Tăng hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ

Hà Linh (Báo Nhân dân)

Thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ đã đồng hành và đóng góp thiết thực trong công tác phòng, chống dịch, như: Phát triển bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2; nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2, nghiên cứu vaccine Covid-19… Kết quả đó có được nhờ nỗ lực của các nhà khoa học và các doanh nghiệp, và sự kịp thời tháo gỡ chính sách, quy trình, thủ tục của cơ quan quản lý để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.

Việt Nam đã phân lập nuôi cấy được virus SARS-CoV-2, nghiên cứu vaccine COVID-19.
Việt Nam đã phân lập nuôi cấy được virus SARS-CoV-2, nghiên cứu vaccine COVID-19.

Lâu nay, thủ tục thanh toán, quyết toán đề án, đề tài rườm rà là nút thắt gây tốn kém không nhỏ về vật chất, thời gian, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng, kết quả các đề án, dự án. Trong đại dịch, cơ chế rút gọn thủ tục giao các đề tài nghiên cứu đã ngay lập tức được áp dụng. Cơ chế đồng tài trợ, huy động nguồn lực của xã hội, từ doanh nghiệp bên cạnh ngân sách cũng được mạnh dạn thí điểm. Mô hình liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp được thúc đẩy để nhanh có sản phẩm công nghệ phục vụ nhu cầu cấp bách của xã hội…

Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá đó là những kinh nghiệm sẽ được phát huy trong thời gian tới, đặc biệt, Bộ kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính trong tổ chức các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà khoa học, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ, chương trình do ngân sách nhà nước tài trợ.

Bên cạnh đó, nhiều startup, doanh nghiệp công nghệ cũng kỳ vọng sẽ có những chính sách mới thí điểm các công nghệ mang tính đột phá nhằm ứng phó lâu dài với dịch. Thí dụ, cần có hành lang pháp lý cho việc khám, chữa bệnh từ xa hay bán thuốc từ xa để thúc đẩy công nghệ và thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Đợt dịch vừa qua, công nghệ đã giúp kết nối hội chẩn hiệu quả giữa các bệnh viện trên toàn quốc. Thực tế cũng đòi hỏi giải pháp về chính sách và công nghệ cho khám, kê đơn, bán thuốc từ xa đối với một số trường hợp người bệnh nhất định.

Các sản phẩm công nghệ phòng, chống dịch cần có chính sách phù hợp để được ứng dụng trong thực tiễn. Một số nhà nghiên cứu cho biết, sản phẩm áo làm mát cho nhân viên y tế của họ cần chính sách hỗ trợ để được sử dụng nhiều hơn trong các cơ sở y tế, từ đó cải tiến tính năng sản phẩm phù hợp điều kiện chống dịch trong mùa đông; hay rô-bốt hỗ trợ chống dịch cần được đầu tư đến ngưỡng để tối ưu các tính năng; các ngành liên quan cần phối hợp xây dựng cơ chế tài chính để ứng dụng sản phẩm hiệu quả ở cơ sở y tế…

Đại dịch COVID-19 là cơ hội phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục phát hiện các nút thắt, gỡ bỏ các rào cản, có chính sách thích ứng mới nhằm tạo môi trường thật sự thuận lợi, giải phóng tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học, gia tăng mạnh mẽ kết quả và hiệu quả đóng góp của hoạt động khoa học và công nghệ đối với các mục tiêu phát triển đất nước, nhất là trong phòng, chống dịch.