Điểm mặt vài “cú vấp” khó lường

Theo Đầu tư Chứng khoán

Cách điều hành, đặc biệt là việc chưa tách bạch tài chính cá nhân với tài chính doanh nghiệp (DN), đã khiến nhiều lãnh đạo DN tư nhân phải trả giá trong thời gian vừa qua. Chuyển đổi mô hình hoạt động từ chỗ nặng tính gia đình, điều hành riêng biệt, độc lập sang công ty đại chúng, nhưng cách điều hành, đặc biệt là việc chưa tách bạch tài chính cá nhân với tài chính DN, đã khiến nhiều lãnh đạo DN tư nhân phải trả giá trong thời gian vừa qua.

 Điểm mặt vài “cú vấp” khó lường
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điều hành công ty kiểu “gia đình”

Trao đổi với phóng viên, chủ tịch Hội đồng Quản trị một DN niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.  Hồ Chí Minh chia sẻ, ông đang đứng trước nguy cơ mất công ty do mình gây dựng.

Gần 10 năm trước, DN mà ông gây dựng chỉ là công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) quy mô nhỏ, vốn vài tỷ đồng. Khi công ty gặp khó khăn, ông đã bán đi tài sản riêng lớn nhất của mình để có tiền trả lương cho nhân viên. Sau này, TTCK sôi động, nghe theo lời tư vấn của bạn bè và cũng muốn “đứng trên vai người khổng lồ” để đưa công ty phát triển nhanh hơn, ông thực hiện bán cổ phần và tăng vốn điều lệ. Số cổ phiếu mang tên ông chỉ chiếm 15% vốn điều lệ, nhưng thông qua người quen, ông thực nắm giữ trên 60% vốn, đủ để công ty vẫn trong tầm kiểm soát của ông.

Có vốn, lại có nhiều mối quen biết, công ty ông chuyển dần từ lĩnh vực hoạt động ban đầu sang bất động sản. Chưa kịp triển khai bán dự án thì thị trường bất động sản suy thoái. Lãi suất cao, đầu ra không có. Để duy trì bộ máy, để giúp công ty vẫn “đẹp” trong con mắt nhà đầu tư, ông lần lượt đem cầm cố cổ phiếu, đất đai cá nhân để lấy tiền nuôi bộ máy, giống như cách ông điều hành DN khi còn là công ty TNHH.

Nhưng cổ phiếu giảm về mức 3.000 - 4.000 đồng/cổ phiếu, trong khi ông cầm cố ở mức giá 13.000 - 14.000 đồng/cổ phiếu, khiến tài sản của ông bị bán giải chấp đồng loạt. Thanh lý cổ phiếu không đủ trả nợ, ông tiếp tục bị siết cả mấy mảnh đất đang cầm cố. DN vẫn khó khăn, nên không có khả năng trả lại số tiền mà ông đã bỏ ra để “cứu”. Thế là, từ chỗ sở hữu nhiều đất đai, trên 60% vốn điều lệ công ty, sau 2 năm, ông chỉ còn sở hữu 15% vốn điều lệ.

Giờ đây, nỗi lo của ông là không lấy lại được khoản tiền đã bỏ ra để hỗ trợ công ty, khi mùa đại hội cổ đông tới, DN có thể rơi vào tay ông chủ mới. Bởi lẽ, ông đã không rõ ràng tài chính giữa cá nhân và công ty và muốn làm “đẹp” sổ sách.

Nhiều ông chủ DN niêm yết, đặc biệt là nhóm DN ngành bất động sản hoặc các DN có xuất phát điểm là công ty gia đình cũng có tình trạng tương tự. Điều không ai ngờ trong “cuộc chơi” này là nền kinh tế chung quá khó khăn, khiến thời gian DN rơi vào tình trạng mất khả năng tự cân đối kéo dài. Trong khi đó, giá cổ phiếu liên tục sụt giảm mạnh, khiến cổ phiếu cầm cố bị giải chấp diễn ra tràn lan.

Hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH có một ưu điểm quan trọng là giới hạn phần chịu trách nhiệm/khả năng thiệt hại tài chính của các ông chủ. Thế nhưng, tâm lý bao bọc tài chính đối với công ty, đặc biệt là việc không lường trước tình trạng khó khăn của nền kinh tế và TTCK đã đẩy các ông chủ rơi vào tình trạng “mất cả chì lẫn chài”.

