Hanoimilk “đón rể” Tiga Pilar

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Hanoimilk đã nằm trong tầm ngắm của một đại gia thực phẩm đến từ Indonesia.

Hanoimilk “đón rể” Tiga Pilar
Hanoimilk từng nằm trong tốp 3 công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Nguồn: nhipcaudautu.vn
Đầu năm 2015, một trong những doanh nghiệp thực phẩm lớn nhất Indonesia là Tiga Pilar Sejahtera Food bất ngờ công bố kế hoạch dành 80 triệu USD để đầu tư vào các công ty chế biến thực phẩm của Việt Nam và Malaysia nhằm mở rộng thị trường. Công ty nào của Việt Nam có thể lọt vào tầm ngắm của đại gia này?

Nguồn tin từ Asian-Agribiz, một tạp chí nông nghiệp nổi tiếng của Indonesia, cho biết Tiga Pilar đang muốn nắm cổ phần chi phối tại Công ty sữa Hà Nội (Hanoimilk) của Việt Nam. Giám đốc tài chính của Tiga Pilar, ông Sjambiri Lioe, cho biết các cuộc đàm phán với doanh nghiệp Việt Nam đã gần kết thúc.

Chia sẻ với NCĐT, ông Barry Weisblatt, Giám đốc Ðiều hành kiêm Trưởng bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VPBank, cho rằng nếu thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) này thành công, Tiga Pilar sẽ gia tăng lợi nhuận mỗi năm thêm từ 18,8-23,5 triệu USD khi bán các sản phẩm của Hanoimilk tại Indonesia.

Chiếc Phao của Hanoimilk

Việc được Tiga Pilar để ý tới có thể là một tin vui dành cho Chủ tịch Hà Quang Tuấn của Hanoimilk, nhất là khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này có dấu hiệu đi xuống trong các năm gần đây. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2014 của Công ty giảm 5% so với năm trước, khi chỉ đạt 222 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận ròng còn thê thảm hơn khi giảm từ mức 3 tỉ đồng xuống còn 161 triệu đồng. Lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS) của Hanoimilk chỉ đạt 13 đồng/cổ phiếu.

Rõ ràng, so với những ông lớn nội địa khác trong ngành kinh doanh sữa của Việt Nam như Vinamilk hay TH Milk, doanh thu và lợi nhuận của Hanoimilk thật sự khiêm tốn. Thậm chí nếu so với đối thủ vừa sức hơn trên thị trường là Công ty Sữa Quốc tế (IDP), doanh thu của Hanoimilk trong năm ngoái cũng thấp hơn đến 7 lần.

Thành lập vào năm 2001, Hanoimilk đã gầy dựng được một thương hiệu khá tốt trên thị trường. Các sản phẩm chủ lực của Công ty hiện là dòng sữa tiệt trùng Izzi dành cho trẻ em, sữa tươi Hanoimilk 100%, các dòng sữa chua Yotuti và Yoha. Đã có thời điểm Hanoimilk nằm trong tốp 3 công ty sữa lớn nhất Việt Nam, nhưng những chiến lược sai lầm về đầu tư ngoài ngành cũng như chịu ảnh hưởng từ nguyên nhân khách quan như sự cố nhiễm khuẩn Melamine năm 2008 đã khiến vị thế của doanh nghiệp này ngày càng đi xuống.

Vì thế, trả lời trước truyền thông mới đây, Chủ tịch Hà Quang Tuấn đã tỏ ra luyến tiếc về một thời đã qua và tỏ ra quyết tâm: “Chúng tôi sẽ cố gắng tìm lại ngôi vị của mình dù biết rất khó khăn”.

Theo đó, chiến lược mới của Hanoimilk là trở thành một trong những công ty sữa hàng đầu, đặc biệt là sữa cho trẻ em với sản phẩm chủ lực là Izzi. Ngoài ra, Hanoimilk cũng xác định xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, phát triển doanh nghiệp lâu dài bằng cách tập trung vào chất lượng.

Doanh nghiệp này cũng nỗ lực gầy dựng đàn bò sữa cho riêng mình với dự án có quy mô 2.000 con tại Mê Linh (Hà Nội). Giai đoạn đầu cần 180 tỉ đồng để nuôi 1.000 con, giai đoạn 2 sẽ tốn 200 tỉ đồng để nuôi thêm 1.000 con. Nhưng có thể thấy quy mô đàn bò của Hanoimilk vẫn rất khiêm tốn nếu so với kế hoạch phát triển đàn bò lên tới hàng chục hay thậm chí hàng trăm ngàn con của các doanh nghiệp khác trong ngành.

