Tăng điểm quản trị cho doanh nghiệp niêm yết

ThS. Nguyễn Thanh Nhã

So với các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN, thứ hạng về quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang thấp. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của thị trường chứng khoán và doanh nghiệp Việt Nam, mà còn gây nên những bất lợi đối với nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, cũng như thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này đang là vấn đề đặt ra bức thiết không chỉ với nhà quản lý, mà cả với các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quản trị công ty chưa đạt các chuẩn mực

Bắt đầu từ năm 2011, Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN được áp dụng chính thức để đánh giá các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên thị trường chứng khoán trong khu vực ASEAN. Kết quả chấm điểm và công bố thứ hạng các DN đạt điểm quản trị công ty tốt nhất ASEAN tính đến thời điểm mới nhất là năm 2015 (năm 2016 Tổ chấm điểm quản trị công ty ASEAN không chấm điểm do có sự thay đổi trong Bộ nguyên tắc quản trị công ty của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2015, dự kiến năm 2017 tiếp tục triển khai).

Trong số 50 DN niêm yết được vinh danh có chất lượng quản trị công ty tốt nhất khu vực ASEAN năm 2015, phần lớn là các DN của Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines. Trong số các DN niêm yết có chất lượng quản trị công ty tốt nhất tại mỗi quốc gia được vinh danh, Việt Nam có 3 đại diện là: Công ty cổ phần Phân bón và hóa chất dầu khí (mã chứng khoán DPM), Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (mã chứng khoán HCM) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã chứng khoán VNM).

Kết quả chấm điểm cho thấy, tuy các DN Việt Nam được vinh danh về quản trị công ty đều có cải thiện về điểm số một cách tích cực trong những năm gần đây, nhưng việc không một DN niêm yết nào của Việt Nam có tên trong top 50 DN niêm yết được vinh danh có chất lượng quản trị công ty tốt nhất khu vực ASEAN, cũng như thực tế mức điểm trung bình của các DN còn rất xa so với các quốc gia trong khu vực, là các bằng chứng cho thấy chất lượng áp dụng quản trị công ty tại Việt Nam còn thấp và chưa đạt được các chuẩn mực ASEAN hướng tới.

Bởi vậy, nếu cơ quan quản lý lẫn các DN không tiếp tục có những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, thì khó có thể đưa Việt Nam thoát khỏi tình cảnh “điểm kém” về quản trị công ty.

Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên nhân trước tiên khiến các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt “điểm kém” về quản trị công ty là do Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ công bố thông tin. Trong khi các báo cáo thường niên của các DN niêm yết Việt Nam khá đầy đủ ở bản tiếng Việt, nhưng phần dịch tiếng Anh thì vắn tắt và hầu hết không có bản tiếng Anh.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến điểm quản trị công ty của các DN niêm yết Việt Nam còn thấp, chủ yếu do các DN chưa thực sự quan tâm, chưa coi việc nâng cao chất lượng quản trị công ty là nhu cầu thiết yếu. Số lượng DN nhận thức được tầm quan trọng của quản trị công ty vẫn còn hạn chế. Đa số DN chỉ tuân thủ những quy định đơn giản, ví dụ như ban hành điều lệ công ty phù hợp với Luật DN; ban hành Quy chế quản trị, thông qua việc Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc trong đại hội đồng cổ đông; tuân thủ thời gian, trình tự, thủ tục tổ chức đại hội đồng cổ đông…

Việc áp dụng các quy định phức tạp hơn, thì có rất ít công ty đáp ứng được, chẳng hạn như về số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập, thành lập các tiểu ban để hỗ trợ hoạt động của hội đồng quản trị, việc tham gia các khóa đào tạo về quản trị công ty của thành viên hội đồng quản trị, đảm bảo tránh xung đột về lợi ích trong giao dịch với các bên liên quan… 

Kết quả chấm điểm quản trị công ty cho thấy, quản trị công ty mới đang ở giai đoạn đầu tại Việt Nam. Các công ty Việt Nam chưa hiểu được tầm quan trọng của thực hiện các thông lệ tốt về quản trị công ty.

