Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Tuấn Dũng

​Chính phủ ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chương trình hành động hướng tới mục tiêu cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh; đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định; khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh

Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ đặt ra các mục tiêu cụ thể về cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp như:

Cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định có liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh; hạn chế tối đa việc ban hành mới các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết.

Đến năm 2020, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để đạt điểm số trung bình của ASEAN 4 theo Chỉ số Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Cũng đến năm 2020, phấn đấu giảm một nửa tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành phải chi trả chi phí không chính thức theo Khảo sát PCI đến năm 2020. Công khai 100% các hoạt động thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý trên trang mạng internet của cơ quan có thẩm quyền. Chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp theo Chỉ số Môi trường kinh doanh giảm xuống mức trung bình ASEAN 4.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cắt giảm các chi phí bất hợp lý, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương trong việc cắt giảm các chi phí về tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường; chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh; phí, lệ phí, tiền thuê đất và tiền khai thác tài nguyên; chi phí không chính thức.

Trong đó, Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện đầy đủ việc xây dựng Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN và Thuận lợi hóa thương mại.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định của Chính phủ tại các trạm thu tiền dịch vụ đường bộ của các dự án BOT theo đúng lộ trình, thực hiện kết nối điện tử giữa trạm thu giá và cơ quan thuế theo lộ trình của Bộ Tài chính; chia sẻ thông tin cho Bộ Giao thông vận tải khi cần để đàm phán với chủ đầu tư và làm cơ sở cho các nghiên cứu dự án mới.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh như đã nêu Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ, đảm bảo tuân thủ Điều 7 Luật Đầu tư 2014; rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật theo hướng không quy định các nội dung có tính chất điều kiện kinh doanh.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa chế độ báo cáo theo yêu cầu tại Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước" để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

Đặc biệt, với chi phí không chính thức, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Xây dựng quy tắc đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi phục vụ công dân, doanh nghiệp. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức trực thuộc về các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo và chính sách pháp luật của Nhà nước về thi hành công vụ. Công khai minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ ở cán bộ công chức các cấp chính quyền.

Đồng thời, xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình; đảm bảo quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp về chất lượng hành chính công và chi phí không chính thức ở cấp Sở, ngành, huyện theo mô hình dân chấm điểm, công khai kết quả và yêu cầu các Sở, ngành, huyện có giải pháp nâng cao chất lượng hành chính công và cắt giảm chi phí không chính thức. Các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, của công dân kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Người đứng đầu chính quyền các cấp phải dành thời gian thích đáng tiếp công dân theo quy định, giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.