Có lẽ thực lực và tiềm năng của Hanoimilk là đáng kể, nhưng điều mà doanh nghiệp này còn thiếu là tiền. Nếu có tiền, Hanoimilk có thể mạnh dạn đầu tư vào đàn bò, hệ thống phân phối, mở rộng thị trường và đặc biệt là quảng bá sản phẩm. Vì thế, việc Tiga Pilar tham gia sẽ có thể là một sự hỗ trợ lớn cho Chủ tịch Hà Quang Tuấn.

Trao đổi với NCĐT, nhà phân tích Janni Asman của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Securities Indonesia cho biết Tiga Pilar là một trong những nhà sản xuất bánh quy lớn nhất nước này với thương hiệu Taro (mua lại từ Unilever vào năm 2011). “Công nghiệp bánh quy được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh nhờ vào tốc độ cải thiện thu nhập của Indonesia”, Janni Asman nói. Thêm vào đó, Tiga Pilar cũng là đơn vị nắm giữ thị phần lớn nhất trên lĩnh vực mì gói và gạo với 21% thị phần ở Indonesia.

Ngoài 2 hoạt động chế biến thực phẩm và gạo, Tiga Pilar còn có trang trại trồng dầu cọ. Doanh thu năm 2013 của công ty này lên tới 390,2 triệu USD, lợi nhuận ròng vào khoảng 33,3 triệu USD. Tổng tài sản của Tiga Pilar là 413,1 triệu USD.

Có thể thấy, nếu sự tham gia của Tiga Pilar vào Hanoimilk trở thành sự thật, thị trường sữa Việt Nam sẽ tiếp tục nóng với việc mở rộng đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo đánh giá của Quỹ Đầu tư VOF (VinaCapital), tiềm năng của thị trường sữa Việt Nam còn rất lớn khi mức tiêu thụ mới chỉ đạt 14 lít/người/năm, bằng một nửa so với mức bình quân của khu vực. Cuối năm 2014, Quỹ VOF đã cùng với Daiwa PI Partners chi 45 triệu USD để mua 70% cổ phần của IDP.

Nhờ sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới có tiềm lực, IDP đặt kế hoạch tăng trưởng lên tới 50% trong năm nay và 25%/năm cho 3 năm tiếp theo. Một doanh nghiệp khác trong ngành là TH Milk cũng đã nhanh tay chộp lấy Dalat Milk để mở rộng quy mô đàn bò.

Chắc chắn, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa Việt Nam sẽ là bài toán khó cho các doanh nghiệp nhỏ như Hanoimilk. Nhưng có lẽ việc thành lập cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào cuối năm nay sẽ mở ra cơ hội lớn cho Hanoimilk, khi họ có thể tiếp cận với thị trường 600 triệu dân của 10 quốc gia trong khu vực. Việc hợp tác với Tiga Pilar để vừa mở rộng hệ thống tại Việt Nam vừa bán sản phẩm sang Indonesia, nếu xảy ra, sẽ là sự hỗ trợ rất lớn cho Hanoimilk.

Bóng dáng KKR - Masan

Tấn công vào ngành sữa cũng là tham vọng của Masan, tập đoàn thực phẩm lớn nhất Việt Nam, khi công ty con là Vinacafé Biên Hòa đã bất ngờ bổ sung thêm lĩnh vực kinh doanh sữa vào ngành nghề hoạt động vào năm ngoái.

Nhưng, nếu tự mình xây dựng lại từ đầu, Masan sẽ khó lòng đuổi kịp các đối thủ lâu năm khác. Một trong những cách có thể tăng trưởng nhanh nhất là mua lại một công ty sữa, hay liên kết với một đối tác sữa sẵn có trên thị trường.

KKR, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, hiện nắm 18% cổ phần trong Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). KKR cũng chính là cổ đông lớn thứ 2 tại Tiga Pilar khi vừa nâng tỉ lệ sở hữu lên 25% tại công ty này hồi cuối năm 2014.

Như vậy có thể thấy, thông qua đầu mối KKR, nếu Tiga Pilar thâu tóm Hanoimilk, sẽ có một liên minh về ngành sữa mang tầm khu vực mang tên Hanoimilk - Tiga Pilar - Masan với đầu mối liên kết là KKR. Nhờ đó, Masan sẽ có cơ hội tận dụng ngay sản phẩm của Hanoimilk để tấn công vào ngành sữa.

Năm ngoái, Masan đã quyết định tái cấu trúc khi bán đi mảng thức ăn chăn nuôi và dành toàn lực vào ngành thực phẩm. Masan cũng công bố muốn thâu tóm Saigon Nutri Food và Cholimex. Sắp tới đây, trên bàn ăn của Masan liệu sẽ có thêm một sản phẩm mới là món sữa?