, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, sản xuất kim loại, sản xuất giường, tủ, bàn ghế...

Tồn kho sản phẩm đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần qua các tháng, nếu như tính từ thời điểm 1/1/2013 chỉ số tồn kho tăng 21,5% so với cùng kỳ thì đến 1/12/2013 chỉ số tồn kho chỉ còn tăng 10,2%.

Những ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn so với mức tăng chung: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,8%, dệt tăng 6,3%. Ngành có chỉ số tồn kho giảm là: Sản xuất linh kiện điện tử giảm 52,6%, sản xuất vải dệt thoi giảm 45,7%, sản xuất xe có động cơ giảm 37,8%, sản xuất đồ uống giảm 21,9%, sản xuất pin và ắc quy giảm 12,3%, sản xuất sản phẩm phi kim loại giảm 11,3%, sản xuất trang phục giảm 1,4%...

Phát triển thiếu chiều sâu

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Bộ Công Thương về sản xuất công nghiệp cũng cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp tuy có tăng trưởng so với năm 2012 nhưng còn ở mức chưa cao như mục tiêu đặt ra. Ngành khai khoáng có mức tăng trưởng giảm, tập trung ở những sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của sản xuất như: Than, dầu thô, đá, cát, sỏi, đất sét... Điều này đã phản ánh thực tế khi sản xuất suy giảm, nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên liệu giảm, sản xuất vì thế giảm theo.

Hoạt động đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, dẫn đến nguồn nguyên liệu và phụ tùng, linh kiện phục vụ sản xuất trong một số lĩnh vực vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu khiến cho giá thành sản phẩm hàng hoá của Việt Nam chưa cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp vẫn chưa khắc phục được tình trạng phát triển theo chiều rộng, theo hướng gia công, lắp ráp; trình độ công nghệ sản xuất chưa được nâng cao đáng kể; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị chưa đạt yêu cầu phát triển... Do đó, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cải thiện nhiều.

Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh

Tiến độ hoàn thành của một số dự án đầu tư sản xuất còn chậm. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài, bền vững nên bị động trước những biến động của thị trường, làm giảm hiệu quả của quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trong hai năm 2014 – 2015, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, từng bước lấy lại đà tăng trưởng cao của ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó là nghiên cứu xây dựng và điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện từng vùng, thị trường, phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp theo hướng tập trung, liên kết để khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung đầu tư phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất kinh doanh.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đối với các dự án đầu tư trọng điểm của ngành công nghiệp như các dự án nguồn và lưới điện, dầu khí, luyện kim, chế biến khoáng sản, hoá chất và phân bón, xi măng,... để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, tránh gây thất thoát, lãng phí và ảnh hưởng tới cân bằng nguồn cung cầu trên thị trường.

Tập trung rà soát, điều chỉnh nếu cần thiết các quy hoạch phát triển nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; rà soát, xử lý và thu hồi đối với các dự án đầu tư không triển khai hoặc chậm tiến độ.