Xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp: Ghi nhận những nỗ lực

PGS.,TS. Đoàn Hương Quỳnh

Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Kết quả này được thể hiện qua các hoạt động tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ, hoạt động mua bán nợ, cơ cấu doanh nghiệp…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, trong thời gian qua, DATC còn là địa chỉ tin cậy để Chính phủ, Bộ Tài chính giao xử lý nợ, tái cơ cấu các tổng công ty lớn gặp khó khăn về tài chính.

Điển hình như: Tổng công ty Tàu thủy Việt Nam (SBIC), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Công ty thực phẩm miền Bắc, Công ty Haprocimex…

Tích cực cơ cấu nợ của SBIC

Một trong những điểm đáng ghi nhận trong kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao xử lý tài chính và tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) thuộc SBIC là DATC đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao bằng nhiều giải pháp và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực.

Điển hình là, sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, trong năm 2014, DATC đã vào cuộc thực hiện mua nợ và kế thừa quyền chủ nợ của các ngân hàng. Đồng  thời, tiến hành thu hồi được 168 tỷ đồng do SBIC chuyển từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản bảo đảm nợ trái phiếu.

DATC đã hoàn tất việc tái cơ cấu Công ty Tôn Vinashin và tiếp tục khảo sát, đánh giá để xây dựng các phương án cơ cấu đối với các DN thuộc SBIC. Tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong xử lý tài chính, tái cơ cấu các DN thuộc SBIC, năm 2015, DATC thực hiện đôn đốc thu hồi nợ và nghiên cứu xây dựng Quỹ Thu hồi nợ SBIC.

Đến hết năm 2016, DATC đã hoàn thiện các thủ tục phát hành và bàn giao 11 hối phiếu có bảo lãnh của Chính phủ cho Ngân hàng Techcombank để hoán đổi trái phiếu quốc tế DATC; đồng thời, hoàn thiện dự thảo hợp đồng nhận nợ hối phiếu giữa DATC và SBIC.

Để đẩy mạnh công tác xử lý nợ, tái cơ cấu, DATC đã hoàn thiện và trình Bộ Tài chính dự thảo Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ Thu hồi nợ SBIC và Quyết định thành lập Quỹ Thu hồi nợ SBIC. Đồng thời, triển khai rà soát các tài sản đảm bảo nợ trái phiếu quốc tế chính phủ tại 25 đơn vị thành viên (trong đó có 7 đơn vị thuộc diện giữ lại) của SBIC có sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế chính phủ.

Song hành cùng với việc thực hiện các trọng trách, nhiệm vụ được giao, DATC thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo tái cơ cấu SBIC, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải về những kết quả, tiến độ thực hiện công việc.

Cụ thể các nội dung như: Rà soát tài sản đảm bảo nợ trái phiếu quốc tế chính phủ, trái phiếu DATC tại 7 đơn vị thuộc diện giữ lại để tái cơ cấu; Tình hình triển khai thanh lý, nhượng bán tài sản đảm bảo, tài sản hình thành từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế chính phủ; Tổng thể kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại SBIC.

Đặc biệt, để lãnh đạo Bộ Tài chính cập nhật được các vấn đề liên quan tới việc xử lý nợ, tái cơ cấu DN thuộc SBIC, DATC thường xuyên thực hiện báo cáo cụ thể về tài sản đảm bảo nợ trái phiếu quốc tế chính phủ.

Trong đó, phân tích rõ thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp để kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chuyển nhiệm vụ theo dõi, giám sát xử lý tài sản bảo đảm nợ trái phiếu quốc tế chính phủ về cơ quan chủ quản của SBIC là Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện các trường hợp không thể bàn giao hồ sơ gốc tài sản bảo đảm nợ trái phiếu quốc tế chính phủ cho DATC.

