Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Có thể nói, hoạt động mua-bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam sau 5 năm (2009-2013) đã có mức tăng trưởng kỷ lục, từ 1,08 tỷ USD năm 2009 lên 5,1 tỷ USD vào năm 2012.

Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đó là những thông tin tại Hội thảo“Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá” được Báo Đầu tư tổ chức chiều nay, 12/8 tại Hà Nội.

M&A tại Việt Nam - Tăng trưởng mạnh…

Bên cạnh những con số ấn tượng trên thì điều đáng nói là các doanh nghiệp Việt ngày càng đóng vai trò chủ động tiếp cận và làm chủ M&A. Cụ thể, năm 2012, tỷ lệ thương vụ doanh nghiệp Việt mua lại là 45%.

Xét về số lượng, 5 năm qua, các thương vụ M&A liên quan đến doanh nghiệp nội chiếm đa số, với 77%. Tuy nhiên, do đặc thù doanh nghiệp Việt Nam, giá trị thương vụ lại không lớn, chủ yếu ở quy mô 2 - 5 triệu USD/thương vụ, một số ít thương vụ ở mức 10 - 30 triệu USD.

Các thương vụ có giá trị lớn tập trung ở những thương vụ có yếu tố nước ngoài. Thống kê từ nhóm nghiên cứu M&A Vietnam Forum cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 66% giá trị các giao dịch M&A, trong đó năm 2011 là năm có nhiều thương vụ lớn được ghi nhận nhất. Nhật Bản hiện đang dẫn đầu các quốc gia có doanh nghiệp thực hiện M&A vào Việt Nam xét cả về số lượng và giá trị. Các thương vụ được nói đến nhiều nhất là Mizuho trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank hay thương vụ Unicham mua 95% cổ phần cùa Diana, Sumitomo mua cổ phần của tập đoàn Bảo Việt và UFJ Mitsubishi mua cổ phần của Vietinbank.

Xét về lĩnh vực, ngành hàng tiêu dùng được đánh giá là thu hút nhất, với tổng giá trị thương vụ M&A riêng trong năm 2012 lên đến 1 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị M&A cả năm. Nhà đầu tư có xu hướng chọn thực hiện M&A để mở rộng chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, giá trị thương vụ M&A trong năm 2013 dự kiến sẽ thấp hơn năm 2012, ước đạt khoảng gần 4 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2013, giá trị M&A tại Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 1,8 tỷ USD.

… Và tiềm năng rất lớn

Theo ông Marc Djandji, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chứng khóa Dầu khí PSI, thì Asean là khu vực có tính phát triển bền vững bậc nhất ở khu vực châu Á. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ nay đến 2015, Asean sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế thống nhất, với rất nhiều chính sách ưu tiên của các nước đưa ra nhằm thu hút dòng vốn đầu tư FDI. Vì vậy có thể khẳng định xu hướng mua bán và sát nhập sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, Asean còn là một thị trường đầy tiềm năng,với dân số hiện nay khoảng 600 triệu người chiếm 9% dân số thế giới. Cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp những người có thu nhập cao ngày một tăng, tạo điều kiện cho các ngành bán lẻ, sản xuất tiêu dùng, giáo dục, y tế phát triển. Với những điều kiện như trên, ông Marc Djandji nhận định Đông Nam Á sẽ trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp, nhiều công ty và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Đây chính là cơ hội để làn sóng M&A phát triển.

Vị chuyên gia này cũng dẫn chứng, tính đến 2012, giá trị các thương vụ M&A tại Đông Nam Á đã lên tới 90 tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị tại châu Á và 4% trên toàn cầu.

Nói về thị trường Việt Nam, ông Marc nhận định đây là một thị trường lớn, đang dành được sự chú ý đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị các thương vụ sát nhập tại Việt Nam năm 2012 tăng tới 77% so với 2011.

Đáng chú ý trong những năm qua, Việt Nam ghi nhận dòng vốn đầu tư lớn đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… thậm chí cả Trung Quốc cũng đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư vào Việt Nam. Chính vì vậy ông Marc khuyến nghị doanh nghiệp cần có những bước chuẩn bị để đón làn sóng đầu tư này từ nay đến năm 2015.

Và để làm được điều này, bên cạnh các chiến lược phát triển bài bản, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm đến các ngân hàng đầu tư tài chính để được tư vấn xây dựng, phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao giá trị của công ty. Nếu làm tốt điều này, công ty đó có thể chủ động trong quá trình đàm phán với các đối tác.

Các ngân hàng đầu tư không giữ vai trò là kênh môi giới, mà chỉ là người tư vấn cho doanh nghiệp phát triển. M&A là một quá trình dài, đòi hỏi có sự đánh giá tổng quan về các yếu tố của doanh nghiệp. Đây chính là căn cứ và cơ sở để doanh nghiệp có thể đưa ra các giải pháp M&A phù hợp.

Trong thư chúc mừng gửi Diễn đàn M&A Việt Nam 2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nhấn mạnh: "Việt Nam đang thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Trong quá trình đó, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) không chỉ là kênh đầu tư thuần túy, mà trở thành giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư doanh nghiệp và hệ thống tài chính ngân hàng."

Bộ trưởng cho biết, trong 5 năm qua, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã tăng 5 lần và đạt xấp xỉ 5 tỷ USD vào năm 2012. Năm 2013, cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua bán sát nhập quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, từ sản xuất công nghiệp, bất động sản đến dịch vụ.

Nói như vậy để thấy rằng, M&A ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn và hứa hẹn sẽ là một công cụ để bản thân mỗi doanh nghiệp tái cấu trúc, tăng trưởng và phát triển bền vững./.