Nhận diện “gót chân Ashin” của ngành Công nghiệp hỗ trợ

PV.

(Tài chính) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển Công nghiệp hỗ trợ cho khu/cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành tại các tỉnh thành phía Nam” tại TP. Hồ Chí Minh. Mục đích nhằm tìm ra những mấu chốt mà ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam cần giải quyết hiện nay.

Sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào chuỗi giá trị công nghiệp còn thấp. Nguồn: VVCI.
Sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào chuỗi giá trị công nghiệp còn thấp. Nguồn: VVCI.

Theo ông Vũ Xuân Đặng, phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư (văn phòng phía Nam), Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bản địa Việt Nam vào chuỗi giá trị công nghiệp còn thấp. Điều này được thể hiện phần nào qua tỷ lệ cung ứng nội địa cho các DN Nhật Bản còn thấp, chỉ khoảng 13%, trong khi đó tỷ lệ này tại Thái Lan, Indonesia lần lượt là 21,4%, 21,2%. Nhận định này được khẳng định thêm qua bài tham luận của ông Hirotaka Yasuzumi, giám đốc điều hành văn phòng JETRO TP.Hồ Chí Minh có sử dụng kết quả điều tra của JETRO về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương  năm 2013.

Tại đây, các thâm luận cũng đã nhận diện những căn nguyên khiến cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn manh mún như: Lực lượng lao động phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng Thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, cập nhật về các DN công nghiệp hỗ trợ; Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của ngành hỗ trợ công nghiệp; Vốn đầu tư chưa đến được với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…

Để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ một cách vững chắc, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường liên kết doanh nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của DN bản địa vào chuỗi giá trị công nghiệp như:

Thứ nhất, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực để có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thay cho việc nghiên cứu trong việc gia công, sản xuất các chi tiết quan trọng thay cho việc nhập khẩu từ nước ngoài.

Thứ hai, thúc đẩy thành lập các cụm liên kết ngành, thực hiện các chính sách phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của DNNVV nhằm thu hút doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào các khu/cụm công nghiệp.

Thứ ba, lập cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tổ chức các buổi trao đổi kinh doanh giữa doanh nghiệp bản địa và các tập đoàn, DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, thiết kế và thực hiện những gói dịch vụ tài chính phù hợp với đặc điểm của DN công nghiệp hỗ trợ…