Mặt khác, tích cực hoàn thiện Đề án mua lại trái phiếu DATC đã phát hành để cơ cấu nợ của SBIC và xin chủ trương mua lại trái phiếu quốc tế DATC đã phát hành để cơ cấu nợ của SBIC. Chủ động phối hợp với các bên liên quan để xây dựng Đề án phát hành trái phiếu DATC tái cơ cấu nợ của DN chuyển giao từ Vinashin (SBIC) sang Vinalines.

Thực hiện có hiệu quả tại Vinalines

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc bán nợ cho DATC là một trong nhiều giải pháp để tái cơ cấu Vinalines đúng đắn đã được Chính phủ giao cho DATC thực hiện. Cũng theo các chuyên gia, việc DATC tham gia mua nợ và các bên thực hiện bán nợ cho DATC là giải pháp khả thi nhất trong bối cảnh Vinalines đối mặt rất nhiều khó khăn.

Điều này đã được thực tiễn chứng minh, DATC đủ năng lực tài chính và cơ sở pháp lý cũng như kinh nghiệm để thực hiện thành công các khoản nợ của Vinalines tại các ngân hàng.

Thời gian qua, DATC đã rất tích cực trong việc tiếp xúc, gặp gỡ nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để đàm phán hướng mua bán, xử lý nợ. Một số tổ chức đã có thỏa thuận sơ bộ, đã chào giá mua. DATC cũng đã tiến hành mua một số khoản nợ của Vinalines tại một số ngân hàng.

Với tổng giá trị nợ phải trả của Vinalines khoảng hơn 12.323 tỷ đồng nên để có đủ nguồn lực tài chính luân chuyển phục vụ chương trình cơ cấu nợ cho Vinalines, Vinalines đã thỏa thuận khi DATC mua được nợ của các tổ chức tín dụng, Vinalines sẽ thanh toán cho DATC các chi phí mua nợ bằng nguồn vốn kinh doanh và nguồn thu từ thoái vốn đơn vị thành viên.

Trước thực trạng trên, DATC đã kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép Vinalines sử dụng các nguồn vốn kinh doanh, các nguồn thu từ thoái vốn tại các đơn vị thành viên, tiền thu từ bán cổ phần lần đầu các đơn vị thành viên cũng như tại Công ty mẹ để phối hợp với DATC trong công tác cơ cấu nợ.

Thực hiện Thông báo số 436/TB-VPCP ngày 21/11/2014 của Văn phòng Chính phủ về tái cơ cấu tài chính Vinalines, DATC đã mua 1.641,442 tỷ đồng nợ phải thu của các tổ chức tín dụng với giá vốn là 645,719 tỷ đồng để hỗ trợ xử lý tài chính.

Qua đó, thúc đẩy thực hiện đề án cổ phần hóa công ty mẹ và thực hiện giải chấp tài sản đảm bảo cho Vinalines sau khi DATC thu hồi 678, 160 tỷ đồng.

Mặt khác, DATC tiếp tục đàm phán mua khoản nợ phải thu của các ngân hàng: Oceanbank, Bangkokbank, các chủ nợ cho vay hợp vốn… để xử lý tài chính cho Vinalines.

Bên cạnh việc tích cực thực hiện có hiệu quả trong công tác xử lý tài chính, tái cơ cấu DN thuộc SBIC và Vinalines, trong thời gian qua, DATC còn hoàn tất xử lý nợ cho Công ty thực phẩm miền Bắc, Công ty Haprocimex.

Theo đó, đến hết năm 2016, DATC đã thực hiện xong việc mua 1.072,2 tỷ đồng nợ, hoàn tất mua 1.432 tỷ đồng nợ để xử lý tài chính cho Công ty Thực phẩm miền Bắc.

Không dừng lại ở đó, hiện DATC đang phối hợp với Công ty mẹ của Công ty Thực phẩm miền Bắc là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và Bộ Công Thương triển khai đề án tái cơ cấu chuyển thành công ty cổ phần trong năm 2017.