Thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất của ngành công nghiệp

Anh Thư

Dưới tác động từ dịch COVID-19, sức bật của doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ gặp nhiều cản trở. Yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng của các DNlại càng trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN áp dụng công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể.

 Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể.
Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể.

Nhằm thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất của ngành công nghiệp, trong năm 2018-2019, Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho 24 DN điển hình áp dụng công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành Công nghiệp” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012.

TPM là tên viết tắt của công cụ Bảo trì năng suất toàn diện, hướng tới mục tiêu luôn duy trì được năng suất tối đa của máy móc, thiết bị. Việc thực hiện TPM bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như: xây dựng chương trình bảo dưỡng thiết bị, giám sát việc thực hiện bảo dưỡng; nhận diện các tổn thất trong quá trình sản xuất; phân tích số liệu về tổn thất và lập ra các nhóm Cải tiến tập trung để giảm thiểu các tổn thất này.

Thời gian qua, có thể kể đến hàng loạt DN áp dụng thành công công cụ TPM như: Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường (TCI); Công ty TNHH MTV Động Cơ và Máy Nông Nghiệp Miền Nam (SVEAM); Trung tâm thiết bị ngân hàng Tân Huy Hoàng; Công ty cổ phần (CTCP) Sơn Hải Phòng; Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh; Công ty Cường Vinh…

Trong giai đoạn 2019-2020, Bộ Công Thương đã tổ chức chương trình hỗ trợ tư vấn cho các nhà máy, công ty sản xuất về TPM thông qua nhiệm vụ “Xây dựng và áp dụng bộ công cụ và phần mềm hỗ trợ TPM cho các DN sản xuất công nghiệp”.

Với việc triển khai thành công TPM thời gian qua, các DN đều có chủ trương tiếp tục duy trì và mở rộng áp dụng phương pháp này nhằm phát triển bền vững công ty, mang lại các hiệu quả lớn hơn về cải tiến năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trong giai đoạn 2019-2020, Bộ Công Thương đã tổ chức chương trình hỗ trợ tư vấn cho các nhà máy, công ty sản xuất về TPM thông qua nhiệm vụ “Xây dựng và áp dụng bộ công cụ và phần mềm hỗ trợ TPM cho các DN sản xuất công nghiệp” nhằm mục đích tiếp tục phổ biến, nhân rộng những lợi ích mà TPM mang lại cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng đã thông báo về chương trình hỗ trợ này tới các DN, theo đó, đối tượng được khuyến khích tham gia là tất cả các DN có hoạt động sản xuất, quy mô số lao động từ nhỏ, vừa, đến lớn và có sự cam kết tham gia của ban lãnh đạo công ty/nhà máy.

Tham gia chương trình, DN hướng đến mục tiêu: Cải tiến hiệu suất sử dụng thiết bị tổng thể; Tăng năng suất, cải tiến môi trường làm việc chuyên nghiệp và an toàn hơn; Nâng cao hình ảnh, mở rộng mạng lưới khách hàng.

Để tham gia chương trình, các DN phải đáp ứng các điều kiện: Có sử dụng thiết bị sản xuất công nghiệp; Cam kết bố trí nhân sự triển khai TPM; Bố trí ngân sách từ 50 triệu đồng trở lên cho việc triển khai các giải pháp cải tiến tại doanh nghiệp; Sẵn sàng chia sẻ kết quả, kinh nghiệm áp dụng với DN khác.

DN sau khi được lựa chọn hướng dẫn TPM (ký hợp đồng xác nhận mục tiêu, kỳ vọng, kế hoạch triển khai chi tiết) sẽ được hướng dẫn triển khai các hoạt động chuẩn bị (đào tạo về TPM, phân công trách nhiệm, Tổng hợp tài liệu/hồ sơ liên quan đến quản lý thiết bị, khảo sát chi tiết hệ thống thiết bị), hướng dẫn và áp dụng, duy trì và đánh giá.

Các kết quả dự kiến đạt được trong 6 tháng gồm:

- Sau 2 tháng đầu triển khai, dự kiến các DN có khả năng xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn, kế hoạch về bảo trì, bảo dưỡng; Xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn, kế hoạch về quản lý sớm, quản lý chất lượng; Có khả năng bảo trì thiết bị theo phương thức bảo trì tự quản và bảo trì có kế hoạch; Có khả năng quản lý sản phẩm theo phương thức quản lý chất lượng, quản lý sớm

- Trong 2 tháng tiếp theo, DN có khả năng nâng cao năng lực theo phương thức tập huấn và cải tiến có trọng điểm; Có khả năng cải tiến khu vực văn phòng, hành chính, phụ trợ và các vấn đề an toàn, sức khỏe, môi trường; Xác định được hiện trạng hiệu suất thiết bị tổng thể

- Sau 2 tháng cuối, DN có chỉ số Hiệu suất thiết bị tổng thể được cải thiện; nhận được Chứng chỉ của Bộ Công Thương.