Sự cần thiết phải xây dựng chiến lược kinh doanh

Việc xây dựng chiến lược kinh doanh là hết sức cần thiết đối với mỗi DN. Nó giúp cho DN có định hướng, mục tiêu kinh doanh rõ ràng, hướng các bộ phận, cá nhân đến mục tiêu chung của DN, tránh tình trạng phân tán nguồn lực làm suy yếu DN.

Qua tìm hiểu và thu nhập số liệu về hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, có thể nhận thấy rằng điều quan tâm lớn nhất của Ban Lãnh đạo là làm sao có được định hướng đúng đắn, có các dự báo phát triển kinh doanh phù hợp trong môi trường cạnh tranh khốc liệt và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Điều này đòi hỏi công tác xây dựng chiến lược kinh doanh của Tổng công ty phải xứng tầm với quy mô của DN.

Bình quân mỗi năm, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm trang thiết bị hiện đại để sản xuất kinh doanh. Bài toán đầu tư hợp lý, đúng hướng ngày càng khẳng định được thương hiệu, uy tín của Tổng Công ty không chỉ trong nước mà lan rộng ra quốc tế. Điều này đã được minh chứng bằng “Giải thưởng Xây dựng quốc tế” cao quý do Ủy ban Giải thưởng Xây dựng quốc tế lần thứ 23 trao tặng năm 2011.

Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng) là đơn vị kế thừa truyền thống bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, thành lập ngày 19/5/1959. Là một DN nhà nước (DNNN) có quy mô lớn của ngành Xây dựng, trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan bao cấp thì DN cũng chịu chi phối bởi tính mệnh lệnh quan liêu. Do trông chờ từ sự hỗ trợ của Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao đã khiến cho đơn vị thiếu sự linh hoạt trong việc xây dựng một chiến lược kinh doanh và định hướng phát triển DN; Bị động trong việc giải quyết việc làm, đặc biệt là sau khi hoàn thành các công trình lớn.

Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh, Ban lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn xác định rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng chiến lược kinh doanh là "kim chỉ nam" định hướng phát triển hoạt động của đơn vị. Hiện nay, Tổng Công ty đang chú trọng xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm. Kế hoạch dài hạn thường được xây dựng trong khoảng thời gian 5 - 10 năm còn kế hoạch ngắn hạn được xem như là sự điều chỉnh kế hoạch dài hạn trong từng năm.

Sở dĩ trong quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn vẫn còn những khó khăn, tồn tại là bởi những nguyên nhân cụ thể như:

Về mặt khách quan, mặc dù nền kinh tế Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường đã gần 30 năm nhưng những lý thuyết về chiến lược kinh doanh vẫn còn khá mới mẻ, chưa phổ biến. Điều này được lý giải bởi những lý do sau: Nhà nước chưa có những định chế về việc xây dựng chiến lược kinh doanh đối với các DNNN nói chung và các Tổng công ty nhà nước nói riêng; Ảnh hưởng của nền kinh tế bao cấp vẫn còn khá nặng nề, đặc biệt là về mặt nhận thức đối với giới lãnh đạo DN nên trong thực tiễn phạm trù “kế hoạch” lại được sử dụng phổ biến hơn so với “chiến lược”. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu về chiến lược kinh doanh ở các cơ quan nghiên cứu, các trường học chưa thực sự được quan tâm chú ý, việc áp dụng những lý thuyết đó vào thực tế vẫn còn rất hạn chế.

Về mặt chủ quan, tuy công tác kế hoạch ở Tổng Công ty đã ngày một thu hút sự chú ý nhiều hơn của Ban lãnh đạo nhưng chủ yếu mới tập trung vào việc xây dựng các kế hoạch trung và ngắn hạn mà chưa có sự đầu tư thích đáng cho việc xây dựng một chiến lược dài hạn. Hơn nữa, các kiến thức về chiến lược kinh doanh và xây dựng chiến lược kinh doanh đối với đội ngũ cán bộ làm công tác này còn khá nhiều bất cập, dẫn tới chất lượng công tác xây dựng chiến lược kinh doanh ở Tổng Công ty còn yếu...

Một số giải pháp xây dựng chiến lược kinh doanh đến năm 2020

Đối với cộng đồng DN trong nước nói chung và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn nói riêng, khái niệm chiến lược và quản lý chiến lược còn khá mới mẻ, có chăng cũng chỉ ở dạng lý thuyết còn về mặt thực tiễn hầu như chưa có nhiều ứng dụng. Là một DN lớn của ngành Xây dựng, Tổng Công ty có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng, tạo việc làm cho người lao động, đem lại nguồn thu cho NSNN. Để thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi Tổng Công ty phải có một chiến lược kinh doanh đúng đắn nhằm tận dụng tối đa các cơ hội, giảm thiểu các nguy cơ đe doạ, từ đó phát huy các năng lực sở trường khắc phục các điểm yếu, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ những giải pháp sau:

Hoàn thiện quy trình xây dựng chiến lược

Đối với việc phân tích môi trường: Công việc này cần phải có sự đầu tư nhiều hơn nữa về cả nhân lực lẫn tài lực... Việc phân tích môi trường đòi hỏi phải đầy đủ, toàn diện hơn trên cả 3 phương diện: Môi trường vĩ mô; môi trường tác nghiệp; nội bộ Tổng Công ty.

