Vì sao nhiều công ty lớn vẫn làm ăn kém hiệu quả?

Theo VnMedia

Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh tế nói chung và thị trường kinh doanh bất động sản nói riêng có nhiều biến động không thuận lợi.

 Vì sao nhiều công ty lớn vẫn làm ăn kém hiệu quả?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mặc dù đang được xem là những công ty lớn niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng trước những khó khăn của năm 2012 vừa qua nhiều doanh nghiệp đã cho thấy kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh so với năm 2011, thậm chí là âm.Vừa bước sang những ngày đầu tiên của năm mới, danh sách công bố kết quả và giải trình, của nhiều công ty niêm yết đã tiếp tục được Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội công bố. Điều đặc biệt là, trong danh sách này đã có xuất hiện khá nhiều tên tuổi doanh nghiệp nổi tiếng và cổ phiếu của họ đang được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm, cũng như săn đón.

Cổ phiếu đầu tiên được xếp trong danh sách thua lỗ đó là, Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thường Tín (Sacombank - SBS). Cụ thể, theo Báo cáo kết quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Sacombank – SBS đã âm trong năm 2012.

Lý giải về kết quả này, trong công văn giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 của Sacombank – SBS cho thấy, nguyên nhân của việc thua lỗ này là do tình hình kinh tế vĩ mô không tốt, thị trường chứng khoán phán ánh tiêu cực, giá cổ phiếu giảm mạnh, thanh khoản sụt giảm. Điều này đã làm ảnh hưởng đến doanh thu hoạt động môi giới.

Cùng với đó, công ty đã chủ động thu gọn bộ máy hoạt động, chỉ còn giữ lại một chi nhánh Hà Nội và định biên nhân sự từ 211 nhân viên xuống còn 123 nhân viên, vì vậy giảm mạnh chi phí quản lý doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty cũng ngừng hoạt động đầu tư vì vậy giảm doanh thu về hoạt động đầu tư. Đồng thời giảm mạnh chi phí hoạt động kinh doanh do không trích lập dự phòng cho hoạt động này.

Cùng với việc giải trình về hoạt động kinh doanh thua lỗ, trong công văn này của Sacombank cũng đưa ra định hướng hoạt động kinh doanh năm 2013. Theo đó, công ty sẽ trình Đại hội cổ đông thông qua Đề án Tái cấu trúc toàn diện Sacombank – SBS bao gồm tái cấu trúc nguồn vốn tự có, tái cấu trúc về cơ cấu tổ chức và tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Tiết giảm chi phí và tăng cường công tác đôn đốc thu hồi các khoản nợ phải thu tiếp tục là công tác quan trọng cho hoạt động năm 2013 của SBS. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển các mảng dịch vụ, chăm sóc khách hàng khối mối giới, tăng cường nhân sự cấp cao khối ngân hàng đầu tư để phát triển sản phẩm tư vấn doanh nghiệp, dịch vụ tư vấn tài chính và M&A.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống quản trị và điều hành, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro, nâng cao năng lực kiểm soát để bảo đảm hoạt động kinh doanh hiệu quả và an toàn.

Một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và được khá nhiều người biết đến đó là, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng HUD3 (mã chứng khoán HU3). Theo Báo cáo tài chính trong quý IV/2012 của công ty, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 18 tỷ đồng, giảm 13,04% so với lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý IV/2011.

Với mức sụt giảm này, trong bản giải trình gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, HU3 cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế chung vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi, công nợ thu hồi và sản phẩm của công ty chậm tiêu thụ tại một số dự án như Dự án Golden Palace Hà Đông, Hà Nội, Khu đô thị Vân Canh – Hà Nội…

Ngoài ra, mặc dù Công ty đã chủ động thực hiện tiết giảm chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm, cộng thêm các yếu tố thị trường chưa phục hồi, chi phí lãi vay còn cao nên đã dẫn đến các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận hợp nhất quý IV/2012 đều giảm so với cùng kỳ năm 2011.

Ở trên sàn Hà Nội, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng vừa công bố giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế quý IV/2012 so với quý IV/2011 của Công ty cổ phần dầu khí Đông Đô. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2012 đã giảm 496% so với quý IV/2011.

Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh tế nói chung và thị trường kinh doanh bất động sản nói riêng có nhiều biến động không thuận lợi. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản vẫn cao và sức mua của bất động sản vẫn rất thấp, dẫn đến doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh thấp.