Mua lại doanh nghiệp: Xu hướng mới đầu tư nước ngoài

Theo Thời báo Ngân hàng

Với cách mua lại doanh nghiệp (DN), mua lại nhà máy nào đó đang hoạt động tại Việt Nam, họ giảm bớt được phần việc xin cấp phép, đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất, kinh doanh mới. Đầu tư theo cách này, họ cũng kế thừa được cả nguồn hàng, khách hàng, thị phần và không cần phải tạo dựng và thiết lập vị trí kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết vào Việt Nam năm 2012 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 4,7% so với năm trước. Trong 5 tháng đầu năm nay, vốn FDI cam kết đạt 8,51 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó lượng vốn đăng ký mới đạt gần 5,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án đăng ký mới, con số này đã giảm từ 485 cùng kỳ năm ngoái xuống còn 398, tương đương mức giảm 17,9%.

Điều này cho thấy, sự phục hồi dòng vốn FDI vào Việt Nam thông qua các dự án mới vẫn chưa vững chắc. Mức tăng về số vốn chủ yếu nhờ vào một số dự án đầu tư lớn như dự án 2 tỷ USD của Samsung Electronics tại Thái Nguyên và dự án 1 tỷ USD sản xuất xe ô tô của Công ty Bus Industrial Center (Nga).

“Tính trên số vốn đăng ký của các dự án mới thì vậy, nhưng tính đủ thì số vốn đầu tư vào Việt Nam cao hơn do nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức M&A”, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết.

Với cách mua lại DN, mua lại nhà máy nào đó đang hoạt động tại Việt Nam, họ giảm bớt được phần việc xin cấp phép, đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất, kinh doanh mới. Đầu tư theo cách này, họ cũng kế thừa được cả nguồn hàng, khách hàng, thị phần và không cần phải tạo dựng và thiết lập vị trí kinh doanh.

Đơn cử, Tập đoàn Siam Cement của Thái Lan cách đây một tháng đã chính thức tuyên bố thương vụ mua Tập đoàn Prime Group của Việt Nam đã hoàn tất. Đây được coi là một trong những thương vụ đầu tư thông qua hình thức M&A lớn tại Việt Nam.

Theo thông báo của Tập đoàn Siam Cement, công ty con của tập đoàn là SCG Building Materials sẽ mua lại 85% cổ phần của Prime Group với giá trị khoảng 240 triệu USD.

Hiện tại Prime Group là một trong những công ty lớn nhất Việt Nam về sản xuất gạch lát nền, với 6 nhà máy có tổng công suất 75 triệu m2/năm. Cho đến thời điểm cuối năm ngoái, Siam Cement ước tính, Prime Group chiếm tới 20% thị phần tại Việt Nam.

Thông qua việc thâu tóm Prime Group, SCG Building Materials đã tiến một bước nhanh chóng nâng công suất của công ty tại khu vực Đông Nam Á lên 225 triệu m2/năm, trong đó 48% được sản xuất tại Thái Lan, 33% tại Việt Nam, 14% tại Indonesia và 5% tại Philippines.

Trước đó, Tập đoàn Suntory Holdings Limited, một trong những tập đoàn sản xuất đồ uống lớn nhất Nhật Bản đã thâm nhập và mở rộng sản xuất tại Việt Nam bằng cách mua lại 51% cổ phần của PepsiCo Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất đồ uống. Với cổ phần chi phối tại PepsiCo Việt Nam, Suntory Holdings đã kiểm soát được một trong những công ty lớn nhất tại Việt Nam trong mảng kinh doanh đồ uống.

Trong lĩnh vực sản xuất thép, 4 công ty từ Nhật Bản bao gồm: Nippon Steel & Sumikin Metal Products, Sumitomo Corporation, Sumisho Tekko Hanbai and Kyoei Steel đã mua lại cổ phần của Công ty thép Bắc Việt và thành lập liên doanh sản xuất thép xây dựng tại Việt Nam.

Kerry Logistics - một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực logistics có trụ sở tại Hong Kong, đầu năm nay cũng đã tuyên bố mở rộng đầu tư tại Việt Nam thông qua việc mua lại cổ phần chi phối của Công ty Tín Thành Express. Thương vụ này sẽ cho phép Kerry cung cấp các giải pháp logistics tại thị trường Việt Nam nhanh chóng.

Một lĩnh vực mới cũng đang được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến ở Việt Nam là sản xuất xi măng. Trong khi các công ty trong nước đang phải vật lộn tránh lỗ, đây lại là cơ hội cho các công ty nước ngoài mở rộng sản xuất tại Việt Nam. YTL Cement Bhd, Công ty sản xuất xi măng của Malaysia, đã bày tỏ ý định mua lại Công ty xi măng Cẩm Phả. Trước đó, PT.Semen Indonesia Tbk của Indonesia đã mua lại Công ty xi măng Thăng Long.

“Trước đây, chúng ta chủ yếu tiếp nhận đầu tư nước ngoài thông qua hình thức đầu tư trực tiếp, nhưng hiện nay ngày càng có nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bằng cách thâu tóm lại các công ty đang hoạt động trong nước. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới”, ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội các DN có vốn đầu tư nước ngoài nói.

Đề án “Đánh giá về thực trạng đầu tư FDI và định hướng tới năm 2020” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây cũng đã nhấn mạnh hình thức đầu tư M&A sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới trong bối cảnh các công ty Nhà nước tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh và rút vốn ra khỏi những mảng kinh doanh không phải là cốt lõi.

Ngoài ra, thách thức của nền kinh tế hiện tại sẽ buộc nhiều công ty trong nước khác nghĩ đến chuyện bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

“Trong tương lai, đầu tư nước ngoài thông qua hình thức M&A sẽ tăng mạnh trong nhiều lĩnh vực bao gồm bất động sản, tài chính, cơ sở hạ tầng, viễn thông và sản xuất công nghiệp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định trong bản đề án.