Thời cơ phục hồi, phát triển ngành Hàng không

Theo Đan Thanh/daibieunhandan.vn

Ngành Hàng không Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá, vươn lên giành thị phần khi nhiều hãng trong khu vực mất khả năng thanh toán trầm trọng, phải yêu cầu bảo hộ phá sản và thu hẹp quy mô vì COVID-19. Để ngành “chớp” được thời cơ phục hồi, phát triển và dẫn sóng phục hồi các ngành du lịch, thương mại, đầu tư…, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ hội vươn lên 

Sau hai năm chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, ngành Hàng không Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực, đứng trước nhiều cơ hội để bứt phá.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, về mặt tổng thể, nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nên Việt Nam thích ứng một cách an toàn với đại dịch COVID-19. Những đánh giá tích cực của quốc tế cho thấy Việt Nam là điểm đến an toàn đối với khách quốc tế, hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư kinh doanh. Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam cũng có tiềm năng to lớn của thị trường hàng không du lịch nội địa.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, thương mại, đầu tư, du lịch quốc tế, các hoạt động văn hóa, thể thao... từng bước trở lại trạng thái bình thường tạo cơ hội lớn cho ngành Hàng không phục hồi. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, và sẽ nhanh chóng đi tìm các đối tác vận chuyển. Nếu khàng không Việt Nam không nhanh thì sẽ mất nguồn khách công vụ có doanh thu cao này.

Đặc biệt, bối cảnh chính sách đi lại của các nước đã được nới lỏng, đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ và các quốc gia láng giềng như Thái Lan cũng tạo điều kiện cho hàng không phục hồi mạnh mẽ. Các tổ chức hàng không cũng nhận định, sự phục hồi của thị trường hàng không Mỹ và châu Âu cũng sẽ nhanh hơn châu Á. Do đó, nếu Việt Nam chậm trễ trong việc mở cửa sẽ khiến ngành Hàng không mất cơ hội và chậm lại so với thị trường.

Mặt khác, các hãng hàng không trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19. Nhiều hãng hàng không quốc gia, hãng khai thác xuyên lục địa mất khả năng thanh toán trầm trọng, phải yêu cầu bảo hộ phá sản và đang thu hẹp quy mô. Trước khi các hãng quay lại phục hồi và mở rộng, đây là thời cơ để hàng không và du lịch Việt Nam vươn lên giành thị phần và thu hút khách đến Việt Nam.

Chính sách hỗ trợ phải đủ dài

Có thể thấy, phục hồi hàng không đang là đòi hỏi cấp thiết, bởi đây là ngành “đi trước mở đầu”, tạo động lực phục hồi du lịch, thương mại, đầu tư… Đặc biệt, ngành đang đứng trước cơ hội “có một không hai” để vươn lên giành thị phần trong khu vực.

Để giúp ngành chớp được thời cơ này, các chuyên gia cho rằng trước mắt Việt Nam cần nghiên cứu mở rộng diện miễn visa tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ hơn thì mới có thể mở rộng được thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc tế với nhiều quốc gia.

Cùng với đó, TS. Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất, Nhà nước tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành Hàng không mà Việt Nam chưa khai thác nhiều, để các hãng hàng không trong nước có điều kiện thuận lợi thâm nhập và khai thác thị trường này.

Liên quan đến giải pháp tăng cường sức khỏe tài chính cho ngành Hàng không - vấn đề cấp thiết nhất hiện nay, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng có một gợi ý hết sức đáng chú ý. Đó là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần nghiên cứu phương án các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc quyền quản lý của Ủy ban được phép hợp vốn để đầu tư hạ tầng hàng không và hãng bay như một tổ chức quản lý vốn mà không làm giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được giao quản lý.

TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế bổ sung: để thúc đẩy quá trình phục hồi của ngành Hàng không, Nhà nước cần áp dụng tổng hợp và đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cả hành chính và tài chính tín dụng; cả biện pháp truyền thống và phi truyền thống, cả có tính thị trường và phi thị trường. Những chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không, nhất là giảm thuế phí, cho vay ưu đãi cần ở mức đủ dài nhằm tạo thuận lợi tối đa cho ngành vượt qua khó khăn.

Cũng theo ông Phong, Nhà nước cần coi trọng các giải pháp tài chính tín dụng nhằm giảm bớt sức ép phá sản trước mắt vì thiếu hụt dòng tiền. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình - Ban Kinh tế Trung ương đề xuất cần có các cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không tiếp cận được với các định chế tài chính, ngân hàng, từ đó có thể giải quyết các vấn đề tín dụng phù hợp, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn.