Định vị lại Doanh nghiệp Nhà nước

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các mục tiêu đặt ra với khu vực DNNN đều không đạt được đúng như kỳ vọng. Chính vì vậy, cả trong lý luận và thực tiễn đều thống nhất phải co lại quy mô cũng như nhiệm vụ đối với khu vực kinh tế DNNN. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là co lại đến đâu?

Định vị lại Doanh nghiệp Nhà nước
Nếu nói về hiệu quả sản xuất kinh doanh thì thực tế đã chứng minh DN dân doanh có hiệu quả cao hơn DNNN khi đầu tư vào cùng một lĩnh vực. Đầu tư quá lớn vào một khu vực kém hiệu quả sẽ khiến cả nền kinh tế kém hiệu quả. Ông Michael Krakowski - cố vấn trưởng Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô Đức (GIZ) nhận xét, khu vực DNNN ở VN đang đóng góp khoảng 1/3 GDP. Song, so với tiềm lực đầu tư của nhà nước vào khu vực này, thì mức độ đóng góp này là quá ít. Điều này đã trở thành gánh nặng và đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.

Chính vì vậy, ông Michael Krakowski chia sẻ kinh nghiệm, khi tiến hành cải cách DNNN thì cần xem xét những ngành, lĩnh vực mà DN tư nhân có thể đảm trách được. Khi đó, cần có chính sách thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân. Ở Đức, Chính phủ cũng lắm giữ độc quyền 1 số ngành nghề. Tuy nhiên, Chính phủ cũng có những chính sách để kích thích khu vực tư nhân. Do vậy, số lượng DNNN kinh doanh kém hiệu quả được cắt giảm nhiều.

TS Trần Thị Thanh Hồng – Văn phòng TƯ Đảng bình luận, DNNN chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không nên hiểu DNNN phải giữ vị trí chi phối trong các ngành kinh tế và lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và độc quyền trên nhiều lĩnh vực. Không thể biến độc quyền nhà nước thành độc quyền DNNN. Ngược lại, khu vực này phải dẫn dắt và tạo đà cho các thành phần kinh tế khác tham gia phát triển góp phần tăng trưởng kinh tế quốc dân. TS Hồng cho rằng, cần xác định rõ các tiêu chí thành lập và duy trì hoạt động của các DNNN. Nhà nước sẽ “đầu tư mồi” vào phát triển những lĩnh vực khó, mới và rút dần để có thể thu hút nhiều thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư.

TS Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục quản lý DN (Bộ KH&ĐT) cho biết, hệ thống tổ chức thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN được thực hiện một cách phân tán. Tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tiếp tục vai trò vừa là cơ quan quản lý nhà nước vừa là chủ sở hữu (đại diện chủ sở hữu) đối với DNNN đang là một rào cản lớn đối với quá trình đổi mới. Chính nhà nước, với chức năng quản lý nhà nước là người “cầm cân nảy mực” về cạnh tranh và độc quyền, nhưng với chức năng sở hữu của mình nhà nước đang tạo ra tình trạng độc quyền.

Ông Hùng cho rằng, việc co lại quy mô của khu vực DNNN là cần thiết. Nhưng bên cạnh đó, công tác giám sát độc quyền cũng như giám sát hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN cũng là những yêu cầu vô cùng quan trọng.

Sau nhiều năm cải cách, số lượng DNNN vẫn còn khá lớn, tồn tại ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Mô hình tổ chức, quản trị của DNNN chưa theo kịp thông lệ kinh tế thị trường, chưa tách bạch được chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước.

Theo các chuyên gia, cần đổi mới từ tư duy đến hành động trong công tác giám sát hoạt động của khu vực DNNN. Muốn làm được điều này cần có những thay đổi cơ bản cả về yêu cầu trách nhiệm cũng như chính sách tiền lương, mô hình quản trị…

Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động giám sát DNNN là điều VN có thể học tập và rút kinh nghiệm từ mô hình quản trị của các quốc gia đi trước về kinh tế thị trường. Ví dụ mô hình giám sát của những nhà tư bản. Họ có thể làm chủ nhiều DN tại các quốc gia khác nhau. Họ ngồi tại trung tâm hội sở vẫn có thể giám sát hiệu quả các DN của mình.

Từ bộ máy quản lý DN đến các bộ phận giám sát đều được thuê và trả lương tương sứng với công sức để họ phải tận tâm, tận lực với chức trách của mình. Nếu những người này làm việc chưa tốt thì sẽ bị thay bằng một cá nhận hoặc bộ máy hoạt động tốt hơn. Cơ chế tự giám sát lẫn nhau đã giúp DN hoạt động và phát triển một cách mạnh mẽ.

Cho dù, khu vực DNNN có co lại tới mức nào thì hiệu quả hoạt động của khu vực này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của cả nền kinh tế. Chính vì vậy, khu vực DNNN cũng đang rất cần một mô hình giám sát chuyên nghiệp, được tách bạch rõ ràng các chức năng. Chỉ có làm được như vậy thì tiến trình cải cách DNNN mới có kết quả đúng như kỳ vọng.