Nhiều nỗ lực nhưng chưa đủ

Ngoài nỗ lực của các DN niêm yết, nhà quản lý Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong cải thiện chất lượng quản trị công ty. Cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện các chương trình xây dựng năng lực, đào tạo mở rộng về quản trị công ty. Trong đó bao gồm các hoạt động như: Đào tạo cho thành viên hội đồng quản trị của các DN về những thông lệ quản trị công ty tốt trên thế giới, cũng như các văn bản pháp quy của Việt Nam về quản trị công ty; tập huấn về soạn thảo tài liệu cổ đông hướng đến các thông lệ quản trị công ty tốt nhất- theo Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN; Đào tạo cho các cơ quan quản lý về vấn đề liên quan đến giám sát và cưỡng chế thực thi về quản trị công ty...

Ngoài ra, trong những năm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức các diễn đàn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công ty trong khu vực, chẳng hạn như Chương trình Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN và lễ trao giải…

Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy là chưa đủ. Để nâng cao chất lượng quản trị công ty trong thời gian tới, từ thực tiễn, cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Việt Nam cần thúc đẩy thành lập Viện Quản trị công ty. Tổ chức này sẽ chịu trách nhiệm về chương trình nâng cao chất lượng quản trị công ty cho các DN, mà trước hết là công ty niêm yết, công ty đại chúng.

Viện kết hợp với sở giao dịch chứng khoán, hiệp hội nhà đầu tư chứng khoán thực hiện đánh giá toàn diện về tình hình quản trị công ty của công ty niêm yết và công bố các kết quả đánh giá, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các nước để thực hiện nhiều hoạt động khác. Cũng cần thành lập Hội đồng tư vấn Quản trị công ty cấp Quốc gia. Đây sẽ là hội đồng xây dựng các nguyên tắc và kiến nghị về các thông lệ quản trị công ty tốt nhất cho Việt Nam. Hội đồng này không chỉ tư vấn cải thiện tình hình quản trị công ty, tạo các diễn đàn trao đổi về kỹ thuật và về chính sách thúc đẩy quản trị công ty tốt.

Cần thực hiện đánh giá toàn diện về quản trị công ty đối với toàn bộ các công ty niêm yết và công bố kết quả những đánh giá đó để nhà đầu tư nhìn nhận, xem xét và đưa vào tiêu chí đầu tư. Áp lực từ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, chính là nhân tố thúc đẩy công ty niêm yết phải thay đổi để đáp ứng các yêu cầu thu hút vốn đầu tư. Khung pháp lý nên có những chế tài đủ sức răn đe đối với các vi phạm quy định về quản trị công ty để dần dần hình thành ý thức tuân thủ của DN trong bối cảnh nhận thức về quản trị công ty của công ty niêm yết chưa cao.

Đặc biệt, cần tập trung nâng cao nhận thức về trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ lãnh đạo DN, nhất là các thành viên hội đồng quản trị về vấn đề quản trị công ty thông qua các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ, đưa ra quy định bắt buộc về thời gian phải được đào tạo về quản trị công ty trong 1 năm, nâng cao chất lượng của các khóa đào tạo.

Chỉ khi hội đồng quản trị hiểu rõ và thực hiện đúng chức trách của mình một cách trung thực, thì các tiêu chí khác về quản trị công ty mới được thực thi tốt, khi đó quyền lợi của cổ đông và các bên liên quan được bảo đảm... Tiếp tục nâng cao khung pháp lý về công bố thông tin, trong đó khuyến khích công bố các thông tin phi tài chính, thông tin về môi trường, xã hội và quản trị.

Khi các công ty Việt Nam thành công trong nâng cao chất lượng quản trị công ty, thì chính DN là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên trên nhiều khía cạnh như: có thể thuê và giữ được đội ngũ lao động có chất lượng; giúp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí vốn và tăng giá trị tài sản; nâng cao uy tín của DN trong con mắt nhà đầu tư… Việc áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt còn giúp cho các DN Việt Nam hội nhập chủ động hiệu quả vào thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh và mang tính chọn lọc cao.   

Tài liệu tham khảo:

1. TS. Nguyễn Thanh Phương: Quản trị DN cho các công ty cổ phần chứng khoán trong quá trình tái cấu trúc TTCK (2014);

2. WB: Báo cáo Thẻ điểm quản trị công ty;

3. IFC: Bộ nguyên tắc quản trị công ty;

4. Website Đầu tư chứng khoán; UBCKNN; Tạp chí Tài chính.