Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam

PV.

Ngày 19/12/2017, tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã diễn ra Hội thảo Khoa học “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam”. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tham gia tổ chức Hội thảo.

Ông Phạm Anh Tuấn - Uỷ viên HĐQT Vietcombank tham gia thảo luận tại Hội thảo với nội dung “Thách thức khi cung cấp dịch vụ ngân hàng số”
Ông Phạm Anh Tuấn - Uỷ viên HĐQT Vietcombank tham gia thảo luận tại Hội thảo với nội dung “Thách thức khi cung cấp dịch vụ ngân hàng số”

Hội thảo là một trong chuỗi hoạt động khoa học mà Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tham gia tổ chức thành công cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác về hoạt động Khoa học và Công nghệ giữa NHNN và Vietcombank đã ký kết với đầu mối triển khai là Viện Chiến lược Ngân hàng NHNN và Trung tâm Đào tạo Vietcombank.

Hội thảo được tổ chức nhằm nghiên cứu, thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề: Thứ nhất, chỉ rõ những khoảng trống về mặt pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân; phòng chống gian lận trong kinh doanh...;

Thứ hai, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý ngân hàng số làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại triển khai Digital Banking;

Thứ ba, các ngân hàng thương mại cũng như các công ty Fintech Việt cần có chiến lược, bước đi, giải pháp như thế nào để theo kịp sự bùng nổ của thị trường dịch vụ tài chính số để không tụt hậu, không thua trên sân nhà.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Hội thảo được tổ chức thành 2 phần:  Ngân hàng thương mại Việt Nam trước xu thế Ngân hàng số - Nhìn nhận thách thức, đón bắt cơ hội và nhiệm vụ đặt ra cho công tác hoàn thiện Ngân hàng số; Kinh nghiệm quốc tế và hướng đi cho Việt Nam.

Với tư cách là đại diện đơn vị đồng hành tổ chức Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT Vietcombanh đã tham gia điều hành Hội thảo.

Tại Hội thảo, trực tiếp có bài tham luận và thảo luận về những khoảng trống về quy định, hành lang pháp lý cho sự phát triển Ngân hàng số tại Việt Nam từ đó đề xuất lộ trình cũng như sự phối hợp cần có của các cơ quan bộ ngành trong việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Ngân hàng Nhà nước; đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, các ngân hàng nhà nước trong và ngoài nước, Công ty TNHH E&Y; các Viện nghiên cứu/Trường đại học, đại diện các cơ quan báo chí, truyền hình truyền thông cho sự kiện.

Các tham luận được trình bày tại Hội thảo cũng như các bài viết/ý kiến trao đổi của các chuyên gia đều tập trung vào việc nhận diện, làm rõ thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn của việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam trong tương lai.

Cùng với đó là cần thiết kế một khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển cũng như nâng cao năng lực quản lý và giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan đối với lĩnh vực ngân hàng số.

Đại diện Vietcombank, ông Phạm Anh Tuấn - Uỷ viên HĐQT trong tham luận “Thách thức khi cung cấp dịch vụ ngân hàng số” đã tóm tắt bốn thách thức chính mà ngân hàng gặp phải khi cung cấp dịch vụ ngân hàng số: (i) Xác thực người dùng, ứng dụng chữ ký số; (ii) An toàn bảo mật dữ liệu, tội phạm mạng; (iii) Sự ổn định của hệ thống; (iv) Sự thay đổi về công nghệ.

Hội thảo là cơ sở khoa học quý giá và hữu ích cho các cơ quan quản lý trong việc định hướng và hình thành các giải pháp về cơ chế, chính sách để phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.