Võ Nguyên Giáp trong tư duy quản trị

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Nhiều nhà báo, nhiều nhân vật nổi tiếng trong nước và thế giới đã viết, đã nói về nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về nhân cách của ông..., nhưng ít ai biết rằng ông, với tài dùng quân của mình, lại xuất hiện trong cuốn sách kinh tế (của Mỹ) để mở đầu cho việc dạy các doanh nghiệp về cách điều hành công ty mình.

Võ Nguyên Giáp trong tư duy quản trị
Nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện trong cuốn sách kinh tế của Mỹ... Nguồn: internet
Cuốn Phân tích chiến lược đương đại (Contemporary Strategy Analysis) của Robert Grant do Nhà xuất bản Blackwell Business tái bản lần thứ tư năm 2002, trong chương đầu tiên, tác giả đã lấy mục “Tướng Giáp và Chiến tranh Việt Nam, 1948-1975” để minh chứng cho “Vai trò quan trọng của chiến lược” đối với kinh doanh.

Trong đó, để lý giải cho câu hỏi của Đại tá Harry G.Summers Jr: “Tại sao chúng ta không thắng được mà lại thất bại thảm hại?”, tác giả viết: “Cho dù có một đội quân đông nhất Đông Nam Á, Bắc Việt Nam không thể sánh kịp với Nam Việt Nam có Mỹ, một siêu cường mạnh nhất thế giới về quân sự và công nghiệp, ủng hộ. Nam Việt Nam và đồng minh Mỹ bị đánh bại không phải vì đối phương có lực lượng mạnh hơn mà bởi vì họ có một chiến lược hơn hẳn, Bắc Việt Nam đã đạt được cái thắng lợi mà Tôn Tử coi là cao nhất, đó là: địch quân phải bỏ cuộc”. (Tẩu vi thượng sách - N.G.H).

Và rồi, Grant đã trích dẫn những bài viết của tướng Giáp và các tác giả khác nói về ông để chứng minh luận điểm trên của tác giả về chiến lược lấy trường kỳ đối đầu lại ý đồ muốn thắng mau của đối phương, lấy yếu đánh mạnh, không chấp nhận thắng bằng bất kỳ giá nào, đánh chắc, thắng chắc...

Và từ đó, trong hơn 500 trang của cuốn sách, tác giả đã phân tích các chiến lược kinh doanh, từ cách tìm “giá trị cốt lõi” (core value) của doanh nghiệp, quá trình phối hợp với thông tin, các cấp độ từ chiến lược công ty (corporate strategy) cho đại bản doanh, chiến lược kinh doanh (business strategy) cho các công ty thành viên và chiến lược chức năng (functional strategy) cho các phòng/ban…

Tác giả đã phân tích các loại chiến lược công ty và nhấn mạnh tới chiến lược luôn tạo sự khác biệt phù hợp với thế giới biến động không ngừng với tốc độ cao hiện nay và đã thành một khẩu hiệu được lấy làm tiêu đề của cuốn sách Khác biệt hay là chết.

Trong thế giới đương đại này, bên cạnh lợi thế so sánh “cứng” (có hạn) chủ yếu dựa vào vị thế, vào nguồn lực sẵn có, phải chú ý tới lợi thế so sánh “mềm” (vô hạn), dựa trên những cơ chế phù hợp do con người tạo ra nhằm sử dụng và phát triển hiệu quả ngày càng cao lợi thế so sánh “cứng” vốn có, trước tiên bằng việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm/dịch vụ và không ngừng tạo ra những cơ chế “mềm” thích ứng với sự biến động về khoa học kỹ thuật, về nhu cầu tiêu dùng với tần suất ngày càng cao như hiện nay.

Thực tế đã minh chứng nhiều nền kinh tế tuy hạn chế về lợi thế so sánh “cứng” nhưng đã vươn lên đỉnh cao nhờ lợi thế so sánh “mềm” mà điều đầu tiên phải nhắc tới là sự lựa chọn đúng đắn một chiến lược phát triển phù hợp, thông minh.

Gấp cuốn sách Phân tích chiến lược đương đại lại, bên cạnh những điều, chủ yếu mang tính kỹ thuật, về phân tích chiến lược kinh doanh, thiết lập chiến lược, điều hành công ty… còn cần phải suy ngẫm thêm để ứng dụng. Người viết bài này, tuy không bao giờ hạ thấp vai trò của tập thể, muốn được chia sẻ với người đọc niềm tự hào vì đã được nhân lên, vì dân tộc chúng ta không phải chỉ có một danh tướng Võ Nguyên Giáp trong nghệ thuật chiến tranh mà nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh của ông còn được học giả thế giới nhắc đến trong cuốn sách thuần túy về kinh tế.

Dù rằng giữa nghệ thuật quân sự và kinh tế có những đặc thù riêng, song tư duy chiến lược lại có những điều, nếu nhà hoạt động kinh tế suy ngẫm và biết vận dụng thì cũng thu được những điều bổ ích; cho dù doanh nghiệp còn nhỏ (đầu tiên chỉ có 34 người như của tướng Giáp), biết tìm ra và nuôi dưỡng cái “giá trị cốt lõi” (tinh thần yêu nước của mỗi người trong đội quân đó), biết tìm ra những phương thức hoạt động thích hợp với nguồn lực chủ quan của mình và môi trường (tinh thần yêu nước của toàn dân) và chớp lấy thời cơ thuận lợi (Nhật - Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta…) thì doanh nghiệp đó vẫn có thể thắng được những doanh nghiệp khổng lồ do không có chiến lược phù hợp, do quản lý kém thì chẳng khác nào những tên “khổng lồ chân đất sét”.