Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về thép không gỉ


Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp thép không gỉ trong nước nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về thép không gỉ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành hàng thép không gỉ kiến nghị, phạm vi của QCVN 20:2019/BKHCN về thép không gỉ được ban hành kèm theo Thông tư số 15/2019/TT-BKHCN chưa bao gồm các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất từ thép không gỉ như: nồi, ấm, lưới quạt điện, khay, giá đỡ, tủ đựng tài liệu, bàn, ghế… và thép hình như: ống tròn, thép hình hộp, thép góc.

Do đó, nếu không bổ sung các đối tượng sản phẩm này vào quản lý thì sản phẩm tiêu dùng được sản xuất từ thép không gỉ và sản phẩm thép hình kém chất lượng sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa sản phẩm sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ngưng hiệu lực của Thông tư số 15/2020/TT-KHCN ngày 15/11/2019 về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN20:2019/BKHCN về thép không gỉ đến hết ngày 31/12/2021 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn dịch Covid-19.

Ngay sau khi nhận được kiến nghị trên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp thép không gỉ trong nước để làm rõ một số nội dung và giải đáp thắc mắc.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp ngành hàng thép, trong danh mục thép không gỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 20:2019/BKHCN, đã liệt kê mã HS của hầu hết các mặt hàng thép không gỉ (tấm, cuộn, dây, cây đặc thép không gỉ) nhưng không có mã HS của chủng loại thép không gỉ dạng ống tròn, hộp vuông, hộp chữ nhật, trong khi những chủng loại này lại đang được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường và cũng là sản phẩm được sản xuất nhiều nhất tại các nhà máy sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam.

Như vậy, khi Thông tư số 15/2019/TT-BKHCN có hiệu lực, khi tất cả các loại thép không gỉ tại Việt Nam đều phải áp dụng QCVN 20:2019/BKHCN thì riêng chủng loại ống, hộp thép không gỉ có tiêu chuẩn cơ sở sẽ vẫn được lưu thông trên thị trường.

Đây sẽ là cơ hội vàng cho các nhà sản xuất ống, hộp thép không gỉ của Trung Quốc đưa hàng vào thị trường Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa sản phẩm sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu; gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước vì khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Đại diện các doanh nghiệp cũng khẳng định, việc ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thép không gỉ” là cần thiết nhưng phải đảm bảo yếu tố công bằng và bao quát hết tránh việc doanh nghiệp trong nước bị “siết” nguồn nguyên liệu còn hàng nhập khẩu vào Việt Nam lại chưa có quy chuẩn.

Tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp ngành Thép, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẳng định, với phương diện là người làm chính sách thì bất kì quy định nào được đưa ra cũng nhằm mục đích tốt hơn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẵn sàng lắng nghe chia sẻ và giải đáp thắc mắc xung quanh QCVN 20:2019/BKHCN.

Ban soạn thảo dự thảo quy chuẩn cũng cho biết, khi xây dựng QCVN 20:2019/BKHCN, Ban soạn thảo đã gửi Dự thảo lấy ý kiến Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ để lấy ý kiến góp ý là 60 ngày theo quy định của pháp luật về Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, Quy chuẩn này cũng đã được thông báo cho các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) theo quy định tại Hiệp định WTO/TBT.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định sẽ nghiên cứu, xem xét một cách kỹ càng, đồng thời nghiên cứu tháo gỡ nhanh những khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về thép không gỉ, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.