BIDV ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Phát triển Công nghiệp vừa và nhỏ Myanmar

PV.

(Tài chính) Ngày 6/6/2014 tại Thành phố Yagoon, Cộng hòa Liên bang Myanamar, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Phát triển Công nghiệp vừa và nhỏ Myanmar (SMIDB). Thỏa thuận nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện và hiệu quả giữa SMIDB và BIDV để chia sẻ thông tin, phát triển sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật, cùng hỗ trợ doanh nghiệp Myanmar và hỗ trợ hoạt động hợp tác đầu tư thương mại của doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Myanmar.

BIDV ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Phát triển Công nghiệp vừa và nhỏ Myanmar. Nguồn: bidv.com.vn
BIDV ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Phát triển Công nghiệp vừa và nhỏ Myanmar. Nguồn: bidv.com.vn

Tham dự và chứng kiến lễ ký kết, về phía Myanamar có Ngài U Maung Myint - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Chủ tịch Ngân hàng SMIDB, đại diện Ngân hàng Trung ương Myanmar.

Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar Phạm Thanh Dũng, Chủ tịch HĐQT BIDV - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư sang Myanmar (AVIM) Trần Bắc Hà, đại diện các đồng chí trong Ban điều hành BIDV. Theo thỏa thuận được ký kết, BIDV và SMIDB thống nhất hợp tác trong một số lĩnh vực như:

Hợp tác trao đổi cung cấp thông tin: Kinh nghiệm về thị trường ngân hàng, các nghiệp vụ, chính sách, quy định hoạt động ngân hàng thương mại của Việt Nam và Myanmar; tham khảo hệ thống sản phẩm, quy trình nghiệp vụ; thường xuyên tổ chức các chương trình gặp gỡ để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản trị điều hành ngân hàng hiện đại.

Hợp tác phát triển sản phẩm, dịch vụ: Nghiên cứu khả năng hợp tác cung cấp các sản phẩm, dịch vụ Tài chính - Ngân hàng phục vụ các dự án, hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại của doanh nghiệp hai nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Myanmar.

Hợp tác trong lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối: Đẩy mạnh hợp tác phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong các hoạt động giao dịch tiền tệ, ngoại hối, tài trợ thương mại và các dịch vụ tài chính khác.

Ngân hàng Phát triển công nghiệp vừa và nhỏ (SMIDB) là ngân hàng đại chúng được thành lập năm 1996 dưới sự bảo trợ của Bộ Công nghiệp Myanmar.  Hoạt động chính là hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - một trong những phân khúc khách hàng tiềm năng nhất tại Myanmar đồng thời qua đó hỗ trợ chính sách phát triển công nghiệp của Chính phủ Myanmar.

Ngoài ra, hai bên sẽ thường xuyên trao đổi để tìm kiếm các cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực khác và tiếp tục ký kết các thỏa thuận cụ thể.

Cũng theo thỏa thuận hợp tác này, bằng kinh nghiệm và khả năng của mình, BIDV sẽ hỗ trợ SMIDB trong một số lĩnh vực thế mạnh của BIDV như:

Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho SMIDB: Khảo sát, đánh giá, nâng cao chất lượng hệ thống công nghệ thông tin, hỗ trợ đào tạo, trao đổi giải pháp hệ thống về Core-banking và các ứng dụng IT trong quản trị, kinh doanh ngân hàng thương mại.

Hỗ trợ tư vấn nghiệp vụ: BIDV sẽ cử cán bộ trao đổi kinh nghiệm, tư vấn các sản phẩm nghiệp vụ, công tác quản trị rủi ro ngân hàng, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến công tác tín dụng, quản lý giới hạn an toàn trong hoạt động ngân hàng, thanh toán quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.... 

Hỗ trợ các chương trình đào tạo, khảo sát tại Việt Nam: Trong giai đoạn 2014 - 2015, BIDV hỗ trợ SMIDB tổ chức cử một số đoàn công tác sang khảo sát hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà khẳng định: Với kinh nghiệm và thế mạnh trong việc cho vay và phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, BIDV mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm này để hỗ trợ thị trường tài chính ngân hàng Myanmar cũng như thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Myanmar. Thỏa thuận hợp tác này là minh chứng biểu hiện nỗ lực của BIDV trong việc hỗ trợ quá trình cải cách nền kinh tế Myanmar, thiết lập quan hệ bền chặt với các định chế tài chính Myanmar và tiến tới triển khai hoạt động kinh doanh ngân hàng của BIDV tại Myanmar trong thời gian tới.

Phát biểu tại lễ ký kết, Ngài U Maung Myint - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Chủ tịch Ngân hàng SMIDB đã hoan nghênh những nỗ lực của BIDV trong việc gia nhập thị trường tài chính ngân hàng Myanmar. Đặc biệt với thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa BIDV và Ngân hàng SMIDB một lần nữa khẳng định vai trò của BIDV trong việc góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Chúc mừng thành công cho mối quan hệ hợp tác giữa hai ngân hàng, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải đã  phát biểu: Với vai trò của mình, Bộ Công thương Vịêt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ công thương Myanmar  tìm kiếm các giải pháp cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Myanmar, trong đó có việc hỗ trợ các họat động ngân hàng nói chung và của BIDV nói riêng trong quá trình hợp tác, đầu tư tại Myanmar.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar Phạm Thanh Dũng cũng đã đề nghị Chính phủ Myanmar tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để BIDV triển khai hợp tác với đối tác ngân hàng Myanmar, trong đó có việc ủng hộ Việt Nam thành lập chi nhánh của BIDV tại Myanmar trong thời gian sớm nhất. Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar khẳng định có sự quan tâm hỗ trợ để đảm bảo BIDV triển khai hoạt động thành công tại Myanmar.

Tháng 4/2010, thực hiện Tuyên bố chung của Thủ tướng Chính phủ hai nước về thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Myanmar, BIDV đã thiết lập Văn phòng Đại diện tại Yangon, đặt nền tảng đầu tiên trong việc gia nhập thị trường tài chính Myanmar và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Việt Nam giao là Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM). BIDV đã nhanh chóng kết nối với các định chế tài chính tại Myanmar để thiết lập quan hệ đối tác, kênh thanh toán, ngân hàng đại lý với một số Ngân hàng thương mại, đầu mối kết nối tổ chức hơn 150 Đoàn công tác với trên 2.000 lượt doanh nhân Việt Nam sang khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, làm việc với các cơ quan chức năng Myanmar để xin phép thực hiện đầu tư. Sự nỗ lực của BIDV đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước trong giai đoạn 2010 đến nay, đưa Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước có vốn đầu tư vào Myanmar với tổng giá trị FDI trên 600 triệu USD tại 7 dự án.