Đối với việc xác định mục tiêu: Thông qua việc phân tích môi trường cần chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của Tổng Công ty, xác định các cơ hội cũng như những đe doạ từ môi trường, từ đó đề ra các mục tiêu thích hợp sao cho phát huy các thế mạnh của Tổng Công ty, tận dụng tối đa các cơ hội, tối thiểu hoá các đe doạ để phát triển.

Thời gian tới, hệ thống mục tiêu đề ra cần đầy đủ và hoàn thiện hơn, nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng, phải đề ra được các căn cứ xây dựng mục tiêu theo phương pháp khoa học như: Phải cụ thể, nếu là định tính phải rõ ràng, dễ hiểu; Phải linh hoạt và đảm bảo tính khả thi, mục tiêu đề ra phải phù hợp với năng lực của Tổng Công ty.

Bộ máy quản lý chiến lược

Cần sắp xếp lại nhiệm vụ của các phòng ban một cách rõ ràng và không chồng chéo. Định biên các nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ lãnh đạo để việc triển khai lập kế hoạch chiến lược và thực hiện chiến lược được thuận lợi, nhanh chóng hơn, không phải qua quá nhiều cấp xét duyệt lòng vòng như hiện nay.

Nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia làm công tác kế hoạch

Việc nâng cao năng lực của các cán bộ chuyên môn cần được đưa lên hàng đầu. Trong thời gian tới, cần chủ động nâng cao trình độ quản lý, bồi dưỡng và hướng dẫn những kiến thức tối thiểu về kinh tế, về kế hoạch chiến lược cho tất cả các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư và công nhân viên có liên quan đến công tác hạch toán kinh doanh. Những cán bộ kỹ thuật, tham mưu cho Tổng giám đốc về kế hoạch cần giỏi chuyên môn, đồng thời luôn luôn nâng cao khả năng, kiến thức của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay. Đối với những cán bộ kinh tế, tham mưu về lĩnh vực kinh tế cho Tổng giám đốc gồm bộ phận làm kế hoạch, các bộ phận làm công tác kinh tế khác và những người hoạt động trong phòng tài chính kế toán ở Tổng công ty, việc tuyển chọn và bổ sung thêm người có nghiệp vụ vào các phòng ban này cần được chú trọng kỹ lưỡng và hợp lý hơn; Cần tuyển đúng người, đúng việc, hợp với năng lực và khả năng...

Giải pháp về con người

Coi trọng việc lập và thực hiện quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ theo yêu cầu mới. Chuyển đổi số công nhân kỹ thuật còn trẻ, tay nghề thấp sang bổ túc tay nghề, hoặc học thêm nghề khác để giỏi một nghề, biết làm được 1- 2 nghề liên quan. Bổ túc trình độ cho cán bộ quản lý kỹ thuật về ngoại ngữ, kỹ thuật mới... Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý dưới 45 tuổi buộc phải tự giác tiếp và làm việc với người nước ngoài…

Giải pháp về tài chính

Tăng cường tích luỹ nội bộ bằng cách đảm bảo mức lợi nhuận thực hiện như mục tiêu đã nêu ở kế hoạch. Xúc tiến thực hiện cổ phần hoá DN theo chủ trương của Đảng và Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Quốc phòng. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ cổ phần hoá cơ bản các Công ty hạch toán độc lập còn lại. Huy động vốn dưới nhiều hình thức như: cùng với việc tiến hành cổ phần DN, cần tiến hành thuê tài chính, mở rộng hình thức tín dụng tài trợ xuất khẩu và tăng cường hợp tác để thu hút nguồn vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Mở rộng hình thức vay từ nước ngoài để tăng thời gian vay và giảm lãi suất. Tham gia đầu tư vào các công ty tài chính khác và đầu tư vào các công ty để giám sát việc sử dụng vốn vay của bản thân DN.

Xây dựng chiến lược kinh doanh của Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đến năm 2020

ThS. NGUYỄN THỊ HOÀI

(Tài chính) Trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp (DN) cần phải xây dựng cho mình những định hướng, chiến lược kinh doanh phù hợp, cũng như phát huy các điểm mạnh và hạn chế các điểm yếu. Thông qua việc nghiên cứu tình hình hoạt động của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, bài viết đưa ra những đề xuất nhằm xây dựng chiến lược kinh doanh của Tổng Công ty đến năm 2020.

Xem thêm

Video nổi bật