Dao động với  mục tiêu lựa chọn

Công ty Cổ phàn Chứng khoán Kim Long (KLS) hiện là công ty chứng khoán (CTCK) có tỷ lệ tiền mặt trên cơ cấu tổng tài sản lớn nhất. Kiên định kế hoạch giữ tiền trong suốt năm 2011, KLS đã trở thành một trong số ít CTCK có lãi năm đó. Sang năm 2012, dù tiền gửi vẫn chiếm đa số, nhưng Công ty cũng đã phải ghi nhận trên 90 tỷ đồng lỗ trong quý III/2012, nguyên nhân bởi tự doanh. Từ chỗ có 1.789 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng đầu năm, KLS chỉ còn 1.277 tỷ đồng gửi ngân hàng thời điểm 30/9/2012 và tài khoản đầu tư ngắn hạn tăng lên mức 958 tỷ đồng tiền gốc.

Trao đổi về nguyên nhân KLS khiến Công ty tăng giải ngân vào TTCK, lãnh đạo KLS cho biết, đó là do TTCK đã đạt được một số yếu tố như: thanh khoản tăng cao, giá đã giảm nhiều, tuy nhiên, không ai lường hết được sự bất ngờ của thị trường… Cũng có ý kiến cho rằng, tác động không nhỏ đến diễn biến tự doanh này của KLS là sức ép từ một bộ phận cổ đông và công chúng đầu tư. Khi KLS gửi tiết kiệm ngân hàng, Công ty bị phản đối mãnh liệt, vì sao Ban lãnh đạo mang tiền của cổ đông đi gửi tiết kiệm?

Khoảng 165 tỷ đồng tăng trích lập dự phòng trong năm 2012 chiếm tỷ lệ nhỏ trong quy mô tài sản của KLS, nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây là số tiền lớn. Nhìn nhận một cách sòng phẳng, bao nhiêu phần  của quyết định tăng tự doanh của Công ty đến từ sức ép “phải hành động”?

KLS chỉ là một trong rất nhiều DN đã bị dao động trong hoạt động bởi các yếu tố bên ngoài. TTCK đã chứng kiến không ít DN, đặc biệt nhóm DN bất động sản cố gắng ra các quyết định không phù hợp với mục đích, định hướng của mình, chỉ vì sức ép của cổ đông là phải có doanh thu, trong khi càng hoạt động càng lỗ và ẩn mình chờ thời dường như là lựa chọn tốt hơn cả. Đây có lẽ là sức ép lớn nhất lên lãnh đạo các DN khi chuyển từ DN chưa đại chúng sang DN niêm yết.

Mỗi giai đoạn, mỗi kiểu DN có sức ép riêng, trong đó có những DN đã từng chịu sức ép gay gắt của cổ đông trong việc tại sao không chia thưởng cổ phiếu (dù khả năng sinh lời trong tương lai giảm), tại sao không chia cổ tức (dù DN đang có nhu cầu huy động thêm vốn), tại sao không đầu tư vào lĩnh vực này, lĩnh vực kia (dù DN không có thế mạnh đó)… Lên một kế hoạch kinh doanh tốt đã khó, đủ khả năng thuyết phục cổ đông và công chúng đầu tư ủng hộ xem ra càng khó hơn, đặc biệt trong bối cảnh các DN thua lỗ và mất khả năng thanh toán trở nên phổ biến như hiện nay.

Hoạt động quá phụ thuộc vào vốn vay

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (THV) có lẽ là ví dụ rõ nét nhất đến thời điểm này về trường hợp DN niêm yết phải trả giá đắt vì phát triển nóng phụ thuộc vào vốn vay. Lãi suất cao, trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi lại rơi vào thời điểm khó khăn, THV từ chỗ là một “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê, chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành con nợ, nguy cơ mất khả năng thanh toán và phá sản.

Thống kê các DN niêm yết cho thấy, hiện nay có tới hàng chục DN, chi phí lãi vay thậm chí còn lớn hơn cả… doanh thu. Đòn bẩy tài chính như con dao hai lưỡi. Ai cũng biết thế, nhưng biết để vận dụng đúng không phải là dễ dàng, nhất là khi những cơ hội kinh doanh tưởng chừng đã đến mười mươi, lại không trở thành hiện thực.