Tỉnh Bạc Liêu:

Thương mại và dịch vụ phát triển chuyên nghiệp và hiện đại

Theo Kim Trung/Báo Bạc Liêu

Với việc đẩy mạnh và ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, Bạc Liêu đã thu hút được nhiều dự án phát triển thương mại - dịch vụ và bưu chính viễn thông. Hiện nay, các thế mạnh này đang được phát huy và dự báo sẽ tăng trưởng nhanh khi các trung tâm thương mại (TTTM) được đầu tư xây dựng tại Bạc Liêu và đưa vào khai thác trong năm 2022.

Người dân mua sắm ở Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Người dân mua sắm ở Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu. Ảnh: H.T

Đa dạng hình thức kinh doanh

Thực tế cho thấy, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thời gian qua phát triển khá sôi động. Trong đó, thương mại phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô kinh doanh gắn với nhiều hình thức kinh doanh đa dạng và hiện đại. Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 siêu thị, 4 TTTM và 64 chợ, trong khi đó TTTM Nguyễn Kim đang được đẩy nhanh tiến độ và TTTM Vinmart sẽ đưa vào khai thác trong năm 2022.

Với hệ thống thương mại này, sẽ góp phần hình thành và tạo ra các kênh lưu thông hàng hóa thông suốt từ thành thị đến nông thôn. Qua đó, thúc đẩy giao thương và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Đặc biệt, sự có mặt của các TTTM Vinmart, Nguyễn Kim, siêu thị lớn như Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu, Điện Máy Xanh ...sẽ thúc đẩy hàng hóa phát triển và giúp nông dân, doanh nghiệp của địa phương tiêu thụ hàng hóa, nhất là mặt hàng nông - thủy sản.

Song song đó, hình thành nên các loại hình dịch vụ chuyên nghiệp, hiện đại và góp phần cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, giá trị gia tăng ở khu vực dịch vụ từ 8.153 tỷ đồng năm 2018 tăng lên 9.451 tỷ đồng năm 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,62%/năm.

Hoạt động thương mại phát triển, ngoài sự đóng góp từ các TTTM, siêu thị và hệ thống kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh ở trung tâm TP. Bạc Liêu và trung tâm các huyện, thị xã, còn có sự góp sức của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thông qua chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, các ngành chức năng đã tổ chức trên 11 phiên chợ và hơn 70 cuộc hội chợ thương mại, thu hút trên 5.000 lượt doanh nghiệp tham gia bán hàng. Từ đó kích thích sức mua, tạo thêm kênh phân phối đưa hàng hóa về nông thôn, qua đó tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Đơn cử như trong 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 43.038 tỷ đồng, đạt 61,73% kế hoạch, tăng 9,45% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tăng trưởng khá

Điều đáng ghi nhận, thời gian qua hoạt động xuất khẩu tuy chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng vẫn giữ được tăng trưởng khá, nhiều thị trường tiêu thụ lớn tiếp tục được giữ vững như: Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông...

Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục phát triển và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt mức tăng trưởng bình quân 10,38%/năm, hành khách tăng 10,29%/năm.

Thông tin liên lạc có bước phát triển vượt bậc, nhiều loại hình dịch vụ mới phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân cư. Đến nay, 100% số xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có sóng di động; 64 xã, phường, thị trấn có cáp viễn thông đi qua, 100% xã có truy nhập Internet và kết nối hội nghị trực tuyến thông qua mạng cáp quang tốc độ cao. Ngoài ra, sóng 4G cũng đã phủ 100% diện tích và dân số trong tỉnh…

Tuy nhiên, việc phát triển thương mại hiện nay cần được quan tâm nhiều hơn vì hệ thống chợ ở các vùng nông thôn còn yếu và thiếu. Trong đó, cần quan tâm mời gọi và có những chính sách ưu đãi đặc thù trong việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chợ đầu mối giúp nông dân tiêu thụ hàng nông sản, nhất là lúa gạo, tôm cá và rau màu.

Đồng thời, phát triển mạnh công nghiệp chế biến hàng nông - thủy sản ngoài con tôm, vì phần lớn hàng hóa của nông - ngư dân hiện nay đều xuất nguyên liệu thô và khó đưa vào các siêu thị, TTTM trong, ngoài tỉnh Bạc Liêu do chưa được đóng gói đúng chuẩn theo quy định gắn với quy trình kiểm soát đầu vào thông qua liên kết sản xuất chuỗi giữa doanh nghiệp với nông dân…